Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII: "Chưa hạn chế được hoàn toàn tình hình xuất khẩu lậu khoáng sản ở một số địa phương"

02/04/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng ngày 1/4/2014, trong khuôn khổ phiên họp 26 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời chất vấn trực tiếp các vấn đề cử tri quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn


Giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý thị trường đối với tình trạng xuất khẩu lậu quặng, khoáng sản thông qua đường tiểu ngạch gây cạn kiệt nguồn tài nguyên và làm thất thu ngân sách nhà nước là vấn đề được nhiều các đại biểu quan tâm. Trả lời các câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận “những năm vừa qua tình hình khai thác, xuất khẩu lậu khoáng sản diễn biến phức tạp, gây nên những hậu quả như hủy hoại môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống của bà con ở khu vực có những mỏ khoáng sản, thất thu một lượng không nhỏ cho ngân sách nhà nước và có thể dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp trong nước cần nguyên liệu thì lại thiếu”.

Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02 (tháng 2/2012) theo đó coi khoáng sản là một nguồn tiềm năng rất quý cho phát triển kinh tế, công nghiệp của đất nước cần phải sử dụng tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả, không được để xảy ra tình trạng khai thác và xuất khẩu khoáng sản thô mà buộc phải qua chế biến sâu. Thứ hai là quá trình khai thác khoáng sản phải đi đôi với các dự án chế biến sâu, nếu không có dự án chế biến thì không cho khai thác khoáng sản.Thứ ba là chấm dứt tình trạng xuất khẩu khoáng sản thô, trừ hai loại khoáng sản đặc thù đó là than và dầu khí. Thứ tư là chấm dứt khai thác đối với một số khoáng sản gây ô nhiễm môi trường, gây mất trật tự trong quản lý an toàn trật tự xã hội, trước hết là khoáng sản vàng.
 
Trên thực tế sau khi Chỉ thị 02 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành thì tình hình quản lý khoáng sản, tài nguyên nói chung trong đó có việc xuất khẩu khoáng sản, nhất là xuất lậu đã dần dần được khắc phục. Tuy nhiên, sau 4 tháng thi hành Chỉ thị 02, để giảm tồn kho, tháo gỡ một phần khó khăn cho doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của các địa phương cho phép xuất khẩu những khoáng sản tồn kho khai thác trước ngày Chỉ thị 02 có hiệu lực nhưng phải có sự kiểm soát hết sức chặt chẽ của các cơ quan chức năng và đặc biệt nếu trong nước các cơ sở sản xuất có nhu cầu thì phải ưu tiên bán cho các cơ sở trong nước trước.
 
Với chỉ đạo này, nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương cũng đã bước đầu tháo gỡ được khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng thẳng thắn thừa nhận mặc dù đã tiến hành những biện pháp hết sức quyết liệt từ trung ương đến địa phương, từ Chính phủ đến các bộ, các ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, nhưng vẫn chưa hạn chế được hoàn toàn tình hình xuất khẩu lậu khoáng sản ở một số địa phương. “Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, trước hết là Bộ Tài nguyên và Môi trường, quan trọng hơn là các địa phương thực hiện nghiêm túc hơn, quyết liệt hơn chỉ đạo của Trung ương, của Quốc hội và Chính phủ để năm 2015 về cơ bản không để xảy ra tình trạng xuất lậu khoáng sản”- Bộ trưởng nói.

Trách nhiệm của Bộ Công thương trong quản lý nhà nước về điện cũng là một nội dung được các đại biểu tập trung chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Đồng tình với các ý kiến của các đại biểu của khu vực miền Tây Nam Bộ, Bộ trưởng thừa nhận vấn đề thiếu điện là do thiếu hạ tầng điện để đưa điện đến phục vụ cho sản xuất, cho đời sống của nhân dân. Vấn đề đầu tư lại liên quan đến kinh phí. Mặc dù đã rất cố gắng, đặc biệt riêng đối với khu vực miền Tây Nam Bộ ngoài những đầu tư hàng năm theo kế hoạch của Tập đoàn điện lực Việt Nam và của Tổng công ty điện lực miền Nam thì Chính phủ có chương trình đưa điện về cho đồng bào dân tộc Khơ Me ở Trà Vinh, ở Bạc Liêu, Kiên Giang và tiếp tục sẽ thực hiện chương trình này ở các tỉnh phía Bắc, nhưng do kinh phí còn hạn chế cho nên việc đầu tư về đường dây và trạm biến thế chưa đáp ứng được các mong muốn của chính quyền địa phương, đặc biệt là của bà con nông dân.
 
Bộ trưởng cho biết  ngành điện sẽ hết sức nỗ lực cố gắng nữa trong thời gian tới để từng bước phấn đấu đưa tỷ lệ các hộ dân có điện được sử dụng, đặc biệt là đưa điện phục vụ cho sản xuất, cho nuôi trồng thủy sản ở khu vực miền Tây Nam Bộ trong thời gian tới. “Mặc dù ngân sách nhà nước khó khăn, Bộ đã tìm nhiều biện pháp, trong đó có vận động các tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Quỹ JBIC của Nhật Bản, các ngân hàng thương mại trong nước, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng công thương, Ngân hàng ngoại thương, Ngân hàng bưu điện Liên Việt cùng tham gia vào nội dung hỗ trợ và cho vay đối với ngành điện để triển khai quy hoạch xây dựng lưới điện và hệ thống cung cấp điện cho các khu vực này” Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án đưa điện về những vùng chưa có điện, vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa với tổng kinh phí từ nay cho đến năm 2020 xấp xỉ 30.000 tỷ đồng. Trong đó cơ cấu là nhà nước sẽ bỏ ra 85%, chủ đầu tư bỏ ra 15%, chủ đầu tư ở đây là ngành điện đối với các địa phương khó khăn, ít kinh phí còn chủ đầu tư là Ủy ban nhân dân các địa phương đối với những địa phương mà tình hình kinh tế khả dĩ hơn, đó là công thức 15%-85%. Tuy nhiên do tình hình khó khăn của ngân sách, đến nay năm 2014 ngân sách nhà nước chưa bố trí ngân sách cho Đề án này. Đứng trước tình hình đó, Bộ sẽ chủ động, một mặt đề nghị với Quốc hội trong các kỳ họp sắp tới xem xét và ưu tiên tạo điều kiện để phân bổ một phần kinh phí từ nguồn ngân sách cho chương trình đưa điện về nông thôn, các vùng chưa có điện. Hai là Bộ sẽ chủ động hơn trong việc tìm kiếm các nguồn tài trợ từ bên ngoài. Ba là động viên, tạo điều kiện cho ngành điện có biện pháp thu xếp một phần nguồn vốn phối hợp với các địa phương.

Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã trả lời chất vấn các cử tri về các vấn đề giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý thị trường đối với việc xử lý tình trạng thương lái nước ngoài thu mua vét nguyên liệu nông sản, thủy, hải sản gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh trong nước; Trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc thực hiện chương trình Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam./.

Xem thêm »