260 tỷ đồng là tổng vốn đầu tư ra ngoài ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Tập đoàn Hóa chất) tính đến thời điểm 31/12/2011. Tuy các khoản đầu tư này chỉ chiếm 3,25% vốn điều lệ của Công ty mẹ nhưng Tập đoàn vẫn nắm giữ tỷ lệ lớn cổ phần tại một số công ty tài chính, chứng khoán, bảo hiểm… Theo đánh giá của Đoàn kiểm toán, hoạt động đầu tư này của Tập đoàn Hóa chất không hiệu quả.
Chứng khoán là một trong ba lĩnh vực đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn Hóa chất
Tính đến 31/12/2011, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của Tập đoàn Hóa chất được KTNN xác định là 5.170 tỷ đồng, bao gồm các khoản đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng (20,13%), sản xuất phân bón (44,87%), chế biến cao su (5,94%), sản xuất điện hóa (7,7%), hóa chất cơ bản (5,94%), lĩnh vực hóa dầu (3,72%), sản xuất chất tẩy rửa (2,43%), thuốc bảo vệ thực vật (1,72%). Còn lại 260 tỷ đồng đã được Tập đoàn Hóa chất đầu tư vào 3 công ty thuộc lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, chứng khoán.
Cụ thể, Tập đoàn Hóa chất đã góp vốn vào Công ty Tài chính cổ phần Hóa chất Việt Nam (VCFC) 234 tỷ đồng (bao gồm cả phần góp vốn của Công ty TNHH MTV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc là 12 tỷ đồng), tương ứng 39% vốn điều lệ của Công ty VCFC; đầu tư góp cổ phần vào Công ty CP chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VICS) từ năm 2007 và đến thời điểm 31/12/2011, giá trị cổ phần trên báo cáo tài chính là 22 tỷ đồng; đầu tư mua cổ phần của Tổng công ty CP Bảo Minh (BMI) làm cổ đông chiến lược từ năm 2004 và đến 31/12/2011, giá trị cổ phần trên báo cáo tài chính là 16 tỷ đồng.
Nhưng trên thực tế, đối với khoản đầu tư vào VICS, giá giao dịch cổ phiếu của VICS tại thời điểm 31/12/2011 chỉ còn 1.800 đồng/cổ phiếu nên Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất, đã phải trích lập dự phòng 18,5 tỷ đồng. Với khoản đầu tư vào BMI, giá giao dịch cổ phiếu của BMI tại thời điểm 31/12/2011 chỉ còn 8.900 đồng/cổ phiếu nên Tập đoàn Hóa chất cũng phải trích lập dự phòng 5,6 tỷ đồng.
Còn tại VCFC, mặc dù theo kết quả kiểm toán đây được xem là công ty tài chính huy động được vốn nhàn rỗi trong nội bộ ngành tương đối tốt và nguồn huy động chủ yếu cũng là từ nội bộ Tập đoàn, nhưng hoạt động cho vay của VCFC lại chủ yếu đành cho các tổ chức kinh tế ngoài ngành. Với khoản đầu tư chiếm tới 39% vốn điều lệ, Tập đoàn Hóa chất chính là cổ đông lớn nhất tại VCFC. Vì thế - theo kết luận kiểm toán - mức vốn góp của Tập đoàn Hóa chất vào Công ty Tài chính cổ phần Hóa chất Việt Nam đã vượt mức quy định tại khoản 3 điều 12 Nghị định 09/2009/NĐ-CP của Chính phủ.
Tuy nhiên, do sự cần thiết của công ty tài chính đối với Tập đoàn, nên ngày 18/6/2010, Công ty mẹ đã có Tờ trình số 469/HCVN-TCKT gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị Thủ tướng xem xét và cho phép được tiếp tục đầu tư 111 tỷ đồng và nắm giữ 37% vốn điều lệ của Công ty Tài chính cổ phần Hóa chất Việt Nam. Ngày 4/8/2010, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 5352/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ: “Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có thể tiếp tục đầu tư vốn ở mức hợp lý theo phương án tăng vốn điều lệ của Công ty Tài chính cổ phần Hóa chất Việt Nam… Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định”.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Công văn số 13072/BTC-TCDN ngày 29/9/2010 gửi Tập đoàn Hóa chất về việc tiếp tục đầu tư vốn vào Công ty Tài chính cổ phần Hóa chất Việt Nam với nội dung “giao Tập đoàn tự cân đối nguồn vốn và hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định của mình”.
Kết quả, với các khoản đầu tư ngoài ngành lên tới 260 tỷ đồng nhưng năm 2011 Tập đoàn Hóa chất chỉ được chia lợi nhuận vẻn vẹn 15 tỷ đồng, trong khi đó tổng lợi nhuận được chia từ các khoản đầu tư tài chính dài hạn là 807 tỷ đồng. Như vậy, trong số này, phần lớn lợi nhuận có được là từ các khoản đầu tư tài chính dài hạn liên quan đến ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của Tập đoàn. Kết luận kiểm toán chỉ rõ, trách nhiệm của việc đầu tư tài chính ngoài ngành nghề chính không hiệu quả thuộc về Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát, Ban Tài chính kế toán của Tập đoàn Hóa chất và người đại diện phần vốn tại các công ty tài chính, bảo hiểm, chứng khoán.
Trước thực trạng đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế, DNNN không hiệu quả trong nhiều năm liên tiếp, Chính phủ đã có Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 5/2/2009 ban hành Quy chế quản lý tài chính của công ty Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào các DN khác. Chiểu theo đó, các khoản đầu tư vào lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, chứng khoán của Tập đoàn Hóa chất phải được điều chỉnh (thoái vốn) theo nguyên tắc bảo toàn chậm nhất vào tháng 3/2011 - đủ thời hạn 2 năm kể từ ngày Nghị định 09/2009/NĐ-CP có hiệu lực. Nhưng đến thời điểm kiểm toán, Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất vẫn chưa thoái vốn khỏi các khoản đầu tư này.
Cho đến ngày 5/4/2012, Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất mới có văn bản chấp thuận kế hoạch bán bớt phần vốn đã đầu tư vào Công ty Tài chính cổ phần Hóa chất Việt Nam. Tiếp đó, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn đã có văn bản số 1241/HCVN-HĐTV ngày 25/10/2012 và văn bản ngày 12/10/2012 chấp thuận kết quả định giá cổ phiếu của Công ty VICS và cổ phiếu của Công ty BMI nêu tại Báo cáo định giá do Công ty CP Chứng khoán TP.HCM lập, đồng thời thông qua phương án chuyển nhượng vốn theo đề nghị của Tổng giám đốc Tập đoàn.
Để chấn chỉnh lại hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Hóa chất, ngày 28/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất giai đoạn 2012-2015, trong đó Tập đoàn Hóa chất vẫn được duy trì là Tập đoàn kinh tế Nhà nước nhưng phải hoạt động tập trung vào 4 nhóm ngành, nghề kinh doanh chính và 2 nhóm ngành, nghề liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính. Lộ trình từ nay đến 2015, Tập đoàn Hóa chất sẽ chỉ nắm giữ 100% vốn điều lệ tại 2 DN, thực hiện cổ phần hóa 5 DN (Tập đoàn nắm giữ từ 65% đến 75% vốn điều lệ). Bên cạnh đó, Tập đoàn nắm giữ từ trên 50% đến 65% vốn điều lệ tại 13 DN, nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ đối với 10 DN và phải thoái hết vốn Nhà nước Tập đoàn nắm giữ tại 13 DN khác, trong đó có VICS, BMI…/.
Theo Báo Kiểm toán số 13/2014