(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 30/5/2014, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đã ký Quyết định số 1155/QĐ-CTN, tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Kiểm toán Nhà nước. Đây là phần thưởng cao quý của Nhà nước, ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc của Kiểm toán Nhà nước trong suốt 20 năm xây dựng và phát triển; là động lực để Kiểm toán Nhà nước luôn nỗ lực không mệt mỏi, trở thành một cơ quan kiểm tra tài chính công có uy tín và có trách nhiệm, góp phần mang lại sự phát triển bền vững và sự phồn thịnh của đất nước.
Cơ quan Kiểm toán Nhà nước ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong xã hội
Kể từ khi mới thành lập (11/7/1994) đến nay, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã dần khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước; sự cần thiết và tính tất yếu khách quan của công cụ kiểm tra, kiểm soát hoạt động quản lý kinh tế - tài chính nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đặc biệt, ngày 28/11/2013, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, trong đó địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước và Tổng Kiểm toán Nhà nước được quy định tại Điều 118. Việc KTNN được hiến định trong Hiến pháp là sự kiện trọng đại và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với KTNN, khẳng định vai trò của KTNN - là cơ quan do Quốc hội thành lập, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, đồng thời đặt ra những thách thức không nhỏ đối với Ngành.
Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, KTNN đã nỗ lực phấn đấu, không ngừng phát triển và giành được nhiều thành tích trong mọi lĩnh vực như: Hoàn thiện tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực; Công tác nghiên cứu và thông tin khoa học; Công tác tham mưu và xây dựng cơ sở vật chất; Công tác quan hệ quốc tế; Công tác đảng, đoàn thể và xây dựng hệ thống chính trị. Đặc biệt, trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, KTNN đã thể hiện được vai trò không thể thay thế của mình trong kiểm tra tài chính nhà nước và tài sản công.
Các cuộc kiểm toán tăng dần cả về số lượng, chất lượng và phạm vi theo từng năm
Từ khi Luật KTNN có hiệu lực (năm 2006) đến nay. KTNN thực hiện kiểm toán 1.084 cuộc kiểm toán (trung bình KTNN kiểm toán 135,5 cuộc kiểm toán/năm), bao gồm: 145 đầu mối là các bộ, ngành, cơ quan trung ương; 261 đầu mối tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 220 đầu mối là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; 232 đầu mối là các Chương trình, dự án đầu tư; 160 đầu mối thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, khối cơ quan Đảng và 66 cuộc kiểm toán chuyên đề.
Khoảng cách bình quân giữa 2 lần kiểm toán mỗi đơn vị đã được rút ngắn. Trong 05 năm gần đây, hầu hết các đơn vị dự toán cấp I thuộc ngân sách Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính, bảo hiểm… được kiểm toán 2-3 năm một lần; trung bình mỗi năm kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách của 50% số tỉnh, thành phố. Nhiều đơn vị được kiểm toán thường xuyên hàng năm theo luật định như: Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội...
Ngoài việc thực hiện kiểm toán theo kế hoạch kiểm toán hàng năm, KTNN còn thực hiện nhiều cuộc kiểm toán theo yêu cầu để phục vụ công tác giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, công tác quản lý, điều hành của Chính phủ và theo đề nghị của các nhà tài trợ, như: Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, Xí nghiệp liên doanh dầu khí Vietsovpetro, Dự án Trung tâm Hội nghị quốc gia, Dự án Cầu Vĩnh Tuy, Dự án Đường 5 kéo dài, Chương trình 135, Chương trình MTQG Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình MTQG về giáo dục và đào tạo, Chương trình giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, Chương trình cải cách hành chính công và Chương trình hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp - Hợp phần địa phương tại 05 tỉnh...
