Nguy cơ đánh mất thị trường kiểm toán ngay ở trong nước

31/03/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(Ông Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, trả lời phỏng vấn của Báo Kiểm toán)

Thưa ông, theo Luật Kiểm toán độc lập (KTĐL), số lượng các tổ chức, DN bắt buộc phải kiểm toán rất lớn, với lực lượng KTĐL như hiện nay liệu có thể kiểm toán được hết các đối tượng thuộc diện bắt buộc kiểm toán hay chưa?

- Hoạt động kiểm toán mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam trên 20 năm nhưng hệ thống kiểm toán của chúng ta đã khá đầy đủ, từ KTĐL đến KTNN và kiểm toán nội bộ. Riêng KTĐL hiện có hơn 300 DN kiểm toán được Nhà nước công nhận với gần 2.000 kiểm toán viên (KTV) được cấp chứng chỉ hành nghề; đã có Luật KTĐL và xây dựng, ban hành được 37 chuẩn mực kiểm toán...

Tuy nhiên, bên cạnh đó lĩnh vực KTĐL ở nước ta vẫn tồn tại những hạn chế rất đáng quan tâm. Thứ nhất, quy mô, số lượng các tổ chức hành nghề dịch vụ kiểm toán còn quá nhỏ bé, thậm chí siêu nhỏ. Lực lượng KTĐL cũng chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Tính sơ bộ Việt Nam có khoảng 600.000 DN và chỉ cần 25% trong số đó thuộc đối tượng bắt buộc kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) thì lực lượng KTĐL hiện nay đã không đáp ứng được. Vậy nên nhiều công ty thuộc diện bắt buộc kiểm toán nhưng cũng chưa được kiểm toán toàn diện, đầy đủ.

Hai là, chất lượng dịch vụ hiện cũng chưa đạt được như muốn, dẫn tới 2 hệ lụy: các nhà đầu tư chưa tuyệt đối tin tưởng vào BCTC đã được kiểm toán; bản thân các BCTC của DN không bảo đảm được tính chính xác và không ít trường hợp chỉ để đạt mục đích nào đó chứ không vì mục đích khách quan tin cậy về thông tin kinh tế tài chính  Trên thực tế đã có DN vì để được trợ giá, vì tránh nộp thuế thu nhập thì báo cáo kết quả kinh doanh thua lỗ, khi để cổ phần hóa, để bán được cổ phiếu thì báo cáo lãi và cố chứng minh DN đang hoạt động có hiệu quả.

Theo ông, nguyên nhân chủ yếu nào đã dẫn tới tình trạng trên?

- Tôi cho rằng, trước hết là việc đào tạo chuyên gia kế toán, KTV chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay cả nước có gần 300 trường đại học, cao đẳng có chuyên ngành đào tạo kế toán - kiểm toán, nhưng chương trình đào tạo không thống nhất, chưa toàn diện. Giảng dạy kế toán và kiểm toán mang nặng tính lý thuyết, truyền đạt các chế độ kế toán, kiểm toán của Nhà nước thiếu tính thực tế. Nội dung đào tạo và giảng dạy về kiểm toán còn khá sơ lược, không ít trường chỉ có một môn học, thậm chí chưa có môn học. Kiểm toán là khoa học, là chuyên môn có tính chuyên sâu nhưng chưa quan tâm nhiều trong giảng dạy, chưa quan tâm truyền đạt cho sinh viên quy trình và phương pháp kiểm toán... Thực tế cho thấy, không ít  sinh viên tốt nghiệp chưa thể đáp ứng được yêu cầu của công việc thực tế. Để trở thành kế toán viên, KTV hành nghề phải trải qua kỳ thi do Bộ Tài chính tổ chức. Cho đến nay, ở Việt Nam chưa có chương trình đào tạo mà chỉ là ôn thi và tổ chức thi để cấp chứng chỉ hành nghề cho các kế toán viên và KTV. Một năm chỉ tổ chức thi  một lần. Đề thi và yêu cầu bài thi còn nặng lý thuyết. Chính vì vậy, chưa thể đáp ứng được yêu cầu kế toán viên, KTV cả về chất lượng và số lượng

Bên cạnh đó, năng lực quản lý Nhà nước đối với thị trường KTĐL cũng có vấn đề. Cụ thể như việc kiểm soát chất lượng và kiểm soát đạo đức nghề nghiệp đã được thực hiện nhưng chưa đều đặn và thường xuyên. Vì thế, trong chừng mực nào đó đã làm ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán và hệ thống kiểm soát.

Vậy những vấn đề gì cần phải quan tâm trong giai đoạn tới để lực lượng KTĐL đáp ứng được yêu cầu đang đặt ra, thưa ông?

