Thường trực Ban soạn thảo, Tổ Biên tập báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước về Dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi)

07/03/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 06/3/2014, tại trụ sở Kiểm toán Nhà nước (KTNN) - 111 Trần Duy Hưng, Hà Nội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn đã dự họp và nghe Thường trực Ban soạn thảo, Tổ Biên tập Dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) đã họp báo cáo về kết quả thực hiện Dự án này. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng chủ trì báo cáo. Tham dự buổi họp có các thành viên Thường trực Tổ Biên tập Dự án và Tổ giúp việc thuộc Vụ Pháp chế.


Trên cơ sở tổng hợp kết quả cuộc Tọa đàm về Dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi), ông Lê Huy Trọng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổ trưởng Tổ biên tập đã trình bày báo cáo về kết quả thực hiện Dự án. Về nội dung, Dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) lần 2 được xây dựng theo cách thức: Đối với những vấn đề thống nhất cao được xây dựng theo 01 phương án, những vấn đề cần tiếp tục xin ý kiến được xây dựng theo 02 phương án. Về kết cấu của Dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) được xây dựng như sau:
 
Luật KTNN năm 2005 có 8 chương, 76 điều. Dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) dự kiến 9 chương, 78 điều. So với Luật KTNN năm 2005, Dự thảo tăng 1 chương, 1 điều; bỏ 02 điều (bỏ Điều 11, bỏ Điều 13); bổ sung 8 điều mới; giữ nguyên 9 điều; sửa đổi, bổ sung  61 điều. Để bảo đảm tính ổn định, tính hợp lý, hợp pháp, khả thi và nâng cao kỹ thuật lập pháp, Dự thảo đã thay đổi về mặt kết cấu, cụ thể như sau:
 
Chương I: gồm 10 điều (từ Điều 1 đến Điều 10), giảm 2 điều so với Luật KTNN năm 2005 (trong đó, bỏ Điều 11 về áp dụng điều ước quốc tế và chuyển Điều 6 về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước đối với tính chính xác, trung thực của báo cáo tài chính sang Chương II quy định về Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đối với hoạt động KTNN. Về nội dung, được xây dựng là những quy định chung, những quy định nền tảng, cơ sở, định hướng cho các quy định cụ thể ở các chương sau.
 
Chương II: gồm 5 điều (từ Điều 11 đến Điều 15) quy định về Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đối với hoạt động KTNN. Đây là những quy định mới được bổ sung nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đối với hoạt động KTNN góp phần sử dụng hiệu quả hơn kết quả kiểm toán.
    
Chương III: gồm 4 mục, 15 điều (từ Điều 16 đến Điều 30) quy định về Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước.
    
Chương IV: gồm 6 điều (từ Điều 31 đến Điều 36), quy định về Kiểm toán viên nhà nước và cộng tác viên kiểm toán.
    
Chương V: gồm 6 mục, 26 điều (từ Điều 37 đến Điều 62) quy định về Hoạt động kiểm toán nhà nước.
    
Chương VI: gồm 3 điều (từ Điều 63 đến 66) quy định về Quyền và nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán.
    
Chương VII: gồm 5 điều (từ Điều 67 đến Điều 71) quy định về Bảo đảm hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.
    
Chương VIII: gồm 5 điều (từ Điều 72 đến Điều 76) quy định về Giám sát hoạt độngcủa Kiểm toán Nhà nước, xử lý vi phạm và giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tổ cáo.
  
Chương IX: gồm 2 điều (Điều 77 và Điều 78) về Điều khoản thi hành.
 
Phát biểu kết luận, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước:

Về quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước: Thể chế hóa đầy đủ và toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển Kiểm toán Nhà nước; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về bảo đảm tính độc lập cao đối với hoạt động kiểm toán nhà nước; Kế thừa và phát huy những mặt tích cực của Luật hiện hành, bổ sung những nội dung chưa được điều chỉnh, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tế hoạt động của KTNN theo Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật; tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm quốc tế về tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước bảo đảm phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; bám sát các định hướng sửa đổi Luật Kiểm toán nhà nước đã đề xuất với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi đề nghị vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội,...
 
Về định hướng sửa đổi Luật Kiểm toán nhà nước, cần tập trung các vấn đề trọng tâm, như: mở rộng phạm vi đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước theo hướng bao quát hết các nguồn lực tài chính, tài sản công (kể cả doanh nghiệp nhà nước không giữ cổ phần chi phối), kiểm toán các quỹ công; bổ sung các nhiệm vụ kiểm toán như kiểm toán thuế, nợ công, nhiệm vụ phòng chống tham nhũng; quy định về quyền miễn trừ đối với Tổng Kiểm toán Nhà nước; sửa đổi nhiệm kỳ của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước; quy định lại các chức danh Kiểm toán viên nhà nước; bổ sung các quy định về thẩm quyền, các hành vi vi phạm cũng như các hình thức xử lý các hành vi vi phạm luật KTNN; sửa đổi thời hạn lưu trữ hồ sơ kiểm toán; bổ sung nhiệm vụ quyền hạn của Kiểm toán trưởng; bổ sung vào Luật các quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động kiểm toán nhà nước;…
    
Theo yêu cầu của Tổng KTNN, Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần tập trung hoàn thiện sớm việc sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm tiến độ theo Nghị quyết số 64/2013/QH13 ngày 28/12/20013 của Quốc hội, Nghị quyết 718/NQ-UBTVQH13 ngày 02/01/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội./.

Lan Hương

Xem thêm »