Họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2019: Tình hình kinh tế-xã hội diễn biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực

01/03/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 01/3, tại Trụ sở Chính phủ, Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2019. Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: Tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2019 và việc thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và nhiều nội dung quan trọng khác.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp

Kinh tế xã hội ổn định, tích cực

Thủ tướng đã khái quát những kết quả nổi bật về kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng năm 2019; yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải tổ chức thực hiện quyết liệt, nghiêm túc Nghị quyết 01, 02 trong tháng 3 để quý I/2019 đạt kết quả kinh tế-xã hội toàn diện như kỳ vọng trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến đổi.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2019 tiếp tục chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát thấp hơn cùng kỳ năm 2018 (tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 0,9% so với tháng 12/2018) và trong phạm vi mục tiêu của Quốc hội; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thanh khoản tốt, mặt bằng lãi suất được giữ vững; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018. Xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ, nhập siêu trong phạm vi mục tiêu của Quốc hội.

Hoạt động du lịch diễn ra sôi động, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2/2019 đạt gần 1,59 triệu lượt khách, là tháng đón lượng khách quốc tế lớn nhất từ trước đến nay do đang vào mùa lễ hội đầu năm với nhiều sự kiện hấp dẫn thu hút du khách quốc tế.

Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân tiếp tục được bảo đảm, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Các hoạt động chính trị, đối ngoại của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước được tổ chức chu đáo.

Chính phủ thống nhất cho rằng, những thành tựu đạt được của năm 2018 và tiếp tục phát triển ổn định trong 2 tháng đầu năm 2019 nói trên là rất phấn khởi, nhiều chỉ tiêu tiếp tục tăng cao hơn so với cùng kỳ. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, phải nhìn nhận rằng nền kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức: Năng suất lao động và năng lực cạnh tranh còn thấp; Sức chống chịu của nền kinh tế chưa cao; Cạnh tranh thương mại Trung - Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong thời gian tới.

Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ- Triều Tiên được thực hiện chu đáo, bảo đảm tuyệt đối an toàn

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có những đánh giá cụ thể về việc tổ chức 2 sự kiện nổi bật nhất trong tháng 2/2019. Thứ nhất là việc tập trung chỉ đạo tổ chức phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, đầm ấm, không khí phấn khởi lan tỏa khắp mọi miền đất nước.

Thứ 2 là Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ- Triều Tiên diễn ra tại Hà Nội, thời gian chuẩn bị ngắn nhưng được thực hiện chu đáo, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Công tác tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam được Lãnh đạo Hoa Kỳ và Triều Tiên cũng như dư luận xã hội, cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Việc Việt Nam nỗ lực chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, bảo đảm an ninh an toàn tuyệt đối cho Hội nghị đã thể hiện rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tích cực thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên; là dịp tạo bước tiến mới trong quan hệ với Hoa Kỳ và Triều Tiên. Đặc biệt, Việt Nam đã quảng bá ra thế giới hình ảnh một đất nước yêu chuộng hòa bình, đạt nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.
 

Toàn cảnh phiên họp

Thủ tướng Chính phủ cũng gửi lời cảm ơn các cơ quan báo chí đã đồng hành trong việc tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Sự vào cuộc của báo chí trong nước và quốc tế tại Hội nghị một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò hết sức quan trọng của báo chí. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, lan tỏa khát vọng đất nước hùng cường và tạo khí thế vui tươi, phấn khởi trong lao động, sản xuất ngay từ những ngày đầu của năm mới. Các cơ quan Nhà nước phải chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh từng thành viên Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và chương trình hành động của Bộ, ngành, địa phương. Quyết tâm hành động; nói đi đôi với làm; tăng cường kỷ luật kỷ cương; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu ngay từ đầu năm để thực hiện thành công, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra cho năm 2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ cần tiếp tục ưu tiên củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực, đồng thời tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới.

Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc, chỉ đạo và điều hành quyết liệt bằng những hành động, giải pháp cụ thể với tinh thần quyết tâm cao nhất để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn, bền vững hơn.

Điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá linh hoạt, thận trọng; duy trì thanh khoản hợp lý, kiểm soát tốt tín dụng, mở rộng tín dụng và giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng. Phấn đấu tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối nhà nước và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Quan tâm phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng, tài chính vi mô để góp phần kích thích sản xuất, hạn chế tín dụng đen. Điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Chỉ đạo quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công, tạo các điều kiện thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, thu hút FDI.

Có phương án, biện pháp hiệu quả xử lý khi giá nông sản, thực phẩm xuống thấp, đặc biệt là đối với lúa gạo, chú trọng đẩy mạnh xúc tiến thương mại gạo và tái cơ cấu mạnh mẽ ngành lúa gạo; triển khai thực hiện ngay việc mua tạm trữ lúa gạo theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy phát triển mạnh hơn nữa ngành công nghiệp hỗ trợ, giảm gia công lắp giáp. Ưu tiên mọi nguồn lực để hoàn thành những công trình trọng điểm và then chốt nhằm vừa kích cầu, vừa gia tăng năng lực sản xuất; giải quyết cơ bản các khó khăn, tồn tại của những dự án kém hiệu quả, thua lỗ. Tăng cường việc giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển. Khuyến khích doanh nghiệp đẩy nhanh tiến trình đổi mới công nghệ, áp dụng các công nghệ mới, hiện đại để tiết kiệm năng lượng.

Tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu trên cơ sở bảo đảm chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm; quan tâm xây dựng thương hiệu hàng hoá, sản phẩm. Lựa chọn các mặt hàng có thế mạnh để xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường theo từng giai đoạn cụ thể nhằm phát triển thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường xuất khẩu mới còn tiềm năng đồng thời củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA.

Đối với khu vực dịch vụ, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại theo hướng tập trung vào một số ngành dịch vụ tiềm năng, ứng dụng công nghệ cao nhằm đẩy mạnh phát triển nhanh khu vực dịch vụ, đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng.

Tiếp tục tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch. Đẩy mạnh quản lý và kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ phục vụ du lịch và phương tiện phục vụ khách du lịch; rà soát, chấn chỉnh chất lượng dịch vụ lưu trú trên toàn quốc; bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, đặc biệt tại các lễ hội...

Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường công tác kiểm tra, bảo đảm an toàn lao động, phòng chống cháy nổ. Chú trọng phòng ngừa dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh có khả năng lây lan cao. Tập trung nghiên cứu hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông, bảo đảm chất lượng...
Các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; bảo đảm tiết kiệm, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tăng cường quản lý tài nguyên; tiếp tục chủ động theo dõi diễn biến thời tiết và phòng chống thiên tai; triển khai hiệu quả các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Thực hiện hiệu quả công tác tiếp công dân, tranh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo ngay ở cấp cơ sở; tránh tình trạng khiếu nại tố cáo đông người, vượt cấp lên Trung ương. Không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; tập trung phòng chống, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông./.

Như Ý

Xem thêm »