(sav.gov.vn) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) là thách thức nghiêm trọng đối với nhân loại, gây ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình phát triển bền vững (PTBV) của tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo Báo cáo Rủi ro toàn cầu năm 2020 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, BĐKH đứng đầu trong danh sách 5 mối rủi ro có tác động tiêu cực nhất và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thế giới trong 10 năm tới. BĐKH đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện, sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu với mức độ thiệt hại khó lường.
Việt Nam trở thành quốc gia dễ bị tổn thương dưới tác động của BĐKH. Ảnh: TTXVN
Nhiều chính sách được ban hành nhưng việc thực thi vẫn còn những hạn chế
Với đặc thù về vị trí địa lý, mô hình phát triển kinh tế, phân bố dân cư, cơ cấu lao động, Việt Nam trở thành quốc gia dễ bị tổn thương dưới tác động của BĐKH. Theo Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam đến năm 2050, nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có 38,9% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 16,8% diện tích Đồng bằng sông Hồng, 17,8% diện tích TP. HCM, trên 11% diện tích các tỉnh thuộc vùng ven biển và nhiều cụm đảo, đảo bị ngập. Bên cạnh đó, khoảng 10 - 12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 0,6% GDP/năm. Thực tế này đe dọa những nỗ lực tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường (BVMT) và PTBV của Việt Nam.
Nhận thức được các nguy cơ và thách thức của BĐKH, Đảng ta đã xây dựng và ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm BVMT, ứng phó BĐKH và đảm bảo sự PTBV của đất nước. Trong đó, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT (Nghị quyết 24) xác định ứng phó với BĐKH là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị.
Đồng bộ hóa với chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về: BĐKH, tăng trưởng xanh; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24 và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV, trong đó, ứng phó kịp thời, hiệu quả với BĐKH và thiên tai (SDG13) là 1 trong 17 mục tiêu PTBV của quốc gia. Cùng với đó, Chính phủ đã chỉ đạo lồng ghép việc thực hiện mục tiêu này vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương theo từng giai đoạn.
Kết quả thực hiện các chính sách trên đã tạo chuyển biến tích cực trong BVMT và ứng phó với BĐKH. Tuy nhiên, theo Kết luận của Bộ Chính trị về việc triển khai Nghị quyết 24, quá trình thực hiện còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém như: bộ máy quản lý nhà nước còn bất cập; hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ; công tác quản lý, phương pháp tiếp cận, ứng dụng khoa học - công nghệ còn chậm và chưa được đổi mới; thu hút đầu tư thiếu chọn lọc, không cân nhắc và xem xét các yếu tố, tiêu chí về BVMT; nhiều kế hoạch, quy hoạch chưa lồng ghép vấn đề ứng phó với BĐKH và BVMT; công tác thanh tra, kiểm tra chưa đáp ứng yêu cầu...
Bên cạnh đó, Báo cáo Đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2019 cũng chỉ ra những bất cập trong quá trình thực hiện các chiến lược, chương trình, kế hoạch quốc gia. Đó là: sự trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ giữa một số chiến lược và chương trình; việc lồng ghép các chiến lược về ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công từng giai đoạn còn mang tính định hướng, chưa đưa ra được các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; các hoạt động liên quan mới chỉ được thực hiện ở cấp quốc gia, ngành, tỉnh, thành phố, chưa triển khai rộng rãi ở cấp cơ sở…
Cần xây dựng kế hoạch và các điều kiện cần thiết về kiểm toán ứng phó với biến đổi khí hậu
SDG13 là l trong 17 mục tiêu mà Liên Hợp Quốc (UN) đưa ra nhằm hướng tới sự PTBV trên toàn thế giới. Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu PTBV, UN đã nhấn mạnh vai trò của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) và các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trong việc thúc đẩy quản trị tốt và trách nhiệm giải trình. Trên cơ sở đó, INTOSAI đã xây dựng Kế hoạch chiến lược 2017-2022, trong đó, kiểm toán các mục tiêu PTBV là nội dung trọng tâm và xuyên suốt của Kế hoạch. Cùng với đó, nhiều SAI như: Canada, Phần Lan, Estonia, Ấn Độ, Indonesia… đã thực hiện kiểm toán ứng phó với BĐKH nói riêng và các mục tiêu PTBV nói chung. Theo INTOSAI, thông qua hoạt động kiểm toán, các SAI sẽ có những đóng góp giá trị trong việc theo dõi tiến độ, giám sát thực hiện và xác định những cơ hội cải thiện đối với các mục tiêu PTBV của mỗi quốc gia.
Là thành viên của INTOSAI và Chủ tịch Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2018-2021, đồng thời thực hiện cam kết tại Tuyên bố Hà Nội với trọng tâm vào kiểm toán môi trường vì sự PTBV, KTNN không thể nằm ngoài guồng quay, nhiệm vụ chung của các tổ chức. Bên cạnh đó, với chức năng kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam rất quan tâm và dành nhiều nguồn lực cho ứng phó với BĐKH, KTNN cần phải khẳng định, phát huy mạnh mẽ vai trò không thể thiếu trong hệ thống kiểm tra, kiểm soát và giám sát của Nhà nước, góp phần nâng cao tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu ứng phó với BĐKH nói riêng và các mục tiêu PTBV nói chung.
Vì vậy, KTNN cần xây dựng kế hoạch chiến lược đối với kiểm toán hoạt động về các chủ đề liên quan đến ứng phó với BĐKH và các mục tiêu PTBV; lồng ghép nội dung kiểm toán ứng phó với BĐKH và các mục tiêu PTBV trong các cuộc kiểm toán của toàn Ngành theo hướng đánh giá tính thống nhất, kết nối của các cơ chế, chính sách và mức độ đóng góp của các hoạt động do đơn vị thực hiện vào việc hoàn thành mục tiêu ứng phó với BĐKH và các mục tiêu PTBV của quốc gia. Đồng thời, KTNN cần xây dựng các hướng dẫn và văn bản pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm toán các nội dung này; tăng cường đào tạo, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để đạt được kết quả tốt nhất.
Theo Báo Kiểm toán điện tử