(sav.gov.vn) - Sáng 17/12/2019, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ Tổng kết Chương trình hiện đại hóa tài chính công tại Việt Nam của Liên minh Châu Âu (EU-PFMO) – Hỗ trợ tăng cường năng lực cho Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam; Bàn giao các sản phẩm của Dự án Hỗ trợ KTNN Việt Nam nâng cao trách nhiệm giải trình, tính minh bạch và vai trò giám sát hoạt động quản lý tài chính công (Dự án).
Đại sứ Giorgio Aliberti bàn giao các sản phẩm của Dự án cho Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh
Dự lễ tổng kết, về phía Việt Nam có: Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cùng đại diện Bộ Tài chính, Lãnh đạo các cơ quan trực thuộc Kiểm toán nhà nước
Về phía EU có: ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; bà Alisa Rozanova, Phó Trưởng ban Quản trị Tài chính và Kinh tế, Cơ quan hỗ trợ kỹ thuật quốc tế Pháp (EF) cùng các Đại biểu đến từ Phái đoàn Liên minh châu Âu, Đại sứ quán CH Pháp và Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam, Kiểm toán nhà nước Vương quốc Anh, Cơ quan Hợp tác kỹ thuật Quốc tế Pháp, chuyên gia chính và các nhân viên của Văn phòng Dự án.
Mục tiêu của Dự án EU-PFMO là góp phần nâng cao trách nhiệm giải trình, tính minh bạch và vai trò giám sát quản lý tài chính công tại Việt Nam thông qua tăng cường năng lực tổ chức và hoạt động của KTNN Việt Nam, nhằm: Đưa ra ý kiến độc lập về các vấn đề quản lý tài chính công; Cung cấp cho Quốc hội thông tin có chất lượng giúp thực hiện chức năng giám sát một cách hợp lý.
Dự án tập trung hỗ trợ hai mục tiêu chiến lược gắn với hai trụ cột trong Kế hoạch hành động của KTNN gồm: Phát triển cơ cấu tổ chức và công tác quản lý nguồn nhân lực của KTNN Việt Nam; Thúc đẩy công tác lập kế hoạch kiểm toán chiến lược, hiện đại hóa phương pháp kiểm toán và quản lý hoạt động kiểm toán phù hợp với chuẩn mực INTOSAI, thông lệ quốc tế và phù hợp với Kế hoạch hành động của KTNN Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ Tổng kết, ông Giorgio Aliberti – Đại sứ phái đoàn Liên minh Châu Âu cho biết, quản lý tài chính công được coi là một trong những công cụ quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Nó cho phép các quốc gia huy động và phân bổ nguồn lực của mình một cách thông suốt và hiệu quả nhất. Trong đó, tính minh bạch, liêm khiết của một hệ thống quản lý tài chính công là điều đặc biệt cần thiết để giúp cho hệ thống này vận hành một cách chính xác và đúng đắn.
Nhấn mạnh vai trò của KTNN Việt Nam trong hệ thống chính trị của Việt Nam, ông Giorgio cho biết, kết quả hoạt động của KTNN Việt Nam chính là chỉ số cho thấy sự minh bạch và lành mạnh của hệ thống quản lý tài chính công của Việt Nam. “Dự án này được thiết kế và thực hiện nhằm cung cấp cho KTNN Việt Nam một số hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để tăng cường năng lực cũng như thực hiện được sứ mệnh của mình với tư cách là một cơ quan giám sát độc lập” – ông Giorgio nói.