Tăng cường kiểm toán hoạt động các vấn đề đang được Đảng, Quốc hội, Nhà nước và dư luận xã hội quan tâm
Hiện nay, KTNN đang thực hiện 3 loại hình kiểm toán (kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động), trong đó kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ vẫn là chủ yếu. Trong những năm gần đây, kiểm toán hoạt động dần được chú trọng nhiều hơn nên các cuộc kiểm toán chuyên đề chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong Kế hoạch kiểm toán hàng năm. Các cuộc kiểm toán với sự tham gia của nhiều đơn vị trong Ngành đã được tổ chức nhiều hơn, đây hầu hết là những cuộc kiểm toán các vấn đề đang được Đảng, Quốc hội, Nhà nước và dư luận xã hội quan tâm như kiểm toán các chương trình giảm nghèo bền vững (Chuyên đề về Chương trình 30a và 167 tại 62 huyện nghèo), các chương trình mục tiêu quốc gia, chuyên đề miễn, giảm, giãn, hoàn, xóa nợ thuế và công tác chống thất thu ngân sách nhà nước (NSNN), kiểm toán tại các tập đoàn kinh tế có vai trò quan trọng trong nền kinh tế (tập đoàn Điện lực Việt Nam, tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam...)... Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN luôn chú trọng đánh giá tình hình thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chỉ rõ sai phạm, địa chỉ sai phạm, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm, kiến nghị cụ thể với các cơ quan liên quan xử lý theo quy định của pháp luật; xác nhận các chỉ tiêu chủ yếu về tổng thu, tổng chi, bội chi NSNN để cung cấp thông tin xác thực và đảm bảo chất lượng cho Chính phủ, Quốc hội trong việc xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN và quyết định dự toán NSNN; cung cấp thông tin cho HĐND các cấp phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hàng năm; KTNN cũng thực hiện kiểm toán và xác nhận báo cáo quyết toán vốn đầu tư của các dự án XDCB, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức kinh tế nhằm cung cấp thông tin khách quan, trung thực và nâng cao tính minh bạch trong quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Trong những năm gần đây, KTNN đã có những tiến bộ mới trong kiểm toán hoạt động, từng bước nâng cao cả về số lượng và chất lượng đối với loại hình kiểm toán này nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước (số lượng các cuộc kiểm toán chuyên đề tăng theo từng năm, tính đến năm 2013 KTNN đã tổ chức kiểm toán được 66 chuyên đề).
Cùng với sự đa dạng các loại hình kiểm toán, các phương thức kiểm toán cũng được bổ sung, ngoài kiểm toán quyết toán (hậu kiểm), bắt đầu từ năm 2006, thực hiện quy định của Luật KTNN, KTNN đã thực hiện thẩm định và trình bày ý kiến về dự toán NSNN hàng năm Chính phủ trình Quốc hội. Đây là hình thức tiền kiểm trong lĩnh vực NSNN. Nhiều dự án trọng điểm quốc gia cũng được kiểm toán từ khi khởi công đến khi kết thúc đầu tư như: Trung tâm Hội nghị quốc gia, Dự án Cầu Vĩnh Tuy, Dự án Đường 5 kéo dài, Dự án xây dựng nhà làm việc của các cơ quan Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, Dự án Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên .... ; Chương trình 135; Chuyên đề Bảo hiểm y tế cho người nghèo; Chuyên đề việc huy động và sử dụng vốn tại các công ty cho thuê tài chính…
Chất lượng kiểm toán không ngừng nâng cao
Trong 20 năm xây dựng và phát triển, chất lượng kiểm toán của KTNN ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn quản lý. Những kiến nghị của KTNN ngày càng đa dạng, phong phú, sắc sảo và có chất lượng, được Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương sử dụng trong việc xem xét, phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách, giám sát ngân sách và thực hiện chính sách pháp luật; trong quản lý và xây dựng chính sách tài chính - ngân sách; các đơn vị được kiểm toán căn cứ kiến nghị của KTNN khắc phục những yếu kém, bất cập, hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ. Số lượng kiểm toán viên (KTV) tham gia mỗi cuộc kiểm toán giảm đi, thời gian kiểm toán rút ngắn nhưng chất lượng báo cáo kiểm toán tăng lên thể hiện sự tiến bộ trong tổ chức thực hiện kiểm toán và chất lượng kiểm toán cũng như hiệu quả tổng thể của hoạt động KTNN.
