Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xử lý những quy định còn mâu thuẫn với các luật khác (Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…), nâng cao chất lượng đầu tư, bảo đảm quyền tự do, bình đẳng của các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế trong hoạt động đầu tư kinh doanh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư tại doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế. Ủy ban Kinh tế nhận thấy Hồ sơ dự án Luật đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị đầy đủ, đáp ứng yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Về chính sách về đầu tư kinh doanh, để tránh trường hợp lạm dụng, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, chỉnh sửa quy định tại khoản 3 Điều 5 phù hợp với quy định tại Điều 33 Hiến pháp năm 2013 và khoản 2 Điều 15 dự thảo Luật về quyền con người, quyền công dân. Những quyền này chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng và mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm, tách bạch rõ trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đầu tư, không chấp thuận chủ trương đầu tư và trường hợp tạm dừng, đình chỉ hoạt động đầu tư. Quy định tại khoản 3 Điều 5 mang tính chất định tính có thể gây ra cách hiểu khác nhau, dễ bị lạm dụng, không tạo được sự yên tâm cho nhà đầu tư.
Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Ủy ban tán thành với ý kiến thứ hai đề nghị giữ các phụ lục 1, 2 và 3 Luật Đầu tư năm 2014 quy định Danh mục các chất ma túy, các hóa chất, khoáng vật cấm kinh doanh và động, thực vật hoang dã bị cấm ban hành kèm theo Luật vì đây là những nội dung liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân nên phải quy định trong luật theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.
Đối với việc đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thời gian qua do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân. Vì vậy, đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.
Về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc rà soát, sửa đổi các quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư là cần thiết, đặc biệt là các quy định về trình tự, thủ tục được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo hướng tăng tính khả thi, bảo đảm quyền của nhà đầu tư được tiếp cận các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung quy định trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết đầu tư thì phải có chế tài xử lý thu hồi các khoản ưu đãi. Đồng thời, Ủy ban Kinh tế nhận thấy theo quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ có thẩm quyền ban hành nghị định để quy định các biện pháp cần thiết thực hiện chính sách kinh tế - xã hội trong quá trình điều hành của mình. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội mới là cơ quan có thẩm quyền ban hành nghị quyết thí điểm với các điều kiện cụ thể như:
“Thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành”. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ về phạm vi thí điểm của Chính phủ để tránh vượt quá thẩm quyền quyết định; đồng thời chỉnh lý lại cụ thể, chặt chẽ hơn nội dung tại khoản 4 Điều 19 dự thảo Luật về phạm vi, điều kiện, thủ tục ban hành văn bản thí điểm để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Ngoài các nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ,
Ủy ban đề nghị tiếp tục rà soát sự thống nhất với các luật khác có liên quan,bảo đảm khắc phục những chồng chéo, xung đột, mâu thuẫn, thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh và không để tạo ra mâu thuẫn, xung đột mới. Đối với một số ý kiến góp ý đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu, luật hóa tối đa các quy định của văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm có tính ổn định trong thực tiễn và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, quy định chi tiết hơn những điều khoản về điều kiện, nguyên tắc áp dụng để giảm bớt các điều giao Chính phủ quy định trong dự thảo Luật; về từ ngữ, câu chữ và kỹ thuật văn bản, Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua./.
Bá Toàn