Ths. Trần Phương Thùy - Khoa Kế toán, Kiểm toán, Học viện Ngân hàng
Hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng và kinh doanh tài nguyên khoáng sản (TNKS) là một trong những lĩnh vực quan trọng, tác động trực tiếp tới sự phát triển KT-XH. TNKS là tài sản quốc gia, phục vụ cho nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp hoặc nguyên liệu quan trọng cho ngành năng lượng…Tuy nhiên, khi sử dụng, khai thác và kinh doanh TNKS phải có sự giám sát chặt chẽ, sát sao của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bảo vệ môi trường, và đảm bảo cho quá trình phát triển bền vững. Nhưng đến nay, việc kiểm toán lĩnh vực này chưa được triển khai hiệu quả. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nhìn nhận hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng và kinh doanh TNKS có liên quan tới nhiều bộ, ban ngành chứ không chỉ liên quan tới các DNNN tham gia trực tiếp vào hoạt động này như: Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Xây dựng; Bộ Công thương; Bộ Tài chính; Sở Tài nguyên - Môi Trường; Sở Công thương; Sở Xây dựng; Cục Thuế... Vì vậy, khi kiểm toán cần phải tiến hành kiểm toán đồng bộ tại các đơn vị tổ chức.
Trong những năm gần đây, kiểm toán hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng và kinh doanh TNKS mới tập trung vào việc kiểm toán công tác quản lý, sử dụng đất đai, việc chấp hành pháp luật về đất đai, việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan đến các khoản thu NSNN như thuế đất, tiền thuê đất…Hình thức kiểm toán đối với lĩnh vực TNKS cũng chỉ mới được thực hiện lồng ghép trong các cuộc kiểm toán Báo cáo tài chính (BCTC), Báo cáo quyết toán (BCQT) tại những đơn vị có phát sinh hoạt động này như: Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam, TCT Công nghiệp Xi măng Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; các địa phương, bộ ngành có hoạt động hoặc liên quan đến hoạt khai thác, quản lý, sử dụng TNKS như: Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ TN và MT, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng. Do việc kiểm toán, đánh giá có tính lồng ghép trong các cuộc kiểm toán BCTC, báo cáo quyết toán, nên kết quả kiểm toán hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng và kinh doanh TNKS còn hạn chế. Việc lựa chọn các vấn đề kiểm toán cũng như kết quả kiểm toán chưa có tính hệ thống, còn rải rác và chỉ mới tập trung ở khía cạnh tuân thủ pháp luật, thực hiện các nghĩa vụ về tài chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, chưa có những đánh giá kiến nghị mang tính tổng thể, vĩ mô, tầm cỡ hoặc chưa đi sâu vào các vấn đề chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực khai thác mỏ, chưa tập trung nhiều vào vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững... Do đó, tính hiệu lực chưa cao, tiếng nói của KTNN trong vấn đề quản lý, khai thác và kinh doanh TNKS chưa rõ nét. Vì vậy cần triển khai các cuộc kiểm toán chuyên đề về TNKS một cách độc lập.
Để triển khai kiểm toán chuyên đề đối với hoạt động khai thác, thăm dò, chế biến khoáng sản của các DNNN thì chúng ta cần nhìn nhận những sai phạm thường xảy ra của hoạt động này để có chương trình kiểm toán cho phù hợp.
Một là, lợi dụng hoạt động thăm dò khoáng sản để tiến hành khai thác khoáng sản trái phép; Khai thác khoáng sản khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật như: chưa có giấy phép khai thác, giấy phép khai thác hết hạn, giấy phép tạm cấp không đúng thẩm quyền, khai thác khoáng sản khi mỏ chưa được cấp phép thăm dò, chưa có quyết định phê duyệt trữ lượng... Trốn tránh, gian lận trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước (thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường...) của các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản; Không làm thủ tục thuê đất với diện tích sử dụng để phục vụ cho hoạt động khai thác khoáng sản.
Hai là, chế biến không đúng theo công suất được phê duyệt nhằm bán thô nguyên liệu khoáng sản đã khai thác; Hoạt động chế biến khoáng sản không đảm bảo các điều kiện đã cam kết làm ô nhiễm đến môi trường.
