(kiemtoannn.gov.vn) - Tháng 11 năm 2013 Hiến pháp 1992 sửa đổi đã được Quốc hội thông qua, đánh dấu bước ngoặt trên chặng đường phát triển của KTNN khi lần đầu tiên Hiến Pháp đã dành 01 điều với 03 khoản quy định về địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán Nhà nước. Kiểm toán nhà nước cũng đã nhanh chóng xúc tiến công tác sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước để phù hợp với vị thế mới của KTNN; đồng thời nhanh chóng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của ngành để sửa đổi cho phù hợp.
Ông Lê Huy Trọng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế
Với những đóng góp tích cực trong hoạt động này, PGS.TS Lê Huy Trọng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã được lựa chọn là một trong những cá nhân điển hình được đề nghị xét tặng Bằng khen của Tổng Kiểm toán Nhà nước trong đợt thi đua 365 ngày chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập KTNN.
Chủ chốt trong công tác xây dựng pháp luậtViệc sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được Lãnh đạo KTNN xác định như một “cơ hội vàng” để nâng cao địa vị pháp lý của KTNN. Điều này được thể hiện rõ trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017 và đã được Lãnh đạo KTNN thống nhất chỉ đạo trong toàn Ngành.
Với vai trò là Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng “Đề án bổ sung Địa vị pháp lý của Kiểm toán nhà nước trong Hiến pháp”, chỉ đạo đôn đốc việc xây dựng, tổng hợp, hoàn thiện đề án, PGS.TS Lê Huy Trọng đã cùng với Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc KTNN giới thiệu cho công chức trong đơn vị và Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Đề cương giới thiệu nội dung đề xuất bổ sung địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán Nhà nước trong Hiến pháp. Công tác tổng hợp, xây dựng Báo cáo tổng hợp góp ý kiến công chức, viên chức vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng được thực hiện đầy đủ, kịp thời và chất lượng. Chính vì vậy, đã tạo căn cứ quan trọng, thiết thực và hợp lý để Quốc hội thảo luận, xem xét việc bổ sung địa vị pháp lý của KTNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước trong Hiến pháp.
Từ ngày 01/01/2014, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam có hiệu lực. KTNN đã xác định việc thể chế hóa các quy định của Hiến pháp về KTNN là cần thiết và phải làm ngay. Vì vậy, ngay trong năm 2013, KTNN đã xúc tiến xây dựng Dự án Luật KTNN (sửa đổi), tiến sĩ Lê Huy Trọng cũng có trọng trách lớn khi đảm nhiệm vai trò là Ủy viên Ban soạn thảo, Tổ trưởng tổ biên tập xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước. Với việc tích cực triển khai trên cơ sở bám sát các Nghị quyết liên quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Tờ trình và Kế hoạch của Ngành, ông Lê Huy Trọng đã tham mưu cho lãnh đạo KTNN tổ chức 04 cuộc họp Ban soạn thảo, 02 cuộc tọa đàm, 08 cuộc họp Tổ biên tập; tham gia Chủ trì tổ chức thành công 02 cuộc hội thảo tại TP. HCM và tỉnh Quảng Ninh lấy ý kiến tham gia của các chuyên gia trong và ngoài ngành vào Dự án Luật. Đến nay Dự thảo Luật đã cơ bản hoàn thiện với 83 điều chia thành 9 chương. Dự kiến sẽ gửi xin ý kiến Chính phủ, trình thẩm tra trong tháng 7 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước tháng 9/2014. Các tài liệu, hồ sơ của Dự án cũng đã được dự thảo, gồm: Dự thảo Tờ trình, dự thảo Báo cáo thuyết minh và dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của Dự án.
Bên cạnh đó, cùng với với đơn vị liên quan, ông Lê Huy Trọng đã tham gia triển khai việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của ngành để sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi cho phù hợp với Hiến pháp 2013. Đối với văn bản ngoài ngành, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung đối với Luật NSNN, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi). Thời gian tới sẽ kiến nghị sửa đổi đối với một số luật liên quan khác, như: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức Chính phủ,... Đối với văn bản trong ngành, dự kiến sẽ xây dựng, ban hành 7 văn bản, như: Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN, Hệ thống chuẩn mực KTNN, Quy trình kiểm toán hoạt động của KTNN...
Ông Lê Huy Trọng tại Hội thảo Dự án Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi)
Chủ động trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Cùng với công tác xây dựng pháp luật, một mảng công tác khác được Vụ Pháp chế và bản thân Vụ trưởng Lê Huy Trọng rất chú trọng đó là công tác truyền truyền, phổ biến pháp luật trong nội bộ Ngành.
Vụ Pháp chế KTNN được Lãnh đạo KTNN giao nhiệm vụ đầu mối, chủ trì theo dõi công tác tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản của Hiến pháp. Vụ Pháp chế đã chủ động xây dựng kế hoạch hướng dẫn, triển khai thực hiện các hoạt động ở 100% các đơn vị với hình thức đa dạng và phong phú. Cụ thể, Vụ Pháp chế đã cùng với các đơn vị liên quan tổ chức thành công 02 Hội nghị trực tuyến toàn ngành với trên 1500 người tham dự và phối hợp với 07 KTNN chuyên ngành tổ chức 07 hội nghị tập huấn với trên 300 người tham dự. Qua các hội nghị này, toàn thể công chức, viên chức và người lao động của KTNN đã được phổ biến, giới thiệu về Hiến pháp 2013. Các hội nghị trên đều có sự tham gia của các báo cáo viên, tuyên truyền viên có trình độ và trực tiếp tham gia Ban soạn thảo Dự thảo Hiến pháp năm 1992 sửa đổi.
Bên cạnh đó, hàng nghìn tài liệu tuyên truyền đã được phát hành đến tận tay từng công chức, viên chức và người lao động của ngành để làm tài liệu nghiên cứu, học tập; trên các phương tiện thông tin, truyền thông của ngành cũng được đẩy mạnh việc tuyên truyền về nội dung Hiến pháp, đặc biệt là những nội dung hiến định về KTNN.
Các hoạt động này đã tạo được sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của công chức, viên chức, người lao động toàn ngành, nâng cao trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu về hiến định của KTNN. Trong thời gian tới, khi Luật KTNN sửa đổi được thông qua, Vụ Pháp chế sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền các nội dung của Luật trong toàn Ngành./.
Ngọc Bích