Bế mạc phiên họp thứ 40: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nỗ lực thực hiện tốt chương trình, kế hoạch đề ra theo chương trình làm việc năm

18/12/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 18/12/2019, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 40, phiên họp cuối của năm 2019.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ sau 03 buổi làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình của phiên họp thứ 40. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận, nhìn lại 1 năm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nỗ lực thực hiện tốt chương trình, kế hoạch đề ra theo chương trình làm việc năm, bảo đảm điều kiện chất lượng các nội dung trình ra Quốc hội cũng như trong quyết định các vấn đề theo thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết vẫn còn những tồn tại, hạn chế chưa giải quyết được triệt để như tài liệu gửi không đúng hạn, bổ sung hay rút nội dung quá gấp, chương trình làm việc của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải điều chỉnh nhiều lần… Song nhiều nội dung gắn với lợi ích của đất nước, của nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng chấp nhận việc điều chỉnh chương trình nhưng phải làm đúng nguyên tắc là phải xin ý kiến theo đúng thẩm quyền.

Chủ tịch Quốc hội cho hay, năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ kiên quyết hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện hiệu quả chương trình công tác năm, nếu có sự điều chỉnh cũng không để bị động.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, ngay sau phiên họp, Chính phủ, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan tổ chức hữu quan nhanh chóng triển khai các Nghị quyết, kết luận của phiên họp.

Lưu ý rằng từ nay đến phiên họp đầu tiên của năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn ít thời gian, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương hoàn thiện các nội dung và chuẩn bị cho phiên họp tới một cách chủ động. Đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội rà soát giải quyết và không để tồn tại các công việc của năm 2019 sang năm sau.
 
Toàn cảnh phiên họp

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về chủ trương xây dựng chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến 2035. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 giữa các Bộ, ngành và địa phương và giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 – 2020 cho Ngân hàng phát triển Việt Nam. Xem xét và thông qua Nghị quyết về việc bổ sung kinh phí mua bù thuốc thú y dự trữ quốc gia đã xuất cấp từ ngày 01/01/2018 đến ngày 30/4/2019 và xem xét, thông qua Chương trình công tác năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc tổng kết Kỳ họp thứ 8 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội. Theo  Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, sau 28 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, trí tuệ, đổi mới, lắng nghe và cầu thị, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp với kết quả thông qua 11 Luật, bộ Luật, 17 Nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án Luật khác; giám sát 01 chuyên đề, xem xét nhiều báo cáo và tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn; quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác. Những nội dung quan trọng được Quốc hội ban hành nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế, kịp thời điều chỉnh những vấn đề lớn, mới phát sinh trong thực tiễn đời sống, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, góp phần hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và tiếp tục tạo nền tảng cho đất nước phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Đối với việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, căn cứ các quy định của pháp luật và tình hình thực tế, dự kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét các nội dung sau: Công tác lập pháp 11 ngày để xem xét, thông qua 10 dự án Luật, 01 dự thảo Nghị quyết: 5,75 ngày. Cho ý kiến 7 dự án Luật: 5,25 ngày. Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, tại Tờ trình số 1750 /TTr -TLĐ ngày 20/11/2019, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khẩn trương hoàn chỉnh dự án Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất là phiên họp tháng 4/2020 để có căn cứ cho việc xem xét, quyết định bổ sung dự án Luật này.

Các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác 9,5 ngày. Xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước; quyết toán ngân sách Nhà nước (tổ: 0,5 ngày; hội trường: 1,5 ngày). Thực hiện giám sát chuyên đề (hội trường: 01 ngày). Xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020 (tổ: 0,25 ngày; hội trường: 0,5 ngày). Xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (tổ: 0,25 ngày; hội trường: 0,5 ngày). Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn (hội trường: 2,5 ngày). Xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội khi cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát (nếu có). Dự kiến Quốc hội làm việc 20,5 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20-5-2020 và bế mạc vào ngày 17-6-2020.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, căn cứ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự kiến nội dung, thời gian của kỳ họp và thông báo đến các cơ quan có trách nhiệm để chủ động chuẩn bị./.

Phương Vân

Xem thêm »