Ba là, xác định sai sản lượng chịu thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường; Xác định sai giá tính thuế, sai thuế suất thuế tài nguyên và tỷ lệ tính phí bảo vệ môi trường; Xác định sai diện tích, tiền thuê đất phải nộp…
Trước hàng loạt các sai phạm và các hành vi gian lận đang diễn ra đối với hoạt động khai thác, thăm dò, chế biến khoáng sản của các DNNN, để KTNN triển khai kiểm toán chuyên đề về khai thác, thăm dò, chế biến khoáng sản thành công, KTNN cần triển khai theo các hướng sau:
Trước tiên KTNN tiến hành tổ chức cuộc kiểm toán chuyên đề về công tác khai thác, sử dụng TNKS và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến khai thác TNKS tại các DNNN. Sau đó, KTNN tiến hành kiểm toán chuyên đề khai thác, sử dụng TNKS tại các DNNN theo các mục tiêu lớn: tính kinh tế, tính hiệu quả và hiệu lực của hoạt động:
Các KTV cần sử dụng tổng hợp các phương pháp kiểm toán: kiểm tra chi tiết các hồ sơ tài liệu tại các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp; kiểm tra thực tế tại hiện trường; phân tích, so sánh để có đủ căn cứ nhận xét đánh giá, kết luận. Cụ thể:
Một là, đánh giá tính kinh tế
Các KTV cần thu thập các bằng chứng để chỉ ra những điểm bất hợp lý trong quá trình triển khai thực hiện về tổ chức thăm dò, khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản và đề ra các giải pháp hoàn thiện nhằm tiết kiệm, giảm tối đa các nguồn lực đầu tư thực hiện đề án và tăng thu NSNN, tiết kiệm nguồn tài nguyên; tiết kiệm chi phí đầu tư, chi phí vận hành; tiết kiệm chi phí khắc phục hậu quả sau khai thác; sự tác động đến môi trường đối với hoạt động khoáng sản; xem xét công nghệ khai thác có đảm bảo tận thu các nguồn tài nguyên, có ảnh hưởng đến các nguồn tài nguyên khác không?...
Hai là, đánh giá tính hiệu quả của hoạt động
Trong kiểm toán hoạt động thì hiệu quả hoạt động được đánh giá giữa kết quả đạt được và nguồn lực sử dụng để có được kết quả đó.Kết quả đạt được này sẽ được lượng hóa qua các tiêu chí đánh giá như sức sản xuất, sức sinh lợi (tạo ra lợi ích) của các nguồn lực trong điều kiện, tiêu chuẩn và các thông tin từ chủ thể quản lý cung cấp.Ngoài ra kết quả đạt được này còn thể hiện ở các thông tin phi tài chính.Hiệu quả hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng và kinh doanh TNKS có những đăc thù riêng mà KTV cần quan tâm.
Đối với các DNNN khai thác TNKS thì chí phí đầu vào là chi phí đầu tư ban đầu: máy móc, thiết bị, công nghệ…; chi phí nhân công, quản lý, các chi phí để vận hành và khai thác TNKS. Kết quả đầu ra ở đây là sản lượng TNKS khai thác được, lợi nhuận thu được từ khai thác TNKS, sức sinh lợi của TSCĐ, của chi phí lao động…Tuy nhiên, khi đánh giá hiệu quả của hoạt động này thì không thể không quan tâm tới các thông tin phi tài chính: an toàn lao động, khai thác TNKS tối ưu để phát triển bền vững, và đặc biệt là hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội mà hoạt động này mang lại. Hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội được nhắc tới ở đây là: thu thập về nguồn thu cho NSNN, tăng thu nhập cho người dân; vấn đề bảo vệ môi trường (nguồn nước, đất và không khí, môi trường sống…). Để thực hiện được mục tiêu này, các KTV cần nghiên cứu số liệu, bằng chứng thu thập được, thực hiện phân loại, tính toán các chỉ tiêu, đưa ra các lập luận, phân tích, đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và hiệu quả về kinh tế, xã hội. Đặc biệt các KTV cần khảo sát, chứng kiến trực tiếp tại các khu khai thác để thấy được các tác động môi trường và điều kiện kinh tế, cũng như an toàn lao động để có đánh giá tin cậy.
