Về với Ngã ba Đồng Lộc – cảm xúc đọng lại trong tôi

02/07/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Từ ngày 28/6/2013 đến 30/6/2013, Công đoàn Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức tập huấn công tác công đoàn toàn ngành. Trong chương trình tập huấn, ngày 29/6/2013, đoàn cũng đã tổ chức chuyến đi thực tế về thăm Ngã ba Đồng Lộc - di tích lịch sử gắn liền với sự hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phong trong cuộc chiến tranh chống Mỹ giải phóng miền Nam Việt Nam. Đây là đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng quan trọng nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng cho cán bộ công đoàn KTNN.

Trong cái nắng chói chang của miền Trung, từ trên xe bước xuống, trước mắt chúng tôi là ngút ngàn cây xanh và mùi thơm hương lúa, Ngã ba Đồng Lộc bây giờ, bình yên với màu xanh của cuộc sống mới. Không ai có thể ngờ nơi đây năm xưa lại có thể là “tọa độ chết” trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, giờ đây là địa danh huyền thoại, nơi ghi dấu tội ác chiến tranh và là bản hùng ca bất diệt của lòng yêu nước và tinh thần bất khuất.

Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên con đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy núi Trường Sơn, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh.

Đây là một trong những điểm giao thông quan trong trong chiến tranh, cho nên quân đội Mỹ đã tập trung nhiều máy bay thả bom nhằm cắt đứt đường tiếp tế của đồng bào và nhân dân miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Tại mảnh đất này, bom chồng lên bom, hố bom chồng lên hố bom, mỗi mét vuông ở đây phải gánh chịu 3 quả bom tấn; không một bóng cây, ngọn cỏ nào có thể mọc nổi.

Tiểu đội 4 gồm 10 cô gái trẻ, tuổi từ 17 đến 22 canh giữ giao điểm này; công việc chính là đào đất, bê đá, san lấp hố bom, làm đường tránh, nhiều lúc các chị còn tình nguyện mặc áo trắng, cầm tay nhau làm cọc tiêu để cho các đoàn xe đi vào mặt trận được an toàn. Công việc chủ yếu diễn ra vào ban đêm.

Thế nhưng, những chiến sỹ thanh niên xung phong ở đây rất lạc quan, tin tưởng, họ tin tưởng rằng một ngày kia đất nước sẽ độc lập, sẽ hoàn toàn được giải phóng.  “… Ở đây vui lắm mẹ ạ! Ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường. Ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện, bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển trái tim của chúng con...” A trưởng Võ Thị Tần viết thư gửi mẹ ngày 19/7/1968.

Trưa ngày 24 tháng 7 năm 1968, như mọi ngày 10 cô gái ra làm nhiệm vụ. 16h30', trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi 10 cô đang tránh bom. Tất cả đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, tất cả chưa ai lập gia đình.


 (Ảnh: Đoàn nghe hướng dẫn viên kể chuyện về 10 cô gái thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc)

Lời kể của anh hướng dẫn viên đưa chúng tôi trở về hoài niệm 40 năm chiến tranh về trước, chiến trường như hiện ra với những kỷ vật đơn sơ phục vụ chiến đấu: lá thư tay, chiếc lược; lọn tóc A trưởng Võ Thị Tần kết hình số 8 rất đẹp trao người yêu với lời nhắn nhủ “sau ngày chiến thắng chúng mình sẽ nên duyên vợ chồng”...

Từng người trong chúng tôi mắt nhòe đi, với nén tâm nhang và bông hoa cúc trắng trên tay, chúng tôi thành kính dâng lên các chị để tưởng nhớ 10 bông hoa tuổi mới mười tám, đôi mươi, lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời… Giữa đại ngàn đầy nắng, hương bồ kết thoảng đưa như mùi hương tóc các chị vẫn còn vấn vương đâu đây trong gió.

Tạm biệt Đồng Lộc, tạm biệt các chị, tạm biệt cây bồ kết, tạm biệt hố bom chơi vơi trên đồi thông lộng gió, ai trong đoàn chúng tôi cũng có cảm giác lâng lâng khó tả, sống mũi cay cay. Chúng tôi, những công đoàn viên, kiểm toán viên của KTNN thầm hứa với lòng mình, với các anh, các chị đã hy sinh anh dũng, đã ngã xuống cho màu xanh bình yên của Tổ quốc hôm nay, sẽ tiếp tục sự nghiệp dựng xây đất nước để thể hiện sự tri ân cho những hy sinh to lớn của các anh chị năm xưa./.

Thu Hương – KTNN chuyên ngành VII

 


 

Xem thêm »