Phiên họp thứ 14 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng: Đánh giá lại 5 năm hoạt động

17/08/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 16/8/2018, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức Phiên họp thứ 14 để kiểm điểm, đánh giá sau 5 năm hoạt động và đề ra nhiệm vụ trọng tâm công tác thời gian tới; đánh giá kết quả công tác 7 tháng đầu năm và đề ra nhiệm vụ những tháng cuối năm 2018. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì Phiên họp. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc dự Hội nghị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm
         
Trình bày báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương nêu rõ: Sau 5 năm thành lập, Ban Chỉ đạo đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; đưa một số vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp vào theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ để tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm minh với nguyên tắc: "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai". Trong tổng số 68 vụ án, 57 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm 40 vụ án/500 bị cáo, với các mức án nghiêm khắc, đúng quy định của pháp luật, rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, kể cả những vụ án tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước đã được chỉ đạo xử lý dứt điểm.
         
Ban Chỉ đạo đã tổ chức 40 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại 15 cấp ủy, tổ chức đảng ở Trung ương và 63 ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, qua kiểm tra, giám sát, đôn đốc đã kiến nghị 404 nhóm vấn đề về hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, chỉ đạo xử lý 452 vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế; chỉ đạo kiểm tra chuyên đề về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực thuế và hải quan; rà soát hoạt động tín dụng tại các ngân hàng thương mại nhà nước; chỉ đạo rà soát các kết luận thanh tra, kiểm toán.
         
Từ năm 2013 đến nay, cấp ủy và Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật hơn 4.300 cán bộ, đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái; qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý hơn 400 ngàn tỷ đồng và 18.525 ha đất, chuyển 515 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, làm rõ, kết luận, quyết định thi hành kỷ luật và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật nghiêm minh nhiều tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm, cả đương chức và đã nghỉ hưu (từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật 56 cán bộ diện Trung ương quản lý).
         
Những kết quả trên khẳng định, chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban và tái lập Ban Nội chính Trung ương làm nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo là đúng đắn, cần thiết, kịp thời, tạo được sự đồng thuận và niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; phát huy hiệu quả tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng.
         
Phát biểu tại Phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Sau 5 năm thành lập, Ban Chỉ đạo đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, có nhiều đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động; làm việc rất nghiêm túc, trách nhiệm, bài bản, nền nếp, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả ngày càng nâng cao. Ban Chỉ đạo đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm, chọn những khâu yếu, việc khó, có nhiều khó khăn, vướng mắc để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời chú trọng các giải pháp mang tính lâu dài, căn cơ, đồng bộ, tạo bước tiến vượt bậc, toàn diện trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN); tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm; góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, Nhà nước.
         
6 nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm

         
Một trong những nội dung khác được bàn thảo tại Phiên họp là đánh giá kết quả công tác 7 tháng đầu năm và đề ra nhiệm vụ những tháng cuối năm 2018. Về nội dung này, Ban Chỉ đạo thống nhất đánh giá, 7 tháng đầu năm 2018, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành 12 văn bản về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng chống tham nhũng; Quốc hội ban hành 07 Luật, 08 Nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 102 nghị định, 30 quyết định về quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng; nhất là Quy định số 01-QĐi/TW của Bộ Chính trị về trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra trong công tác phòng chống tham nhũng; Luật Tố cáo (sửa đổi). Xây dựng, hoàn thành các Đề án quan trọng theo Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo.
 

Toàn cảnh Hội nghị

Ban Chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật 235 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái; 30 đảng viên vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có 01 tổ chức Đảng và 14 đảng viên diện Trung ương quản lý; khẩn trương kết luận thanh tra và kiến nghị xử lý nghiêm sai phạm đối với 05 dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
         
Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các cơ quan tố tụng Trung ương và địa phương đẩy nhanh tiến độ, kết luận điều tra 11 vụ/170 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 11 vụ/112 bị can; đưa ra xét xử sơ thẩm 16 vụ/163 bị cáo; xét xử phúc thẩm 09 vụ/76 bị cáo. Đặc biệt, đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đưa ra xét xử nghiêm minh, kịp thời 05 vụ án tham nhũng, kinh tế rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Kết quả kê biên, thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế đạt tỷ lệ cao....
         
Những tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản, quy định mới của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng; chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
         
Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, nhất là sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng, Luật Công an nhân dân; ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; rà soát, đánh giá việc thi hành Luật Giám định tư pháp để có cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành kết luận thanh tra việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, Dự án mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc và các vụ việc theo yêu cầu của Thường trực Ban Chỉ đạo; hoàn thành việc rà soát các kết luận thanh tra, kiểm toán một số dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; kiểm tra công tác luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước; thanh tra chuyên đề quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế. Ủy ban kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra một số cấp ủy cấp huyện và cơ sở có dấu hiệu vi phạm để chấn chỉnh công tác kiểm tra, kỷ luật đảng ở cơ sở. Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo để kết thúc điều tra 10 vụ án; ban hành cáo trạng truy tố 07 vụ án; xét xử sơ thẩm 10 vụ án; xét xử phúc thẩm 08 vụ án; xử lý 32 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo...; triển khai có hiệu quả Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2018; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng./.

D. Thúy
 

Xem thêm »