Ba là, đánh giá tính hiệu lực
Đánh giá tính hiệu lực là việc xem xét mức độ thực hiện trên thực tế so với hệ thống những quy định, hệ thống luật hiện hành về lĩnh vực kinh doanh hay những nội quy của đơn vị. Vì vậy, KTV cần: Phân tích, đánh giá các thông tin thu thập được làm căn cứ để đưa ra những nhận định về những tác động của các cơ chế chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả quản lý hoạt động khoáng sản; Đánh giá việc chấp hành các quy định của các Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn hiện hành, Luật Môi trường...
Khi tiến hành đánh giá về tính hiệu lực trong quản lý, khai thác khoáng sản các KTV có thể chú ý tới các vấn đề:
- Bảo đảm tiến độ xây dựng cơ bản mỏ và hoạt động khai thác xác định trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ?
- Mỏ khai thác có được thiết kế kỹ thuật thi công không, thiết kế có được cấp có thẩm quyền phê duyệt không?
- Xây dựng mỏ có đúng với bản vẽ thi công được phê duyêt? Dây chuyền khai thác, chế biến có phù hợp với thiết kế kỹ thuật?
- Điều hành khai thác và chế biến (Giám đốc điều hành có bảo đảm năng lực, trình độ chuyên môn không?Kỹ thuật viên có chứng chỉ nghề không?)
- An toàn lao động?
- Khai thác có đúng phạm vi, ranh giới theo giấy phép được cấp không?
- Hợp đồng thuê đất?
- Ký quỹ phục hồi môi trường?
- Các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường?
- Quan trắc định kỳ môi trường?
- Quy trình vận chuyển, chế biến tiêu thụ sản phẩm có gây tác động xấu đến môi trường?
- Thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước (Phí môi trường, thuế tài nguyên, thuế GTGT, thuế TNDN.v.v) thực hiện đúng theo quy định của pháp luật?
- Đã nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với phần trữ lượng khoáng sản chưa khai thác? Đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với NSNN trong lĩnh vực chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản (nếu có)?
- Doanh nghiệp có mua bảo hiểm phương tiện, công trình phục vụ hoạt động khoáng sản và các bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật?
Để có được những thông tin trên KTV cần đánh giá các chỉ tiêu trong việc cấp phép, khai thác với quy định của Nhà nước; cùng với việc KTV tiến hành thử nghiệm, phỏng vấn để củng cố thêm bằng chứng kiểm toán; đặc biệt KTV cần kiểm tra hiện trường khai thác, chế biến tài nguyên, khoáng sản... để thu thập bằng chứng vật chất có độ tin cậy cao.
Bên cạnh đó, KTNN cũng cần xây dựng chương trình đào tạo để tổ chức tập huấn cho kiểm toán viên về kiểm toán chuyên đề việc quản lý, khai thác và kinh doanh TNKS; Tổ chức thu thập thông tin, lập kế hoạch kiểm toán thật chi tiết, đầy đủ nhất là về nội dung kiểm toán, trọng tâm kiểm toán và rủi ro kiểm toán để từ đó tổ chức tập huấn cho các kiểm toán viên tham gia kiểm toán; Khi xây dựng kế hoạch kiểm toán, phải bố trí thời gian kiểm toán, số lượng kiểm toán viên cho nội dung kiểm toán việc quản lý, khai thác và kinh doanh TNKS tại các địa phương trong các cuộc kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước phù hợp với nội dung kiểm toán. Trong những trường hợp đặc biệt thì KTNN có thể mời các chuyên gia về lĩnh vực khai thác, kinh doanh TNKS để hỗ trợ kiểm toán trong quá trình kiểm toán.
Với việc tổ chức kiểm toán toàn diện theo quy trình quản lý, khai thác, kinh doanh TNKS tại các doanh nghiệp, KTNN kiến nghị đơn vị chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, tồn tại; khuyến nghị doanh nghiệp đề ra biện pháp tăng cường quản trị hiệu quả trong cả ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là hiệu quả kinh tế xã hội. Qua kiểm toán chuyên đề, chuyên sâu về hoạt động này, KTNN sẽ rà soát để đưa ra kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý vướng mắc, bất cập của văn bản quản lý; sửa đổi, điều chỉnh, hoàn thiện phương thức quản lý hoặc cách thức phối hợp quản lý giữa các cơ quan nhà nước.
Theo Báo Kiểm toán số cuối tháng 11/2013