KTNN trao đổi kinh nghiệm kiểm toán và các phát hiện trong kiểm toán thu, chi NSNN đối với kiểm toán NSĐP

05/03/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều ngày 04/3/2020, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán phối hợp với KTNN Khu vực I và KTNN Khu vực III tổ chức Tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm kiểm toán và các phát hiện kiểm toán trong kiểm toán thu, chi NSNN đối với kiểm toán ngân sách địa phương”, với sự tham dự của hơn 100 đại biểu của các đơn vị  trong Ngành.  

Ban điều hành Tọa đàm

Tọa đàm diễn ra dưới sự điều hành của GS.TS, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên; Ths.Vũ Khánh Toàn - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I; Ths. Lê Minh Nam - Giám đốc Trường Đào tạo và Nghiệp vụ kiểm toán.
 
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết, kiểm toán Ngân sách địa phương (NSĐP) là nội dung quan trọng trong kế hoạch kiểm toán hàng năm của cơ quan KTNN. Kết quả kiểm toán NSĐP có tác động tích cực đến việc nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước khác tại các địa phương, phục vụ tốt cho công tác quản lý, điều hành NSNN, kế hoạch phát triển KT-XH của Chính phủ, giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp. Kết quả kiểm toán NSĐP đã đóng góp phần quan trọng trong báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN, kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN, nâng cao chất lượng công tác quản lý tài chính, ngân sách, kiến nghi ̣ với các cơ quan chức năng của Nhà nước bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý tài chính, ngân sách. “Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các đối tượng sử dụng thông tin kiểm toán, công tác tổ chức kiểm toán NSĐP vẫn cần được cải tiến để hiệu quả đạt được cao hơn” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phát biểu.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh, mục đích của Tọa đàm nhằm phân tích, trao đổi và làm rõ thực trạng, những thuận lợi và những khó khăn trong quá trình tổ chức các cuộc kiểm toán NSĐP; đưa ra hệ thống giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng các cuộc Kiểm toán, giúp KTNN thực hiện tốt hơn sứ mạng của mình đối với xã hội trong việc kiểm toán công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
 
Toàn cảnh Tọa đàm
 
Tọa đàm đã nghe 06 bài tham luận của KTNN khu vực I, khu vực III, khu vực VII; Vụ Tổng hợp; Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng Kiểm toán và Vụ Pháp chế trao đổi về: Thực trạng và giải pháp trong kiểm tra, đối chiếu thuế trong cuộc kiểm toán NSĐP; Kiểm toán tổng hợp chi đầu tư phát triển trong kiểm toán NSĐP: Những vấn đề cần quan tâm và bài học kinh nghiệm; Vận dụng phương pháp tiếp cận trọng yếu và rủi ro trong việc lựa chọn danh mục kiểm toán các dự án trong kiểm toán NSĐP; Một số kết quả kiểm toán nổi bật và bài học kinh nghiệm trong công tác lập kế hoạch kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán tại cơ quan Tài chính của cuộc kiểm toán NSĐP; Thu thập bằng chứng trong kiểm toán đầu tư xây dựng cơ bản tại cuộc kiểm toán NSĐP, kết quả và những hạn chế cần khắc phục; Đảm bảo cơ sở pháp lý cho các kiến nghị kiểm toán, tránh rủi ro đối với kiểm toán thu ngân sách trong cuộc kiểm toán NSĐP; Những hạn chế, thiếu sót cần khắc phục.
 
Tọa đàm cũng đã nghe 10 ý kiến phát biểu trao về thực trạng và một số bài học rút ra trong công tác kiểm toán thu, chi NSNN đối với kiểm toán NSĐP tại các đơn vị.
 
