Sửa đổi cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững

10/04/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 8/4/2014, Văn phòng Chính phủ đã ra công văn số 143/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững ngày 26/3/2014 về định hướng sửa đổi cơ chế, chính sách giảm nghèo trong thời gian tới.

Tại Thông báo này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững đã cơ bản đồng tình với nội dung đề xuất hướng sửa đổi cơ chế, chính sách giảm nghèo trong thời gian tới của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc có nhiều chính sách giảm nghèo trong thời gian qua là một thực tế do Việt Nam luôn mong muốn có thêm nhiều chính sách để hỗ trợ người nghèo, các chính sách được bổ sung trong nhiều năm, do đó không tránh khỏi tình trạng tản mạn, có sự trùng lặp, một số không còn phù hợp với thực tiễn hoặc lạc hậu do chậm được sửa đổi. Vì vậy cần rà soát, gom lại thành hệ thống để dễ bao quát và tổ chức thực hiện, thuận lợi cho cơ quan quản lý và người dân theo dõi, vận dụng. Việc sửa đổi cơ chế, chính sách giảm nghèo cần tránh tư tưởng chủ quan, nóng vội; cần có lộ trình và tiến độ thực hiện hợp lý, không cầu toàn, thực hiện từ thấp đến cao, không làm gián đoạn các chính sách giảm nghèo hiện hành. Nếu phát hiện có sự chồng chéo về chính sách cần đề xuất bãi bỏ hoặc điều chỉnh lại cho phù hợp. Nếu chính sách thấy quá bất hợp lý phải đề xuất để sửa đổi kịp thời, không để tạo ra lãng phí ngân sách, kém hiệu quả.

Phó Thủ tướng cơ bản thống nhất với các nguyên tắc và đề xuất của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong việc rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách giảm nghèo thời gian tới, bao gồm: Chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo; Chính sách hỗ trợ giáo dục – đào tạo đối với học sinh nghèo; Chính sách hỗ trợ sản xuất đối với hộ nghèo; Chính sách hỗ trợ pháp lý cho người nghèo; Chính sách đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số; Chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động; Chính sách hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật; Chính sách hỗ trợ đất cho hộ nghèo dân tộc thiểu số; Chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo; Chính sách giảm nghèo gắn với an ninh quốc phòng; Bố trí bộ máy, cán bộ cộng tác viên giảm nghèo…

Phó Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chuẩn bị nội dung Hội nghị trực tuyến giảm nghèo toàn quốc, trình Trưởng Ban Chỉ đạo xem xét, dự kiến vào trung tuần tháng 4 năm 2014. Các Bộ, ngành xác định lộ trình và kế hoạch cụ thể để thực hiện các công việc được giao. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội làm đầu mối đôn đốc thực hiện các công việc tại Thông báo trên, tổng hợp kết quả bước đầu báo cáo tại Hội nghị trực tuyến giảm nghèo toàn quốc./.

Ngọc Bích

Xem thêm »