Dự hội nghị, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Phó Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN; Phạm Minh Chính, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; Võ Văn Thưởng, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN; Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; các đồng chí Bí thư T.Ư Đảng: Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Thượng tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN; Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước, thành viên Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN Hồ Đức Phớc; các thành viên Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư; đại diện lãnh đạo các ban, ngành, cơ quan T.Ư, các tỉnh ủy, thành ủy,…
Trong năm 2018, ngành Nội chính đảng đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. nổi bật là công tác tham mưu các chủ trương, định hướng lớn về nội chính, PCTN và cải cách tư pháp (CCTP) được chú trọng. Ba năm qua, Ban Nội chính T.Ư đã xây dựng, hoàn thành 5 Đề án lớn, riêng năm 2018, hoàn thành 3 Đề án, trên cơ sở đó, đã tham mưu với Đảng ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, kết luận quan trọng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020... Bên cạnh đó, các Ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy cũng đã tham mưu, đề xuất cấp uỷ ban hành hơn 6.300 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về nội chính, PCTN và CCTP.
Ban Nội chính T.Ư thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN; tham mưu có hiệu quả cho Ban Chỉ đạo và các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý dứt điểm nhiều vụ án, vụ việc; phối hợp chặt chẽ các cơ quan tố tụng Trung ương tham mưu có hiệu quả với Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo chỉ đạo tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp theo hướng vừa tham mưu về chủ trương, đường lối xử lý; vừa tham mưu chỉ đạo cụ thể từng nội dung công việc, gắn với trách nhiệm của các cơ quan chức năng và người có thẩm quyền; vừa theo dõi, đôn đốc việc thực hiện của các cơ quan chức năng.
Nhờ đó, năm 2018, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, xét xử nhiều vụ án nghiêm trọng; đồng thời, mở rộng điều tra, phát hiện, khởi tố thêm nhiều vụ án mới. Năm 2018, các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy tích cực phối hợp các cơ quan tố tụng tham mưu, đề xuất cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý 525 vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, trong đó, xử lý dứt điểm 251 vụ.
Hội nghị cũng đánh giá, ngành Nội chính đảng đã chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề phức tạp nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Các Ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy phối hợp tốt các cơ quan chức năng địa phương tích cực tham mưu, đề xuất các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn, nhất là chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan tôn giáo, dân tộc, các vụ việc khiếu kiện đông người, gây rối xảy ra tại một số địa phương.
Công tác theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát được chủ động và thường xuyên hơn. Qua kiểm tra, rà soát đã kiến nghị chấn chỉnh và xử lý nhiều sai phạm, có tác dụng răn đe, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giữ vững kỷ cương ở nhiều cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, Hội nghị cũng phân tích, làm rõ những hạn chế cần khắc phục, đó là công tác theo dõi, nắm tình hình địa bàn có lúc chưa kịp thời, chưa chặt, chưa sâu; công tác tham mưu, đề xuất lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vấn đề nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội chưa toàn diện, có lúc, có việc còn lúng túng, bị động. Công tác tham mưu, đề xuất để đẩy mạnh các giải pháp phòng ngừa, xử lý, ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt”, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế của nhiều ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát đối với các cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan nội chính ở Trung ương và các địa phương chưa thường xuyên,…
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng biểu dương, đánh giá cao kết quả ngành Nội chính đạt được trong những năm qua. Đồng chí nhấn mạnh: Năm 2019 là năm có vị trí rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đồng thời cũng là năm bắt đầu triển khai công việc chuẩn bị cho Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, là “tai mắt” của Đảng về lĩnh vực này, trọng trách của ngành Nội chính Đảng là phải phối hợp tham mưu cho Đảng lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế, pháp luật, đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, không cho phép ai làm trái quan điểm, Cương lĩnh, đường lối của Đảng...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ, ngành Nội chính Đảng cần tiếp tục làm tốt hơn nữa việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tích cực tham mưu, đề xuất những quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng và thực thi pháp luật, trọng tâm là những đề án liên quan đến lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp. Chú trọng tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu, Ban Nội chính Trung ương tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; tập trung tham mưu, đề xuất chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng…
Chủ động phối hợp, tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội đã đề ra trong các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương. Nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính; tham gia có hiệu quả với các cơ quan có thẩm quyền về công tác cán bộ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cán bộ, công chức ngành Nội chính đảng phải có bản lĩnh, có dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai; có trình độ, có hiểu biết tương đối toàn diện, nắm vững các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước; có kiến thức, kinh nghiệm sâu sắc về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; đặc biệt phải liêm, phải sạch; phải có đạo đức trong sáng, công tâm; có phương pháp làm việc khoa học, cương, nhu đúng lúc; kỷ cương, kỷ luật chặt chẽ, đoàn kết, thống nhất cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của cán bộ, đảng viên và nhân dân./.
Như Ý