Đánh giá cao sự nỗ lực của KTNN Việt Nam cũng như các đối tác đã tham gia triển khai thực hiện dự án để đạt được những sản phẩm chất lượng trong lĩnh vực kiểm toán tài chính như Cẩm nang kiểm toán, tài liệu tập huấn về kiểm toán…, ông Giorgio tin tưởng những chia sẻ của các cơ quan kiểm toán của EU sẽ được KTNN Việt Nam đón nhận, tiếp thu để cải thiện hơn nữa hiệu quả và hiệu suất trong công tác kiểm toán của KTNN Việt Nam. “EU và 28 nước thành viên cam kết sẽ luôn bên cạnh Việt Nam trong suốt giai đoạn cải cách quả lý tài chính công của các bạn” – ông Giorgio khẳng định.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo KTNN Việt Nam, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cảm ơn các nhà tài trợ, các đối tác, các chuyên gia và đồng nghiệp đã hỗ trợ KTNN Việt Nam; cùng vượt qua những khó khăn, thử thách hoàn thành Dự án EU-PFMO, đồng thời bày tỏ tin tưởng, thời điểm Dự án EU-PFMO khép lại sẽ cũng là lúc mở ra những cơ hội mới về hợp tác giữa KTNN Việt Nam, EU và các đối tác tham gia hỗ trợ KTNN Việt Nam trong thời gian qua.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, KTNN Việt Nam có vai trò và vị trí quan trọng trong hệ thống kiểm tra, kiểm soát tài chính nhà nước, đóng góp to lớn cho việc đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của công tác quản lý và sử dụng tài chính và tài sản công. Vai trò của KTNN cũng như trách nhiệm của KTNN cũng ngày càng cao khi đất nước chuyển đổi cơ chế quản lý và điều hành nền kinh tế bằng luật pháp và các biện pháp, công cụ quản lý kinh tế cũng như khi đất nước chuyển mình mạnh mẽ, bắt kịp với xu thế công nghệ số toàn cầu.
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, trong khuôn khổ hợp tác với KTNN Việt Nam, EU là một trong những nhà tài trợ quan trọng nhất đồng hành cùng với sự hình thành, phát triển của KTNN. Từ năm 2007 đến 2013, EU đã hỗ trợ KTNN Việt Nam thông qua nhiều dự án nhằm hoàn thiện những văn bản hướng dẫn quan trọng, đặt nền tảng đầu tiên cho việc chuẩn hóa công tác kiểm toán của KTNN cũng như tăng cường năng lực cho đội ngũ Kiểm toán viên của KTNN, cụ thể là xây dựng Hệ thống chuẩn mực KTNN, quy trình kiểm toán về kiểm toán ngân sách Nhà nước và kiểm toán lĩnh vực đầu tư dự án, nâng cao năng lực cho cán bộ cấp cao của KTNN trong quản lý cải cách. “Có thể nói, Dự án EU-PFMO là một minh chứng rõ ràng cho mối quan hệ hợp tác đa dạng, mang tính chiều sâu của EU và Việt Nam nói chung và là một điểm nhấn mang tính bước ngoặt trong mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, thiết thực giữa EU và KTNN Việt Nam nói riêng” – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nói.
Thông tin về kết quả của Dự án, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Dự án EU-PFMO đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng được mục tiêu đề ra và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, cụ thể là xây dựng và hoàn thiện 12 tài liệu hướng dẫn, báo cáo khuyến nghị và tài liệu đào tạo các lĩnh vực; mua sắm, lắp đặt 12 bản quyền phần mềm phân tích dữ liệu lớn IDEA; tổ chức 13 khóa đào tạo về kiểm toán và áp dụng IDEA cho khoảng 400 lượt công chức, Kiểm toán viên KTNN Việt Nam, 04 chuyến khảo sát học tập tại cho khoảng 50 lượt công chức của KTNN. Những sản phẩm đầu ra quan trọng này đã cung cấp những nền tảng lý thuyết và thực tiễn quan trọng với những thông lệ tốt của quốc tế được hỗ trợ bởi những kiến nghị quan trọng, mang tính xây dựng giúp KTNN hoàn thiện các chức năng về nhân sự, đào tạo cũng như kỹ năng, phương pháp kiểm toán theo hướng hiện đại hóa, chuẩn mực hóa.
Tại lễ tổng kết, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh và ông Giorgio đã tiến hành bàn giao các sản phẩm của dự án gồm: Cuốn Cẩm nang kiểm toán tài chính dựa trên rủi ro theo hướng tuân thủ chuẩn mực kiểm toán thế giới và thông lệ tốt quốc tế, là một trong những sản phẩm chính của Dự án cùng 01 USB lưu trữ những sản phẩm và tài liệu quan trọng khác của Dự án. Đây là sáng kiến của KTNN và Văn phòng Dự án nhằm đảm bảo mục tiêu thân thiện với môi trường./.
M. Thúy