KTNN tổ chức Hội thảo “Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015” tại Cần Thơ

28/02/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 28/2/2019, tại thành phố Cần Thơ, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức về “Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015”.

Toàn cảnh Hội thảo

Thực hiện Kế hoạch số 735-KH/ĐĐQH14 ngày 18/01/2018 của Đảng Đoàn Quốc hội về triển khai Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Bạn Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, 4, theo đó Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, giao KTNN chủ trì và trình tại 02 Kỳ họp thứ 7 và 8 của Quốc hội.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật KTNN 2015 Đặng Thế Vinh, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thành Đông, Vụ trưởng Vụ Pháp chế KTNN Vũ Thanh Hải đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các đại biểu là đại diện các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, Viện Kiểm sát NDTC, Tòa án NDTC; đại diện HĐND, UBND, đại diện Đoàn ĐBQH các tỉnh miền Tây Nam bộ; đại diện các trường đại học, các viện nghiên cứu; các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước; các chuyên gia kinh tế...
 
Về phía KTNN có đại diện lãnh đạo các Vụ tham mưu; KTNN các khu vực: IV, V, IX, XIII; các thành viên Ban chỉ đạo, Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015.
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết: Luật KTNN năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 9, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016, là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTNN theo hướng thể chế hóa quy định Điều 118 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Tuy nhiên, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0, gắn với việc hội nhập quốc tế đòi hỏi nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của KTNN. Sau hơn 3 năm thi hành, Luật KTNN bộc lộ một số vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. “Quá trình thực hiện, KTNN đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ theo trình tự quy định” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết.
 
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, KTNN sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015 tập trung vào các vấn đề: Quy định cụ thể đơn vị được kiểm toán của KTNNQuy định đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN, Tổng KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng; Bổ sung căn cứ ban hành quyết định kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán bảo đảm phù hợp với Luật PCTN năm 2018; Bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để hạn chế tình trạng trùng lắp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động KTNN; Bổ sung quy định về chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan; Quy định cụ thể việc cung cấp thông tin, tài liệu dưới dạng dữ liệu điện tử để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của KTNN, KTV nhà nước; Một số nội dung khác như: Giám định tư pháp tài chính, tài sản; thực hiện việc đối chiếu, xác minh theo quy định của Luật PCTN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; quyền khiếu nại của tổ chức, cá nhân có liên quan; thẩm quyền ký thông tư liên tịch; bổ nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước trong trường hợp chuyển ngạch; thời hạn kiểm toán; thời hạn lập và gửi BCKT của cuộc kiểm toán... và các quy định khác của Luật KTNN hiện hành.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước mong muốn được thảo luận, lắng nghe ý kiến các chuyên gia, các đại biểu từ các góc nhìn khác nhau để tập trung làm rõ một số vấn trên. “Những ý kiến chia sẻ của các Quý vị có ý nghĩa quan trọng giúp KTNN nghiên cứu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét và thông qua việc sửa Luật, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
 
Tại Hội thảo, PGS.TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đã có bài tham luận về: Phạm vi đơn vị được kiểm toán - Những vấn đề đặt ra và định hướng sửa đổi, bổ sung Luật KTNN phù hợp với Hiến pháp 2013; Ths. Doãn Anh Thơ - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IV tham luận về: Thực trạng kiểm toán đối chiếu thuế và Công ty liên kết tại KTNN khu vực IV - Giải pháp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015; Bà Nguyễn Thị Thụy - Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp tham luận về: Tình hình giám định tư pháp ở nước ta hiện nay và một số vấn đề đặt ra đối với KTNN về giám định tư pháp liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nhằm giải quyết án tham nhũng, án kinh tế.
 
Góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015, ông Thạch Phước Bình, Đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng: Luật KTNN 2015 chưa quy định đầy đủ về vị trí pháp lý của KTNN, theo đó chưa quy định toàn diện nhiệm vụ kiểm toán đối với hoạt động lập dự toán, chấp hành, quyết toán ngân sách theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cụ thể hóa địa vị pháp lý, nhiệm vụ và việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của KTNN. 

