Dự án Giáo dục kỹ thuật và Dạy nghề: Kết quả và những tồn tại cần khắc phục

26/02/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Qua 10 năm triển khai thực hiện (1999-2009), Dự án Giáo dục kỹ thuật và Dạy nghề (Dự án) đã thực hiện được mục tiêu đề ra và bước đầu mang lại những kết quả nhất định. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán việc thực hiện Dự án từ năm 2005 đến 2008 cho thấy, từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư cũng như giai đoạn quyết toán hoàn thành đưa vào sử dụng còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập làm giảm hiệu quả đầu tư Dự án.



Tại trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt, tất cả các gói thầu đều bị chậm tiến độ từ 3 tháng đến 2 năm 

Thực hiện đúng các nội dung, mục tiêu đã đề ra
Mục đích của Dự án là cải cách hệ thống giáo dục kỹ thuật và dạy nghề nhằm đào tạo đội ngũ lao động có trình độ và kỹ năng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tăng cường bộ máy quản lý hệ thống dạy nghề, hoàn thiện tổ chức và đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ... Tổng mức đầu tư cho Dự án là gần 1,7 nghìn tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2005-2009 đã giải ngân được hơn 700 tỷ đồng. Cho đến thời điểm kiểm toán, Dự án đã thực hiện được một số nội dung cơ bản như: Phát triển nhân sự; cung cấp các dịch vụ tư vấn, điều tra nghiên cứu; xây dựng mua sắm học liệu, tài liệu giảng dạy; xây dựng các chương trình dạy nghề ngắn hạn, dài hạn; bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, quản lý, giáo viên; đầu tư xây lắp, mua sắm trang thiết bị cho các trường trọng điểm…

Xét về tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và thực hiện Dự án theo đánh giá của Đoàn kiểm toán, việc lựa chọn nhu cầu, địa điểm, quy mô đầu tư xây dựng, thiết bị của Dự án cơ bản phù hợp với quy hoạch phát triển lâu dài của trường trọng điểm và với quy hoạch, kế hoạch đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực của ngành, địa phương; phù hợp với mục tiêu, nội dung của Dự án. Các thiết bị của Dự án, ngoài việc phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập, đưa vào khai thác sử dụng còn được nhân rộng nhằm phát huy hiệu quả kinh tế trong hệ thống dạy nghề. Nội dung của Dự án đã được thực hiện đúng và bước đầu mang lại kết quả nhất định trong tăng cường cơ sở vật chất về trường lớp, thiết bị giảng dạy, hệ thống thông tin thị trường lao động, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo; tăng cường bộ máy quản lý hệ thống dạy nghề theo đúng mục tiêu của Dự án. Trong quá trình thực hiện, Ban Quản lý dự án Trung ương và các tiểu ban cũng đã tuân thủ nghiêm túc các chế độ quy định hiện hành của Nhà nước cũng như các thỏa thuận với các nhà tài trợ.

Những tồn tại cần chấn chỉnh
Bên cạnh kết quả đạt được, kết quả kiểm toán Dự án đã chỉ ra những tồn tại, bất cập trong hầu hết các khâu thực hiện. Theo đó, ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, do công tác khảo sát lập danh mục thiết bị tại một số tiểu ban không sát với nhu cầu thực tế dẫn đến thiết bị sau khi được đầu tư không được đưa vào sử dụng hoặc sử dụng rất ít (Cao đẳng Y tế Điện Biên: 6 thiết bị, giá trị 289 triệu đồng; Cao đẳng Nghề công nghiệp Hải Phòng: 2 thiết bị, giá trị 14.590 EURO …). Tại tỉnh Lâm Đồng, cho đến thời điểm kiểm toán, UBND tỉnh chưa thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư cho phù hợp, sau khi thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng thực tế có sự chênh lệch với phương án đã phê duyệt.