- Đối với công tác quản lý, theo tôi cần tiếp tục xem xét, phân định rõ vai trò của Nhà nước và vai trò của tổ chức nghề nghiệp. Nhà nước nên quản lý và kiểm soát đến đâu? Việc gì nên giao cho tổ chức nghề nghiệp... Trên cơ sở đó, tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát để nâng cao chất lượng dịch vụ, nếu không, chỉ ít năm nữa lòng tin của nhà đầu tư, DN vào kết quả kiểm toán sẽ giảm và đó là điều nguy hiểm.

Về nguồn nhân lực, theo tôi cần xem xét lại vấn đề chất lượng, chương trình, quy trình đào tạo, tổ chức bồi dưỡng huấn luyện, tổ chức thi tuyển. Một điều quan trọng nữa là cần quy định việc bồi dưỡng, đào tạo, cập nhập kiến thức thường xuyên đối với KTV là điều kiện bắt buộc mang tính pháp lý. Ngoài ra, cần xác định lại tiêu chuẩn KTV. KTV phải là người có bản lĩnh và những kinh nghiệm hành nghề cần thiết. Không ít quốc gia quy định phải trên 32 tuổi mới được làm KTV, đồng thời quy định người hành nghề kiểm toán bắt buộc phải có chuyên môn kế toán - tài chính.

Tôi cho rằng, vừa qua Bộ Tài chính ban hành Công văn số 1339/BTC-CĐKT về việc đôn đốc các DN, tổ chức thực hiện kiểm toán bắt buộc theo luật định là cần thiết. Tuy nhiên, Bộ cần có những quy định chi tiết hơn và nên thay đổi nhận thức về nghề nghiệp này để từ đó đạt được các mục tiêu đã đề ra. Theo tôi, cần phải rà soát lại các quy định pháp lý, pháp quy; các văn bản cần chi tiết để đáp ứng yêu cầu xây dựng chuẩn mực, quy trình, quy tắc nghiệp vụ; đề xuất ban hành các chính sách để phát triển các tổ chức dịch vụ kiểm toán quy mô tầm cỡ. Việt Nam phải hướng đến mục tiêu có từ 5 đến 7 hãng kiểm toán lớn mới có thể đáp ứng được yêu cầu về kiểm toán bắt buộc hiện nay. Cần tổ chức đào tạo kế toán viên, KTV hành nghề theo một chương trình chuẩn chứ không chỉ tổ chức thi như hiện nay.

Theo quy định, khi công khai BCTC phải đính kèm báo cáo kiểm toán, vì vậy cần quy định, ràng buộc một cách chặt chẽ hơn về mặt pháp lý và về vật chất. Nếu kết quả kiểm toán thiếu chính xác, gây thiệt hại về vật chất cho các bên liên quan thì bên cung cấp dịch vụ (tổ chức kiểm toán và KTV) phải bồi thường. Đây là vấn đề từng được đề nghị đưa vào Luật KTĐL (công ty kiểm toán và KTV bắt buộc phải mua bảo hiểm nghề nghiệp để khi có rủi ro thì dùng bảo hiểm này để bù đắp thiệt hại) nhưng không được thông qua. Tôi cho rằng đây là một kẽ hở và cần phải đưa vào Luật.

Đặc biệt, theo cam kết, đến 2015 Việt Nam phải mở cửa thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán với các nước trong khu vực ASEAN, khi đó các quốc gia phải thừa nhận chứng chỉ hành nghề của nhau. Nghề nghiệp kiểm toán của Việt Nam phải làm sao để được các nước thừa nhận khi đội ngũ thì mỏng, bằng cấp thì bất cập như đã nói ở trên. Theo số liệu thống kê của Liên đoàn kế toán các nước ASEAN, KTV hành nghề tại Việt Nam chỉ chiếm 1,94% (khoảng 2.000 KTV) trong tổng số KTV đang hành nghề tại khu vực Đông Nam Á. Trong khu vực, những nước nhỏ như Philippines, Singapore cũng đã có hàng chục nghìn người hành nghề kiểm toán; thậm chí Lào, Campuchia cũng đã có từ 5.000 đến 7.000 người. Đó là chưa so sánh về mặt chất lượng hành nghề, bằng cấp… Không chuẩn bị nhanh, không khẩn trương thì nguy cơ chúng ta sẽ mất thị trường ngay tại trong nước chứ chưa nói tới việc chiếm lĩnh thị trường bên ngoài.

Xin cảm ơn ông!

Từ khi Luật KTĐL có hiệu lực, lĩnh vực KTĐL có thay đổi khá mạnh. Một số công ty buộc phải giải thể. Một số công ty phải sáp nhập. Đặc biệt, năm 2014 có hàng trăm KTV không đủ điều kiện hành nghề. Đây là những thay đổi tích cực nhưng chưa thật sự mạnh mẽ.
Về thực hiện kiểm toán, các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán thực hiện khá đầy đủ quy định kiểm toán BCTC; tiếp đến là các công ty cổ phần. Còn lại, các DN chỉ thực hiện kiểm toán BCTC khi có mục đích nào đó./.

Theo Báo Kiểm toán số 13/2014

Xem thêm »