Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015
2. Kỷ niệm 25 năm thành lập Kiểm toán nhà nước
Năm 2019 đánh dấu mốc son 25 năm xây dựng và phát triển của KTNN (11/7/1994 - 11/7/2019). Ngày 09/4/2019, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Kế hoạch “Tổ chức phát động phong trào thi đua chào mừng Kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập KTNN”. Nhiều hoạt động đã được tổ chức thành công như: Hội thảo khoa học: “KTNN trong tiến trình hội nhập đất nước”, Tọa đàm nhân kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập KTNN, phát hành Kỷ yếu “KTNN - 25 năm vì nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững”, sản xuất phim “KTNN vì sự phát triển bền vững”, Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật, Giải thể thao KTNN; qua đó khơi dậy niềm tự hào về chặng đường đã đi qua cũng như lòng yêu Ngành, yêu nghề, tạo sự gắn kết, động lực cho toàn Ngành tiếp tục xây dựng và phát triển KTNN vững mạnh hơn trong tương lai.
3. Hoạt động kiểm toán đạt được nhiều thành tựu mới
Năm 2019, Ban cán sự đảng, lãnh đạo KTNN đã quyết liệt thực hiện chủ trương giảm số cuộc kiểm toán so với năm 2018; triển khai nhiều giải pháp mới, có tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán.
Qua hoạt động kiểm toán năm 2019, kết quả xử lý tài chính đến nay là 72.837 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu NSNN 10.276 tỷ đồng, giảm chi NSNN 16.829 tỷ đồng, xử lý khác 45.732 tỷ đồng. Ngoài ra, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 154 văn bản nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí; chuyển 5 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ xử lý theo pháp luật và 82 bộ hồ sơ cho các cơ quan Đảng, Nhà nước để điều tra, kiểm tra, giám sát.
4. Nỗ lực thực hiện vai trò Chủ tịch ASOSAI, hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược ASEANSAI
Với vai trò Chủ tịch Tổ chức Các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI), KTNN đã chủ động phối hợp với các thành viên Ban Điều hành ASOSAI thực hiện những sáng kiến phát triển ASOSAI giai đoạn mới, đó là SAI Trung Quốc, SAI Hàn Quốc, SAI Nhật Bản... Chủ trì thành công Kỳ họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 54 diễn ra vào tháng 7/2019, tại Kuwait. Tại Kỳ họp này, Ban Điều hành ASOSAI đã đồng thuận thông qua đề xuất thực hiện Tuyên bố Hà Nội do KTNN Việt Nam xây dựng.
Trên cương vị đứng đầu ASOSAI, KTNN đã nỗ lực đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các tổ chức kiểm toán công thuộc khu vực khác, như: Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Âu (EUROSAI), Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Phi (AFROSAI), Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao khu vực các quốc gia Ả-rập (ARABOSAI), Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao khu vực Caribe (CAROSAI), Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao khu vực Mỹ Latinh (OLACEFS).
Năm qua, KTNN cũng thể hiện xuất sắc vai trò Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI) nhiệm kỳ 2017-2019 và tái đắc cử vị trí này nhiệm kỳ 2020-2021.
5. Xây dựng Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030
Năm 2019, Chủ tịch Quốc hội đã phê duyệt chủ trương xây dựng Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 nhằm tạo cơ sở khoa học cho KTNN tiếp tục phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Thực hiện chủ trương này, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chiến lược, chỉ đạo việc đánh giá cụ thể kết quả thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 để rút ra những bài học kinh nghiệm. Về cơ bản, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 đã được hoàn thành. Trên cơ sở đó, KTNN đã xây dựng Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 thực sự khoa học và đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện theo kế hoạch.
6. Tiếp tục đóng góp thiết thực, hiệu quả vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (PCTN), năm 2019, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN và Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành các công điện về siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ và tăng cường công tác PCTN thông qua hoạt động kiểm toán; đồng thời, chỉ đạo công tác kiểm toán chú trọng vào các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Năm 2019, bên cạnh những kiến nghị kiểm toán về xử lý tài chính và hoàn thiện cơ chế, chính sách, KTNN đã cung cấp 82 báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng; chuyển 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra và chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Qua kiểm toán, KTNN cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể và cá nhân. Trong đó, nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những hạn chế, bất cập trong: thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập, bệnh viện công lập; thực hiện Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT); công tác quản lý thuế, đất đai, tài nguyên khoáng sản; cơ chế quản lý, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng...
