Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

24/10/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 23.10, Ban Kiểm phiếu đã công bố kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch Nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức

Trước Quốc hội, Trưởng ban Kiểm phiếu Bùi Văn Cường công bố kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch Nước.

Ban Kiểm phiếu gồm 15 thành viên đã tiến hành kiểm phiếu, lập biên bản ghi nhận tổng số đại biểu Quốc hội là 485 đại biểu, số có mặt 477 đại biểu, số phiếu phát ra 477, số phiếu thu về 477 đều hợp lệ.

Số phiếu đồng ý là 476 phiếu, bằng 99,79% tổng số đại biểu có mặt. Số phiếu không đồng ý là 1 phiếu bằng 0,29% tổng số đại biểu có mặt.

Căn cứ Hiến pháp, ông Nguyễn Phú Trọng đã chính thức trở thành Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam.

Sau khi trúng cử, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ trước Quốc hội. Ông nói: "Dưới cờ đỏ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước, tôi - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, xin tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nguyện nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".

Nhấn mạnh, đây là một vinh dự vô cùng to lớn, đồng thời cũng là một trách nhiệm hết sức nặng nề, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định sẽ nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ như vừa tuyên thệ trước Quốc hội, trước đồng bào và cử tri cả nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chia sẻ tâm trạng vừa mừng, vừa lo; mừng là vì được Quốc hội, nhân dân tin cậy, yêu mến giao nhiệm vụ; lo là làm thế nào để hoàn thành tốt nhất trách nhiệm của mình trước đất nước, trước nhân dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, thậm chí phần lo lắng nhiều hơn, bởi 3 lý do: Tình hình đất nước bên cạnh mặt thuận lợi là cơ bản, thành tích lớn lao, cũng đang có không ít khó khăn, thách thức, đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết, nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế, uy tín như ngày nay; nhưng cũng đang đứng trước những khó khăn rất lớn, tình hình thế giới diễn biến không thể lường hết được. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, vui mừng với những thành tựu, kết quả to lớn nhưng tuyệt nhiên không được chủ quan, tự mãn, không được quá say sưa với thắng lợi, ngủ quên trên vòng nguyệt quế.

Việc đảm nhiệm đồng thời chức vụ Chủ tịch nước và Tổng Bí thư của Đảng, công việc rất nhiều, lại đang chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Trình độ, năng lực, sự hiểu biết có hạn, tuổi tác lại đã lớn, mà tuổi tác càng cao thì sức khỏe càng thấp. Vì vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng rất mong được các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và đồng bào chia sẻ, hết lòng giúp đỡ, tạo điều kiện; các cơ quan liên quan như Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, các cơ quan tư pháp, các cơ quan, ban, ngành và các địa phương phối hợp chặt chẽ, đặc biệt là đoàn kết thống nhất cao để có thể hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định sẽ cố gắng hết sức mình, nỗ lực phấn đấu để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ mà Hiến pháp, pháp luật đã quy định và Đảng, Nhà nước, Nhân dân đã giao phó.
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa chúc mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Thay mặt Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã tặng bó hoa tươi thắm chúc mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Trước đó, chiều 22/10, ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt UB Thường vụ Quốc hội trình bày tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Theo đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người duy nhất được Ban chấp hành TƯ Đảng giới thiệu cho vị trí lãnh đạo chủ chốt này. Tờ trình căn cứ điều 74 Hiến pháp, điều 8 Luật Tổ chức Quốc hội, Điều 31 Nội quy kỳ họp Quốc hội và Điểm 4 Nghị quyết 34 năm 2018 của Hội nghị Trung ương 8.

Sáng 23/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, tiến hành bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước. 

Đầu giờ sáng, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước. Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về kết quả thảo luận tại các Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước.

Ngay sau đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước bằng hệ thống biểu quyết điện tử. 

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày Tờ trình của Chủ tịch Quốc hội về dự kiến nhân sự thành viên Ban kiểm phiếu. Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách thành viên Ban kiểm phiếu. Trưởng Ban kiểm phiếu phổ biến thể lệ bỏ phiếu. Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. 
 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14/4/1944 tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VII, VIII, IX, X. Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VIII, IX, X, XI, XII. Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV.
Ông Nguyễn Phú Trọng từng kinh qua các chức vụ: Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, kiêm Trưởng Ban cán sự Đại học và trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội,; Bí thư Thành ủy Hà Nội các khóa XII, XIII, XIV; Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Tại Hội nghị lần thứ 1 khóa XI (1/2011), ông Nguyễn Phú Trọng được Ban Chấp hành Trung ương tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng./.

Thanh Hà

Xem thêm »