Trong công tác xây lắp, do việc khảo sát địa hình, lập thiết kế bản vẽ thi công và lập quy hoạch mặt bằng còn hạn chế, không sát thực tế dẫn đến công trình Nông trại thực nghiệm Măng Lin - Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt, phải dừng thi công do không giải phóng được mặt bằng, kéo dài thời gian thực hiện và phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, làm tăng 20% so với ban đầu (tương đương gần 3,5 tỷ đồng); tại trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng việc lập dự toán tính bù giá thép áp dụng không đúng hướng dẫn, số tiền 52,7 triệu đồng.

Trong công tác đấu thầu, ngoài việc không chấp hành quy định về thẩm định kế hoạch đấu thầu, kết quả đấu thầu, hồ sơ mời thầu không đảm bảo quy định,... việc một số gói thầu thực hiện chậm tiến độ theo hợp đồng đã làm giảm hiệu quả hoạt động của Dự án. Điển hình là tại trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt, tất cả các gói thầu đều bị chậm tiến độ từ 3 tháng đến 2 năm. Tình trạng này cũng xảy ra đối với công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị. Tuy nhiên, trong thương thảo hợp đồng lại không có các điều khoản phạt về chậm tiến độ thi công theo quy định; một số đơn vị thực hiện hợp đồng chậm tiến độ cũng không có giải trình rõ về nguyên nhân để có biện pháp xử lý, làm giảm tính hiệu lực của hợp đồng. 

Bên cạnh đó, công tác nghiệm thu, thanh quyết toán, bảo hành, quản lý chất lượng công trình tại một số tiểu ban còn hạn chế như: nghiệm thu chưa theo yêu cầu thiết kế; không ghi chép nhật ký thi công; không có chứng chỉ chất lượng vật liệu chủ yếu đưa vào công trình; nghiệm thu sai khối lượng, đơn giá… Trong công tác mua sắm và quản lý chất lượng thiết bị cũng tồn tại tình trạng: biên bản nghiệm thu chưa đầy đủ; nghiệm thu thiết bị hoặc bộ phận thiết bị có model, xuất xứ, đặc tính kỹ thuật không đúng theo hợp đồng; biên bản nghiệm thu, bàn giao thiết bị không đầy đủ… Đặc biệt, qua thực tế kiểm tra tại một số tiểu ban cho thấy, một số thiết bị không còn nhãn mác thể hiện model, chủng loại, xuất xứ; một số thiết bị trong quá trình sử dụng đã bị hư hỏng, không sử dụng được nhưng đơn vị chưa có biện pháp xử lý tài sản theo quy định; một số đơn vị chưa có sổ theo dõi các thiết bị của Dự án…

Sự chậm trễ trong công tác quyết toán dự án cũng được chỉ ra trong kết quả kiểm toán. Theo đó, mặc dù Dự án đã kết thúc từ năm 2009 song đến thời điểm kiểm toán (tháng 5/2012) tại Ban Quản lý dự án Trung ương cũng như tất cả các tiểu ban đều chưa lập báo cáo quyết toán dự án trình cấp thẩm quyền phê duyệt, gây khó khăn cho công tác theo dõi, hạch toán tài sản và bàn giao quản lý sử dụng; tiến độ thực hiện toàn Dự án cũng chậm so với kế hoạch.

Trên cơ sở kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị Ban quản lý Dự án Trung ương và các tiểu ban, ngoài việc điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán theo kết quả kiểm toán thì cần chấn chỉnh công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, công tác quản lý tài chính, kế toán. Cụ thể là, rà soát kiểm tra hồ sơ hợp đồng; khẩn trương rà soát lập hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành theo quy định; rà soát kiểm tra đối chiếu việc mua sắm tài sản, thiết bị và có phương án sử dụng, điều chuyển các thiết bị cho phù hợp nhằm phát huy hiệu quả của Dự án; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của một số tổ chức và cá nhân liên quan tới những tồn tại, thiếu sót đã nêu./.

Đăng Khoa

Theo Báo Kiểm toán số 8/2014

Xem thêm »