Về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán (Điều 7), dự thảo Luật quy định báo cáo kiểm toán là căn cứ để khiếu nại và giải quyết khiếu nại, nhưng bản chất báo cáo kiểm toán không phải là một quyết định hành chính. Mặt khác, dự thảo Luật cũng chưa quy định cụ thể báo cáo kiểm toán có được sử dụng trong hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát hay không? nên cần sửa đổi Điều này.“Thực tiễn cho thấy còn một số kiến nghị của cơ quan Kiểm toán trong Báo cáo kiểm toán chưa phân tách được nội dung kiến nghị là phát hiện truy thu, thu nộp bổ sung về mặt tài chính, tách bạch với kiến nghị chỉ mang tính chất khuyến nghị, không làm phát sinh thêm nghĩa vụ về tài chính, dẫn đến tình trạng số kiến nghị xử lý tài chính của cơ quan kiểm toán chưa phản ánh đúng bản chất số phát sinh thêm nghĩa vụ về tài chính đơn vị phải thực hiện. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể về nội dung kiến nghị truy thu và nội dung khuyến nghị của báo cáo kiểm toán từ đó đảm bảo tính chính xác, phù hợp của các kiến nghị về xử lý tài chính trong báo cáo kiểm toán” - ông Thạch Phước Bình kiến nghị.

Ông Bình cho rằng kiểm toán nhiệm vụ thu của cơ quan thuế (bao gồm nghĩa vụ của người nộp thuế) là nhiệm vụ của KTNN, cần làm rõ nhằm quy định cụ thể hơn, bảo đảm tính bao quát và phù hợp với đối tượng KTNN đã được quy định trong Hiến pháp. “Đề nghị Luật KTNN 2015 sửa đổi bổ sung căn cứ ban hành quyết định kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán, bảo đảm phù hợp với Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018” - ông Bình nêu ý kiến.
 
Tại Hội thảo, bà Lê Ngọc Thuỳ Trang - Phó giám đốc Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh đề nghị thời gian để đối tượng được kiểm toán nghiên cứu, giải trình đối với dự thảo kết luận kiểm toán của KTNN nên sửa đổi thành 10-15 ngày làm việc; bổ sung sự giám sát của KTNN đối với các báo cáo kiểm toán độc lập để tránh lãng phí cho xã hội; bổ sung cách thức phối hợp trong thực hiện Quy chế phối hợp giữa KTNN với Bộ, ngành và địa phương; bổ sung sự phối hợp của KTNN khi tham gia tố tụng tại Toà án.
 
Ông Trần Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở Tài chính Tiền Giang nêu ý kiến: Cần xác định rõ đối tượng kiểm toán trong quá trình kiểm toán tại cơ quan thuế vì liên quan đến doanh nghiệp nộp thuế, người nộp thuế; cần bổ sung quy định và chế tài cụ thể trong xử lý vi phạm thực hiện kiến nghị của KTNN; cần quy định rõ ràng trong Luật KTNN sửa đổi nhằm tránh chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán; cần bổ sung, nâng cao trách nhiệm của Kiểm toán viên khi thực thi công vụ.
 
Trao đổi về phạm vi kiểm toán của KTNN, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 9 Phạm Thành Tâm nêu quan điểm: Cần thống nhất ở đâu sử dụng tài chính công, tài sản công, tài nguyên, môi trường... thì đều là đối tượng của KTNN. “KTNN cần bổ sung quy định thật chặt chẽ về việc kiểm soát chất lượng kiểm toán; khiếu nại của đối tượng được kiểm toán một cách chặt chẽ” - Thiếu tướng Phạm Thành Tâm nói.
 
Theo PGS.TS Lê Huy Trọng, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V, tại Điều 55, nên bớt phần giải thích từ ngữ về đơn vị được kiểm toán; Bạn soạn thảo dự án Luật cần làm rõ khái niệm được luật hoá về tài sản công trên cơ sở văn bản mới nhất được ban hành; cần bổ sung Điều 25 có mở rộng ngạch Kiểm toán viên chính, Kiểm toán viên cao cấp cho các đối tượng tương đương từ Thanh tra, Viện Kiểm sát ... chuyển công tác sang KTNN.
 
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, Hội thảo đã nhận được 20 bài tham luận được in trong Kỷ yếu, 3 ý kiến phát biểu tham luận và 5 ý kiến đăng ký phát biểu trực tiếp về sửa đổi, bổ sung Dự án Luật KTNN năm 2015.
 
Hội thảo đã tập trung thảo luận và trao đổi về: Đối tượng, phạm vi kiểm toán của KTNN; đơn vị được kiểm toán; mối quan hệ phối hợp, phạm vi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức trong hoạt động kiểm toán; nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của KTNN; kiến nghị, khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước; tố cáo đối với hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN... “Các đại biểu dự Hội thảo đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, cùng kinh nghiệm thực tiễn phong phú, trình độ lý luận sâu sắc, đóng góp vào dự án Luật này” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhận định.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết sẽ ghi nhận, tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến đóng góp của các đại biểu dự Hội thảo. “Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng cả về lý luận và thực tiễn để KTNN tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Dự án, bảo đảm đưa ra những kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015 hiệu quả, chất lượng và đáp ứng tiến độ theo Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019” - Phó Tổng kiểm toán nhà nước khẳng định./.

N. Bích
 

Xem thêm »