Với việc thành lập các đơn vị chuyên trách về quản lý hoạt động kiểm toán, thẩm định báo cáo kiểm toán, kiểm soát chất lượng kiểm toán như Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (2003); Vụ Tổng hợp, Vụ Pháp chế (2006), kết hợp với cơ chế thành lập và hoạt động của các Hội đồng cấp Vụ của các KTNN chuyên ngành và khu vực trong thẩm định kế hoạch và báo cáo kiểm toán, năng lực và hiệu quả kiểm soát chất lượng kiểm toán và quản lý đạo đức nghề nghiệp KTV được tăng cường rất đáng kể. Hàng năm, KTNN đều tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN, Quy tắc ứng xử của KTV cũng như hồ sơ kiểm toán trong khi thực hiện hoặc kết thúc kiểm toán đã đưa vào lưu trữ; ban hành và kiểm tra việc thực hiện các chỉ thị của Tổng KTNN về tăng cường quản lý hoạt động kiểm toán, kiểm soát chất lượng kiểm toán, ghi chép nhật ký, thu thập bằng chứng kiểm toán. Kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán được công khai, có tác dụng tốt trong chấn chỉnh kịp thời các sai phạm, và kịp thời biểu dương khen thưởng những nhân tố tích cực là một trong các yếu tố then chốt đảm bảo chất lượng kiểm toán, rút ngắn thời gian kiểm toán và tránh được các sai phạm, khuyết điểm của KTV.
Kết quả kiểm toán của KTNN trong những năm qua đã chỉ ra nhiều sai phạm chính sách, chế độ quản lý kinh tế, tài chính, tổng hợp kết quả kiểm toán từ năm 1994 đến năm 2013, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính với tổng số tiền 147.545 tỷ đồng, trong đó các khoản tăng thu NSNN 29.148 tỷ đồng, giảm chi NSNN 22.365 tỷ đồng, ghi thu - ghi chi để quản lý qua NSNN 17.924 tỷ đồng và kiến nghị xử lý tài chính khác 78.108 tỷ đồng. Tính riêng 05 năm gần đây (2009-2013), KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 91.133 tỷ đồng, bằng 62% tổng số kiến nghị xử lý tài chính trong 20 năm, trong đó các khoản tăng thu NSNN 14.290 tỷ đồng, giảm chi NSNN 14.527 tỷ đồng, ghi thu - ghi chi để quản lý qua NSNN 5.177 tỷ đồng, kiến nghị xử lý tài chính khác 57.139 tỷ đồng.
KTNN đã kiến nghị huỷ bỏ, sửa đổi hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật sai quy định hoặc không phù hợp thực tế. Chỉ tính riêng từ năm 2006 đến nay, KTNN đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ 476 văn bản, trong đó 211 văn bản đề nghị hủy bỏ, 265 văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung (01 luật, 12 nghị định, 17 nghị quyết, 123 Quyết định, 42 Thông tư và 321 văn bản khác). Đặc biệt, KTNN đã đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nhất là Luật NSNN 1996, 2002, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng, chống tham nhũng... Đây là những đóng góp thiết thực của KTNN với chức năng tư vấn của cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước.
Kết quả kiểm toán được ghi nhận không chỉ là con số tăng thu, tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước mà thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN giúp các cơ quan nhà nước chấn chỉnh công tác quản lý tài chính ngân sách; giúp các đơn vị kiểm toán nhìn nhận và đánh giá đúng đắn thực trạng tình hình tài chính để khắc phục những yếu kém, sơ hở trong quản lý kinh tế và sản xuất kinh doanh, ngăn ngừa các tiêu cực, lãng phí, thất thoát ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, từng bước hoàn thiện công tác quản lý, bảo đảm sử dụng nguồn lực tài chính quốc gia đảm bảo hơn. Thông qua kiểm toán đã giúp các đơn vị được kiểm toán nhìn nhận và đánh giá đúng đắn tình hình thực trạng tài chính, khắc phục được những yếu kém, sơ hở trong quản lý tài chính, kinh tế và sản xuất kinh doanh, cải tiến và hoàn thiện hệ thống quản lý và kiểm soát nội bộ; kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kịp thời các chính sách, chế độ quản lý cho phù hợp. KTNN đã cung cấp được những thông tin, dữ liệu xác thực, tin cậy cùng nhiều kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ trong quản lý và điều hành ngân sách, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, giám sát tài chính nhà nước và tài sản công, góp phần quan trọng bảo đảm tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách, tính hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản của Nhà nước, xác lập trật tự, kỉ cương, tăng cường hiệu lực trong quản lư kinh tế - tài chính, minh bạch và lành mạnh nền tài chính quốc gia; ngăn ngừa gian lận và tham nhũng.
