Để nâng cao hiệu lực kiểm toán

17/10/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Kiểm toán Nhà nước đang thực thi nhiều biện pháp để nâng cao hiệu lực các kết luận và kiến nghị kiểm toán. Bên cạnh đó, thúc đẩy mô hình kiểm toán hoạt động được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của công tác kiểm toán.
 

P/v ông Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước

Ông có thể cho biết qua công tác kiểm toán, từ đầu năm đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện những sai sót gì trong việc sử dụng ngân sách nhà nước?
 
Dù chưa kết thúc toàn diện các nội dung kiểm toán ở các bộ ngành và địa phương, nhưng thông qua kết quả kiểm toán một số đơn vị cũng phát hiện ra một số sai sót, đáng chú ý là việc sử dụng vốn trái phiếu chính phủ chưa đúng mục đích. Vấn đề này đã được kiến nghị trong báo cáo kiểm toán. Theo đó, tùy từng trường hợp sử dụng chưa đúng mục đích, với từng bộ ngành và địa phương sẽ có những đề xuất và kiến nghị nhằm tìm ra cách giải quyết phù hợp và tốt nhất. Các nội dung này sẽ thể hiện rõ trong báo cáo kiểm toán. Khi có báo cáo tổng hợp về cuộc báo cáo cuối cùng, chúng tôi sẽ công bố một cách đầy đủ và chi tiết hơn.
 
Thông tin từ Kiểm toán Nhà nước cho biết, tổng số cuộc kiểm toán trong năm 2014 tăng 12 cuộc so với năm 2013, lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng được kiểm toán tăng 14 đầu mối so với năm trước. Mức tăng này có ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán không, thưa ông?
 
Quy mô kiểm toán năm nay cố gắng tăng một chút so với năm trước. Số cuộc kiểm toán nhiều nhưng quy mô từng cuộc theo định hướng giảm một số nội dung lồng ghép. Thay vào đó, KTNN sẽ tập trung nội dung chuyên sâu, trọng tâm, trọng điểm. Số cuộc kiểm toán có thể tăng nhưng khối lượng công việc có thể không tăng đáng kể. Đồng thời, chúng tôi chú trọng việc tăng cường năng lực, trình độ kiểm toán viên. Trước đó, nhiều kiểm toán viên được tổ chức đào tạo nâng cao trình độ, nâng ngạch, đảm bảo kiểm toán viên đủ tiêu chuẩn và điều kiện năng lực để đảm đương công việc. Mặt khác, chúng tôi cũng cải tiến khâu tổ chức các cuộc kiểm toán, tăng cường quản lý các tổ đoàn kiểm toán, tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát chất lượng kiểm toán. Với các giải pháp tăng cường như vậy, chúng tôi cố gắng hoàn thành kế hoạch kiểm toán.

Số lượng doanh nghiệp nhà nước khá lớn nhưng số cuộc kiểm toán đối tượng này không nhiều, mất mấy năm để Kiểm toán Nhà nước quay lại kiểm toán một doanh nghiệp, thưa ông?
Trong số rất nhiều doanh nghiệp nhà nước, những tập đoàn và tổng công ty lớn sẽ được tăng cường kiểm toán, qua đó, chu kỳ kiểm toán được rút ngắn lại. Thậm chí, có tập đoàn, tổng công ty chúng tôi vừa kiểm toán năm ngoái, năm nay lại được kiểm toán.

Như vậy, những doanh nghiệp có liên quan đến các vấn đề lớn sẽ có tần suất kiểm toán cao hơn?

Các nội dung trọng tâm kiểm toán được phân tích và đánh giá kỹ lưỡng. Nội dung trọng tâm kiểm toán sẽ là nội dung có rủi ro vi phạm lớn và là điểm quan tâm của công chúng. Với từng doanh nghiệp cụ thể, đoàn kiểm toán sẽ tiếp tục phân tích từng doanh nghiệp về tính trọng yếu và các rủi ro.

Mỗi năm Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đều đưa ra các kết luận và kiến nghị đối với các đơn vị được kiểm toán. Tuy nhiên, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị này có tích cực không, thưa ông?

Theo quy định, các đơn vị được kiểm toán phải chấp hành đúng Luật Kiểm toán Nhà nước. Đó chính là chấp hành trong giai đoạn thực hiện kết luận Kiểm toán Nhà nước. Về phần mình, Kiểm toán Nhà nước cũng cần nâng cao chất lượng các kết luận và kiến nghị kiểm toán, đảm bảo sát thực tế, đảm bảo các kết luận và kiến nghị có cơ sở về pháp luật và cơ sở thực tiễn, tính khả thi cao. Đồng thời, chúng tôi cũng kết hợp với các đơn vị được kiểm toán, các địa phương và các bộ ngành trong việc kiểm tra kết quả thực hiện kiến nghị, đôn đốc các đơn vị được kiểm toán, trách nhiệm của các đơn vị được kiểm toán phải thực hiện các kết luận kiến nghị đó. Đó cũng là một trong những giải pháp sẽ tập trung trong thời gian tới để nâng cao hiệu lực của Kiểm toán Nhà nước trong việc thực hiện kết luận kiến nghị.

Được biết, Kiểm toán Nhà nước đang đẩy mạnh kiểm toán hoạt động để nâng cao hiệu quả kiểm toán, mô hình kiểm toán này có lợi thế gì, thưa ông?

Bên cạnh hai loại hình kiểm toán truyền thống là kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ, từ năm 2006 đến nay, KTNN đã có định hướng và tập trung và dần từng bước phát triển mở rộng hơn nội dung kiểm toán hoạt động. Từ tháng 10 năm nay, Kiểm toán Nhà nước bắt đầu xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán tuân thủ theo chuẩn mực quốc tế. Trong đó, có định hướng là ban hành riêng hệ thống chuẩn mực cho 3 loại hình kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động.

Với kiểm toán báo cáo tài chính, sau khi đơn vị được kiểm toán thực hiện quyết toán xong, báo cáo kế toán đã được ký, cơ quan kiểm toán mới tham gia. Trong khi đó, kiểm toán hoạt động sẽ tiến hành và có ý kiến ngay trong quá trình thực hiện. Khi năng lực được nâng cao, cơ quan kiểm toán có thể tập trung kiểm toán từ trước khi thực hiện, ví dụ kiểm toán từ khâu lập các dự án tiền khả thi và trước giai đoạn quyết định đầu tư.

Lê Hường - Thời báo Kinh tế Việt Nam


Xem thêm »