(sav.gov.vn) - Thực hiện Kế hoạch hợp tác giữa Bộ Tư pháp và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam, sáng 24/12/2018, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo Công bố Tờ rơi, tờ gấp tìm hiểu về Luật Tiếp cận thông tin.
Quang cảnh Hội thảo
Dự Hội thảo có bà Nguyễn Thị Hạnh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp); bà Catherine Phương – Trợ lý Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam; đại diện một số cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin ở Trung ương: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Kiểm toán nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, TW Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; đại diện thành phố Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hạnh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, tại Hội thảo “Góp ý tờ rơi, tờ gấp tìm hiểu về Luật Tiếp cận thông tin” được tổ chức vào ngày 19/11/2018, Bộ Tư pháp đã nhận được nhiều ý kiến góp ý về nội dung, hình thức của tờ rơi, tờ gấp. Đa số ý kiến cho rằng, chỉ cần xây dựng 2 loại là tờ rơi dành cho các đối tượng và tờ rơi dành cho trẻ em (thay vì 6 loại cho 6 đối tượng như trước đây). Sau khi thống nhất ý kiến giữa Bộ Tư pháp và đại diện UNDP, các chuyên gia đã chỉnh lý, hoàn thiện các tờ rơi, tờ gấp theo hướng giảm số loại, căn chỉnh về nội dung và hình thức cho phù hợp với đối tượng tiếp cận. Mục tiêu chung là nâng cao nhận thức về quyền tiếp cận thông tin của người dân, đưa nội dung của Luật Tiếp cận thông tin đến gần hơn với các cá nhân, tổ chức trong xã hội. “Chúng tôi cũng dự kiến dịch tờ rơi, tờ gấp này ra tiếng Anh và chữ nổi để phục vụ cho đối tượng là người nước ngoài và đối tượng là người khiếm thị”, bà Nguyễn Thị Hạnh cho biết.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hạnh, về cơ bản, nội dung của các tờ rơi, tờ gấp này đã hoàn thiện và có thể được sử dụng để tuyên truyền, phổ biến đến các đối tượng. Tuy nhiên, để có được một sản phẩm chất lượng, xứng đáng với sự đầu tư công sức của các chuyên gia, sự kỳ vọng, trông đợi của các đối tượng sử dụng, bà Nguyễn Thị Hạnh bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp để hoàn thiện tờ rơi, tờ gấp này trước khi in ấn, phát hành.
Tại Hội thảo, bà Catherine Phương – Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam cho biết, Luật Tiếp cận thông tin được Quốc hội thông qua ngày 06/4/2016 và có hiệu lực từ 01/7/2018, quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân là một điều tối quan trọng. Trên cơ sở được tiếp cận thông tin, người dân sẽ hiểu rõ hơn về hoạt động của các cơ quan Nhà nước, qua đó, đảm bảo được tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Cũng theo bà Catherine Phương, hiện nay trên thế giới có hơn 100 quốc gia đã ban hành luật liên quan đến quyền tiếp cận thông tin. Đánh giá cao nội dung của Luật tiếp cận thông tin tại Việt Nam, bà cũng nêu rõ thách thức không nhỏ là làm thế nào để triển khai những văn bản luật một cách hiệu quả trong thực tiễn? Bà Catherine Phương khẳng định, tờ rơi mà Bộ Tư pháp xây dựng sẽ là một trong những nguồn để hỗ trợ người dân tìm hiểu thêm về các nội dung của Luật Tiếp cận thông tin./.
M.Thúy