Đẩy mạnh kiểm toán hoạt động trong kiểm toán ngân sách các địa phương 2014

14/03/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 7/3, KTNN khu vực I phối hợp với các KTNN khu vực phía Bắc (KTNN khu vực VI, VII, X và XI) tổ chức Hội thảo kiểm toán hoạt động (KTHĐ), kiểm toán chuyên đề trong kiểm toán ngân sách địa phương. Tham dự Hội thảo có Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Hoàng Quân và đại diện lãnh đạo một số đơn vị tham mưu, sự nghiệp của KTNN. Tại Hội thảo, các vấn đề về KTHĐ đã trở thành thành một nội dung trọng tâm và được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận.

Hội thảo này lần đầu được tổ chức, xuất phát từ ý tưởng của các KTNN khu vực nhằm tăng cường mối quan hệ phối hợp cũng như trao đổi kinh nghiệm về tổ chức, quản lý hoạt động chuyên môn để từng bước đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng kiểm toán. Vì vậy, trọng tâm của hội thảo lần này nhằm trao đổi, thảo luận để thực hiện chỉ đạo của ngành về đổi mới hoạt động kiểm toán nói chung cũng như đẩy mạnh thực hiện KTHĐ từ năm 2014.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Mai Vinh - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I, cho biết: Chúng tôi luôn nhận thức rõ sự cần thiết của KTHĐ trong hoạt động của KTNN. Thời gian qua các vấn đề về KTHĐ đã được phổ biến qua các tài liệu, hội thảo, hội nghị và một số chương trình đào tạo của ngành, nhưng từ nhận thức đến tổ chức thực hiện vẫn còn có khoảng cách. Một số đơn vị trong ngành đã lồng ghép nội dung KTHĐ trong một số cuộc kiểm toán chuyên đề, nhưng hầu hết các cuộc kiểm toán mới chỉ thực hiện một phần, một số nội dung của quy trình KTHĐ. Các đơn vị hiện đang gặp khó khăn về phương thức tổ chức; về phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ khi thực hiện KTHĐ; chưa có sự thống nhất trong tổ chức, thực hiện KTHĐ giữa các đơn vị trong ngành.

Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo KTNN khu vực X đã có bài tham luận nêu những khái niệm cơ bản về KTHĐ; quy trình thực hiện KTHĐ; những vấn đề chủ yếu và giải pháp thực hiện KTHĐ tại các KTNN khu vực. Theo đó, khâu tổ chức và nhân sự khi triển khai KTHĐ đối với KTNN hiện nay là một trong những vấn đề khó khăn nổi cộm nhất.

Để khắc phục khó khăn trước mắt - theo đề xuất đại diện KTNN khu vực X - trong khi chưa có nhân sự chuyên nghiệp về KTHĐ thì các kiểm toán viên đã có kinh nghiệm kiểm toán ở từng lĩnh vực được tập huấn về KTHĐ sẽ thực hiện KTHĐ trong lĩnh vực đó. Khi thực hiện kiểm toán cần tổ chức Đoàn, tổ hoặc nhóm chuyên thực hiện KTHĐ. Về lâu dài, cần thành lập phòng KTHĐ tại mỗi KTNN khu vực.

Khi thực hiện KTHĐ, việc lựa chọn vấn đề cho trúng cũng là một khó khăn không nhỏ. Việc này đòi hỏi KTV phải am hiểu sâu sắc lĩnh vực sẽ kiểm toán mới có thể chọn được vấn đề cốt yếu nhất. Ví dụ, khi kiểm toán về thuế, KTNN Khu vực X chỉ chọn đánh giá tính hiệu lực của việc tổ chức thu thuế tại địa phương; trong lĩnh vực dự án đầu tư, chọn kiểm toán tiến độ xây dựng các dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn TPCP tại địa phương.

Sau khi lựa chọn được vấn đề, việc tiến hành kiểm toán có thể tiếp cận theo 2 phương pháp cơ bản: tiếp cận theo vấn đề hay tiếp cận theo kết quả. Điều quan trọng là phải thống nhất phương pháp tiếp cận trong toàn bộ quá trình kiểm toán, thiết kế sơ đồ câu hỏi hình tháp, qua đó định hình được lộ trình thực hiện kiểm toán, đảm bảo được tính thống nhất trong quá trình kiểm toán.

Đồng tình với quan điểm lựa chọn chủ đề đề là khó khăn nhất trong KTHĐ nói trên, đại diện lãnh đạo KTNN Khu vực VII cho rằng, trong KTHĐ có 2 vấn đề quan trọng luôn phải đặt ra, đó là: kết quả kiểm toán có đáp ứng được kỳ vọng của Quốc hội, Chính phủ và dư luận hay không; đồng thời, điều kiện của đơn vị, năng lực thực tế của kiểm toán viên có thực hiện được các chủ đề đã chọn hay không.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng quan tâm và tham gia thảo luận các vấn đề: trong KTHĐ các đơn vị cần phối hợp như thế nào để tránh chồng chéo; việc thành lập phòng KTHĐ tại các KTNN khu vực; việc xây dựng cơ sở và nguyên tắc KTHĐ cho từng lĩnh vực kiểm toán...

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Hoàng Quân cho rằng, các tham luận và ý kiến tại Hội thảo đã bám sát các nội dung trong Kế hoạch Chiến lược phát triển của ngành giai đoạn 2013-2017 và nhiệm vụ, mục tiêu kiểm toán năm 2014. Các vấn đề nêu ra tại Hội thảo vừa có tính khoa học vừa có tính thực tiễn cao và thiết thực đối với hoạt động của các KTNN khu vực hiện nay; các đơn vị liên quan nên nghiên cứu, nhân rộng thành các hội thảo tương tự, có thể với quy mô lớn hơn, nhằm đạt hiệu quả cao hơn.

Chia sẻ quan điểm cá nhân về KTHĐ, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, trong quá trình thực hiện kiểm toán và trong báo cáo kiểm toán những năm gần đây đã có một số nội dung, cách làm mang “dáng dấp” của KTHĐ. Ví dụ như việc phân tích, nhận định của KTNN về hiện tượng chi chuyển nguồn không đúng quy định, việc lập dự toán chưa sát thực tế... của một số Bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, báo cáo kiểm toán đối với một số chương trình mục tiêu quốc gia của KTNN cũng đã chỉ ra sự bất cập, thậm chí là tư vấn về cơ chế, chính sách đối với Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương. Trong báo cáo kiểm toán Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NĐ-CP của Chính phủ, KTNN đã kiến nghị nhiều vấn đề như: các chương trình mục tiêu quốc gia nên tập trung hơn, tránh dàn trải từ khâu lãnh đạo, chỉ đạo đến phân bổ nguồn vốn... Những nội dung kiểm toán và kết quả nói trên cần được tiếp tục phát huy.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã nghe và thảo luận về các nội dung: kinh nghiệm kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; kiểm toán công tác quản lý thuế đối với DN ngoài quốc doanh./.

Theo Báo Kiểm toán số 11/2014

Xem thêm »