Văn phòng Chủ tịch nước công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN

17/12/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Chiều 16/12/2019,  dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN và các Luật đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội XIV.

Toàn cảnh buổi công bố luật

Tham dự buổi công bố Luật có: Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc; Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN Ngô Minh Tiến; Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải; Thứ Trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy; Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh.

Các Luật được công bố gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN; Bộ luật Lao động (sửa đổi);  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam;Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sửa đổi); Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh giới thiệu về một số nội dung chính Luật

Thay mặt Kiểm toán nhà nước (KTNN), Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh giới thiệu về một số nội dung chính Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN (Luật), bao gồm:

Giải thích rõ về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán: Luật KTNN năm 2015 chưa quy định rõ về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan dẫn đến quá trình thực hiện Luật có khó khăn, vướng mắc. Do vậy, để khắc phục hạn chế nêu trên, Luật đã giải thích rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán. Ngoài ra, Luật còn bổ sung quyền được nhận thông báo kết luận, kiến nghị của KTNN... của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Bổ sung quy định việc truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.Đồng thời, Luật còn quy định khi khai thác, truy cập thông tin, dữ liệu điện tử thì KTNN phải chịu trách nhiệm đảm bảo tính bảo mật, an toàn thông tin theo quy định pháp luật về bảo vệ bí mật, bảo mật thông tin.

Bổ sung quy định KTNN xử phạt vi phạm hành chính.Luật xử lý vi phạm hành chínhchưa quy định về xử phạt vi phạm hành chínhtrong lĩnh vực KTNN, đây là khoảng trống pháp lý cần sớm được khắc phục. Do vậy, việc trao cho KTNN thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là cần thiết, bảo đảm hiệu quả cho hoạt động của KTNN. Luật đã quy định mang tính nguyên tắc về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.

Bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để hạn chế tình trạng chồng chéo.Luật đã bổ sung quy định về cơ quan thanh tra và KTNN, trong đó quy định về trách nhiệm phối hợp của KTNN (với vai trò là cơ quan chủ trì) với cơ quan thanh tra trong việc xây dựng kế hoạch hàng năm, trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của minh và khi tiến hành hoạt động kiểm toán, thanh tra để xử lý trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
 
Luật đã quy định rõ về quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán. Theo đó, đơn vị được kiểm toán, tổ chức cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán nhà nước về hành vi của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và các thành viên của Đoàn kiểm toán; đơn vị được kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán nhà nước về các đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán nhà nước về kết luận, kiến nghị trong Thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Luật cũng bổ sung, quy định rõ trình tự, thủ tục, thời gian khiếu nại và giải quyết khiếu nại; quy định trong thời hạn giải quyết khiếu nại, Tổng Kiểm toán nhà nước phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động KTNN.
 
Đồng thời, Luật quy định rõ trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán nhà nước thì đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khởi kiện một phần hoặc toàn bộ nội dung của Quyết định giải quyết khiếu nại (Quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán nhà nước bao gồm: Quyết định giải quyết khiếu nại về hành vi của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, các thành viên Đoàn kiểm toán; Quyết định giải quyết khiếu nại về đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước) tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
 
Trình tự thủ tục khởi kiện thực hiện theo Luật Tố tụng Hành chính và để thực hiện được việc khởi kiện, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố tụng hành chính nhằm bảo đảm các quy định về khởi kiện để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp quy định của pháp luật hiện hành có thể thực hiện được ngay khi Luật có hiệu lực thi hành.

Ngoài ra, Luật bổ sung quy định thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũngvà  bổ sung Quy định về kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Luật sẽ có hiệu lực từ 01/07/2020./.

Ngọc Bích
 
 
 

Xem thêm »