Trong phiên thảo luận tình hình KT-XH sáng 2/6, các đại biểu Quốc hội thống nhất nhận định năm 2014 nền kinh tế sẽ vượt qua thời kỳ trì trệ, lấy lại đà phát triển. Vì vậy, cần tập trung thảo luận các quyết sách thay vì điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu Quốc hội trong giờ nghỉ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Dấu hiệu kinh tế phục hồi ngày càng rõ nét, nhất là từ quý IV/2013 được nhiều đại biểu ghi nhận.
Đại biểu Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hoà) đánh giá cao về những kết quả, chỉ số phát triển kinh tế, xã hội dưới sự điều hành của Chính phủ thời gian qua.
Ông Ngoạn đưa ra 3 thống kê quan trọng, phản ánh tính phục hồi, ổn định của kinh tế vĩ mô. Đó là chỉ số CPI duy trì suốt 2 năm rưỡi ở mức ổn định trên dưới 5%; hoạt động sản xuất, kinh doanh phản ánh trên chỉ số tăng trưởng của hơn 600 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán đều tăng cao (47% của quý III/2013 và 15,7% 4 tháng đầu năm 2014) cùng với chỉ số CBS-Chỉ số đo mức độ rủi ro của trái phiếu Chính phủ trên thị trường quốc tế liên tục ổn định từ tháng 4/2013 đến nay đã minh chứng về lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài với nền kinh tế Việt Nam.
Tán thành với báo cáo của Chính phủ, các đại biểu nêu những ý kiến đóng góp, mong muốn Quốc hội, Chính phủ cũng như toàn hệ thống chính trị, cả dân tộc đoàn kết, chung sức chung lòng đưa ra những quyết sách, hành động đúng đắn, phù hợp, đưa đất nước vượt qua khó khăn, phát triển ổn định.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) phân tích về 2 bối cảnh có tác động lớn tới sự phát triển của đất nước trong tiến trình hội nhập. Một là, các Hiệp định thương mại tự do với hàng loạt các đối tác lớn, trong đó có Hiệp định TPP đang vào giai đoạn nước rút; hai là sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam được dự báo sẽ có thể có những tác động tới quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc.
Dưới góc độ kinh tế, Việt Nam đang đứng trước những đòi hỏi mới trong việc duy trì quan hệ thương mại ổn định với Trung Quốc, đồng thời phải tăng cường các biện pháp hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường này. Việc tận dụng cơ hội, phát huy được các Hiệp định thương mại tự do đầy triển vọng nói trên có thể là cách thức hữu hiệu để đạt được mục tiêu này.
“Với các cam kết loại bỏ hoặc giảm bớt thuế quan và rào cản kỹ thuật với các đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới, Việt Nam sẽ có điều kiện nhập khẩu, thu hút đầu tư từ Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia,… máy móc, thiết bị, nguyên liệu đầu vào và cả hàng tiêu dùng với giá cả hợp lý hơn, sẽ cạnh tranh được với hàng giá rẻ Trung Quốc, giảm nhập khẩu đầu vào trong một số ngành công nghiệp trọng điểm trong nước", ông Lộc đánh giá.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết Trung Quốc hiện là đối tác thương mại quan trọng, chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu, 23% nhập khẩu của Việt Nam; tuy nhiên, nhận thức được Việt Nam thường ở vị thế nhập siêu nên trong chỉ đạo từ nhiều năm trước, Chính phủ đã có nhiều biện pháp cải thiện cán cân thương mại với đối tác này. Từ năm 2013, hai bên đã ký 3 hiệp định tăng cường xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
“Những diễn biến thời gian qua càng thúc đẩy chúng ta quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa xu thế mở rộng thị trường, thúc đẩy triển khai 8 FTA đã ký kết, đàm phán, ký kết 6 hiệp định khác với các đối tác kinh tế lớn, trong đó có các Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, EU…”, ông Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.
Theo đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM), trong năm 2014, Quốc hội có thể không cần thảo luận điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế vĩ mô mà cần tập trung điều chỉnh các quyết sách. Trước hết, cùng Chính phủ tập trung để tăng tổng cầu, sức mua của nền kinh tế, hỗ trợ, đặc biệt là về tín dụng cho 1/3 số DN hiện đang khó khăn không tiếp cận được nguồn vốn.
Ông Trần Du Lịch đề nghị Quốc hội cần ra chính sách mạnh mẽ hơn về “thắt lưng buộc bụng”, tăng hơn nữa gói 16.000 tỷ đồng đầu tư cho các lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển, ngư dân đánh bắt thủy sản trên Biển Đông.
Trong đó, tập trung đầu tư tàu đánh cá lớn cho ngư dân, trước mắt là đánh bắt tại những vùng trọng điểm. Các chính sách tín dụng, đầu tư cần ưu đãi hơn để phát huy sức mạnh phát triển kinh tế chung sức bảo vệ chủ quyền biển đảo của hơn 1 triệu ngư dân 28 tỉnh, thành phố ven biển.
Đối với quan hệ kinh tế quốc tế, cần xem xét cả 3 mặt: quan hệ thương mại, đầu tư, quan hệ tín dụng, để nhằm thay đổi từ quan hệ lệ thuộc sang quan hệ tương thuộc, cùng có lợi thực sự, không phụ thuộc vào bất cứ nước nào. Chính phủ cũng cần tập trung triển khai chính sách tái cơ cấu nông nghiệp, hỗ trợ nông dân, ngư dân và công nghiệp hỗ trợ./.
Theo Chinhphu.vn