Minh bạch trong công khai và cung cấp kết quả kiểm toán
Thực hiện quy định tại Điều 58 và 59 của Luật KTNN, Nghị định số 91/2008/NĐ-CP ngày 18/8/2008 của Chính phủ về công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN, định kỳ hàng năm KTNN họp báo công bố công khai kế hoạch kiểm toán năm, kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, tạo được dư luận tốt. Ngoài hình thức họp báo công bố kết quả kiểm toán năm, KTNN còn công bố kết quả của cuộc kiểm toán thông qua đăng tải trên Trang thông tin điện tử và Báo Kiểm toán theo quy định. Việc công bố công khai kết quả kiểm toán đảm bảo đúng pháp luật, không có sai sót, có tính định hướng là một hoạt động nổi bật của KTNN từ khi Luật KTNN có hiệu lực thi hành, được dư luận đồng tình và đánh giá cao. Các báo cáo kiểm toán định kỳ, đột xuất đều được báo cáo, gửi, cung cấp đầy đủ, kịp thời cho Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đơn vị được kiểm toán v.v…theo quy định của pháp luật. Đồng thời với báo cáo kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước trực tiếp gửi công văn tới các Bộ trưởng, Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan hữu quan để thông báo và đề nghị thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Vì vậy, việc thực hiện và báo cáo, tổng hợp thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán ngày càng đi vào thực chất và nề nếp hơn. Các báo cáo kiểm toán của KTNN đều được gửi đầy đủ và kịp thời đến Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Thực hiện các văn bản liên tịch về trao đổi, quản lý, sử dụng thông tin dữ liệu về phòng, chống tham nhũng, hàng quý KTNN cung cấp kết quả kiểm toán cho Thanh tra Chính phủ. KTNN đã chuyển nhiều hồ sơ, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân cho cơ quan điều tra, kiểm tra Đảng, Thanh tra Chính phủ và thanh tra của các bộ, ngành để điều tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền; chủ động hoặc cung cấp theo yêu cầu kết quả kiểm toán cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát của Đảng và Nhà nước ở Trung ương cũng như địa phương. KTNN cũng cử nhiều lượt cán bộ cấp Vụ, cấp phòng tham gia có hiệu quả các đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của Đảng và Nhà nước theo yêu cầu./.
CÁC HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG ĐÃ ĐƯỢC GHI NHẬN CỦA KTNN TRONG 20 NĂM (11/7/1994 – 11/7/2014)
1. Kiểm toán Nhà nước:
- Năm 1999 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (Quyết định số 596/QĐ-TTg ngày 02/6/1999 của Thủ tướng Chính phủ);
- Năm 2004 được Chủ tịch nước tặng thưởng “Huân chương Lao động” hạng nhất (Quyết định số 407/2004/QĐ-CTN ngày 05/7/2004 của Chủ tịch nước);
- Năm 2008 được Chủ tịch nước tặng "Huân chương Độc lập" hạng ba (Quyết định số 751/CTN ngày 26/5/2009 của Chủ tịch nước);
- Năm 2010 được Chính phủ tặng Cờ thi đua của Chính phủ (Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 07/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ);
- Năm 2012 được Chính phủ tặng Cờ thi đua của Chính phủ (Quyết định số 1407/QĐ-TTg ngày 15/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ);
- 12 tập thể cấp Vụ thuộc KTNN được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba; 14 tập thể cấp vụ được tặng Huân chương Lao động hạng nhì; 22 tập thể cấp Vụ thuộc KTNN được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 17 tập thể cấp Vụ được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; 21 tập thể cấp phòng được được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;
- 30/5/2014, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đã ký Quyết định về việc tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Kiểm toán Nhà nước.
2. Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước
- Từ năm 2004 đến nay luôn đạt “Đảng bộ trong sạch vững mạnh”;
- Năm 2008 được tặng Bằng khen của Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương;
- Năm 2009 được tặng Cờ thi đua của Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương.
3. Công đoàn Kiểm toán Nhà nước
- Năm 2003 được Tổng Liên đoàn tặng Bằng khen;
- Năm 2000, 2008 được Công đoàn viên chức Việt Nam tặng Bằng khen;
- Năm 2002 được Công đoàn viên chức Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc;
- Năm 2004 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen;
- Năm 2009 được Chủ tịch nước tặng “Huân chương Lao động hạng ba”.
4. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Kiểm toán Nhà nước
- Năm 2009 được Chính phủ tặng thưởng “Huân chương lao động hạng ba”;
- Năm 2009 được Trung ương đoàn tặng Bằng khen. |