7. Đoàn giám sát của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng Kiểm toán nhà nước
Thực hiện Quyết định số 1202-QĐ/UBKTTW ngày 02/7/2019 của Uỷ ban Kiểm tra T.Ư, Đoàn giám sát của Uỷ ban Kiểm tra T.Ư đã tiến hành giám sát đối với Ban cán sự đảng, đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán Nhà nước và một số cấp ủy trực thuộc. Qua đó, Đoàn giám sát đã đánh giá cao kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác cán bộ của Ban cán sự đảng, cá nhân đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy KTNN và các đảng ủy trực thuộc được giám sát. Đồng thời chỉ ra những hạn chế cần chấn chỉnh, khắc phục.
8. Nhiều cuộc kiểm toán có thành tích đột xuất, đạt chất lượng vàng
Để kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động kiểm toán, lãnh đạo KTNN đã quan tâm, phát động phong trào đăng ký và bình chọn các cuộc kiểm toán đạt chất lượng vàng. Năm qua, 18 cuộc kiểm toán chất lượng vàng và 6 cuộc kiểm toán có thành tích đột xuất được biểu dương, khen thưởng như cuộc kiểm toán: Dự án Nhà máy Sản xuất Ethanol Bình Phước, Chuyên đề Quản lý thu thuế xuất nhập khẩu, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Chuyên đề Việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các DN do UBND TP. Hà Nội nắm giữ cổ phần chi phối, quản lý giai đoạn 2017-2018...
9. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của Kiểm toán nhà nước
Ngày 14/3/2019, KTNN đã ban hành Quyết định số 440/QĐ-KTNN về Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin (CNTT) của KTNN giai đoạn 2019-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Ngày 04/4/2019, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Công điện số 407/CĐ-KTNN yêu cầu các đơn vị tập trung ứng dụng CNTT, tăng cường tập huấn, học tập, nâng cao trình độ tiếp cận, ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động của Ngành, coi đây là nhiệm vụ bắt buộc và gắn với trách nhiệm của các cấp, các đơn vị.
Việc thực hiện các nội dung công việc thuộc Đề án Tổng thể CNTT giai đoạn 2015-2020 tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh. Hiện nay, KTNN đã tích hợp 6 phần mềm sử dụng trên điện thoại di động để phục vụ quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán và hoạt động của đơn vị trong toàn Ngành; xây dựng và sử dụng 18 phần mềm phục vụ hoạt động kiểm toán; xây dựng, hoàn thành Trung tâm dữ liệu và Trung tâm dữ liệu dự phòng. KTNN cũng đã và đang thực hiện số hóa hồ sơ kiểm toán, ứng dụng các phần mềm công cụ hỗ trợ kiểm toán và xây dựng, hoàn thành trung tâm dữ liệu kiểm toán, góp phần giúp KTNN thích ứng linh hoạt với sự thay đổi trong tương lai, đáp ứng các yêu cầu đặt ra của nền kinh tế số.
10. Hệ thống cơ sở vật chất tiếp tục được cải thiện
Trong năm, KTNN đã khởi công xây dựng 4 công trình và hiện nay đang đẩy nhanh việc xây dựng trụ sở KTNN các khu vực: I, III, XIII và Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán. Năm 2019, KTNN đã hoàn thành công tác lập hồ sơ về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và trả trụ sở của khu vực V cho Bộ Tài chính.
11. Chú trọng cải cách thủ tục hành chính
Trên tinh thần đẩy mạnh cải cách, giảm thủ tục hành chính không cần thiết, bảo đảm hiệu lực hoạt động của KTNN, năm 2019, KTNN đã chủ động rà soát, sửa đổi, hoàn thiện quy trình, Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán, mẫu báo cáo kiểm toán và các văn bản của KTNN theo hướng tinh gọn, đơn giản, tiện ích, sát hợp, đảm bảo sự phù hợp với thực tiễn hoạt động để áp dụng trong toàn Ngành.
12. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, tổ chức thành công những chuyến đi về nguồn
Năm 2019, KTNN tiếp tục quan tâm và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội như: xây tặng 16 nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách; quyên góp, ủng hộ các gia đình, học sinh, sinh viên và đồng bào gặp khó khăn... với tổng số tiền trị giá hơn 2,6 tỷ đồng; trao tặng 77 bộ máy tính cho một số trường học trên địa bàn khó khăn.
Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên và Hội Cựu chiến binh KTNN đã phối hợp với Tỉnh đoàn Nghệ An tổ chức thành công Diễn đàn “Sắt son niềm tin với Đảng”; Hội Cựu chiến binh KTNN đã kết thúc tốt đẹp “Hành trình đến địa chỉ đỏ”... Thông qua đó, toàn Ngành đã thể hiện đạo lý “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” đối với thế hệ cha anh đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động KTNN.
(Theo Báo Kiểm toán )