Một số ý kiến chia sẻ về những phát hiện, kinh nghiệm thực tiễn và những khó khăn, vướng mắc của các KTNN khu vực trong quá trình tổ chức thực hiện kiểm toán NSĐP, tập trung vào một số lĩnh vực như: Công tác lập kế hoạch kiểm toán tại cơ quan tài chính; Công tác đối chiếu thuế; Công tác thu thập bằng chứng kiểm toán; Vận dụng phương pháp tiếp cận trọng yếu và rủi ro; Công tác kiểm toán tổng hợp cũng như kiểm toán chi tiết tại các cuộc kiểm toán NSĐP…
 
Đại biểu tham dự Tọa đàm phát biểu
 
Các bài tham luận của các đơn vị tham mưu tập trung chia sẻ về những vấn đề chưa thống nhất và nhất quán trong tham mưu, xử lý của các KTNN khu vực và các đơn vị đối với kiểm toán NSĐP như: Vấn đề kiểm soát nội bộ; Áp dụng một số hồ sơ mẫu biểu; Áp dụng phương pháp tiếp cận trọng yếu và rủi ro trong xây dựng Kế hoạch kiểm toán; Kiến nghị xử lý tài chính…
 
Nội dung nổi bật được trao đổi, chia sẻ tại Tọa đàm là các đề xuất, giải nhằm tháo gỡ những bất cập, góp phần nâng cao chất lượng công tác tổ chức kiểm toán NSĐP của KTNN. Các giải pháp nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu và có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán NSĐP, đó là:
 
Tích cực đổi mới và nâng cao chất công tác lập kế hoạch kiểm toán năm và xác định danh mục đầu mối kiểm toán năm.Trong đó cần chú trọng đổi mới từ khâu đầu tư thời gian khảo sát thu thập thông tin, phân tích các thông tin để lập kế hoạch, xác định đàu mối kiểm toán cụ thể sớm, thiết lập cơ sở dữ liệu của các đầu mối và đơn vị kiểm toán, phục vụ công tác lập kế hoạch. Kế hoạch năm cũng phải được xây dựng trên cơ sở kế hoạch trung hạn.
 
Đổi mới và vận dụng sáng tạo các phương pháp kiểm toán để thu thập bằng chứng kiểm toán trong quá trình thực hiện kiểm toán; kết hợp hài hòa, tăng cường kiểm toán tổng hợp và kết hợp linh hoạt giữa kiểm toán tổng hợp và kiểm toán chi tiết.
 
Cập nhật và nắm vững các văn bản pháp luật liên quan đến công tác kiểm toán  thu, chi NSNN đối với kiểm toán NSĐP thông qua việc đào tạo, tự nghiên cứu cập nhật, nhằm đảm bảo pháp lý của các bằng chứng kiểm toán.
 
Sửa đổi quy trình kiểm toán phù hợp với Luật KTNN sửa đổi và phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu. Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị tham gia kiểm toán NSĐP trên các nội dung cơ bản như: Xây dựng đề cương kiểm toán, tổ chức thực hiện kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán...
 
Tổng kết về Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân tiên đánh giá cao sự tham dự và các ý kiến phát biểu, chia sẻ tại Tọa đàm và thông qua các bài tham luận. “Các ý kiến đã đề cập tương đối toàn diện từ giác độ lý luận, thực tiễn của vấn đề, góp phần quan trọng trong việc tìm kiếm giải pháp để nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán NSĐP của KTNN” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu, để giải quyết các vướng mắc, chưa thống nhất, nhất quán trong toàn Ngành liên quan đến công tác kiểm toán thu, chi NSNN đối với kiểm toán NSĐP, Vụ Tổng hợp chủ trì phối hợp với Vụ Chế độ, Vụ pháp chế tổng hợp các vấn đề vướng mắc, các tình  huống chưa thống nhất trong xử lý và tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước trong vấn đề hướng dẫn xử lý; Tham mưu ban hành các hướng dẫn và các quy trình, quy định phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNNcó hiệu lực từ 01/7/2020; khẩn trương tổ chức tập huấn Luật KTNN trong toàn Ngành. Các đơn vị không ngừng đào tạo, phát triển trình độ chuyên môn của KTVNN đáp ứng yêu cầu chuyên sâu trong lĩnh vực được kiểm toán.

Phó Tổng Kiểm toán cũng yêu cầu Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán tổng hợp nội dung các bài tham luận và ý kiến phát biểu của các đại biểu tại Tọa đàm, báo cáo lãnh đạo KTNN và gửi các đơn vị trong toàn Ngành để chia sẻ kinh nghiệm, từ đó góp phần nâng cao chất lượng tổ chức kiểm toán NSĐP./.
 
Ngọc Bích

Xem thêm »