(sav.gov.vn) – Tiếp tục Chuơng trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, chiều 8/6/2020, Quốc hội thảo luận tại tổ về báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước (NSNN); Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
ĐBQH tại Tổ 07 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, Thái Bình, Ninh Thuận và Quảng Trị
Thảo luận Tổ tại tổ về báo cáo kinh tế - xã hội và NSNS, đa số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí với kế hoạch phát KT-XH năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020; cho rằng, năm 2019 việc hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 7,02% (số đã báo cáo khoảng 6,8%) là sự nỗ lực, cố gắng từ chỉ đạo đến điều hành, thực hiện của Chính phủ. Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ có thêm dự báo tình hình, các biện pháp ứng phó nhằm thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH; đồng thời cân nhắc và đánh giá kỹ tác động của đại dịch Covid-19 để có sự điều chỉnh hợp lý, trong đó, cần đặt mục tiêu phấn đấu đến mức cao nhất có thể.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, để phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch, việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô phải đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, phải giúp doanh nghiệp giữ được chân người lao động và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Thêm vào đó, cần phát huy thị trường nội địa, thúc đẩy cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Về dài hạn, cần tiếp tục tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước, tăng đầu tư cho doanh nghiệp trọng điểm và tập trung phát triển kinh tế tư nhân.
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng cần có chính sách phát triển mạnh mẽ nguồn nguyên liệu trong nước; đẩy mạnh thúc đẩy sự hình thành, phát triển của công nghiệp chế biến; chuyển nhanh từ kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, kinh tế số...
Đại biểu Hoàng Bình Quân (Tuyên Quang) bày tỏ lo lắng khi các nhiệm vụ giải pháp để phát triển KT- XH trong thời gian tới lại chưa chú trọng ứng phó với biến đổi khí hậu nhất là xa mạc hóa ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, cũng như xâm ngập mặn Đồng bằng sông Cửu Long. Đại biểu cho rằng vấn đề này ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp nước nhà khi mà nông nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế, do đó, nếu không được quan tâm xử lý sẽ ảnh hưởng đến phát triển.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuân (Thái Bình) đề nghị Chính phủ làm rõ thêm một số nội dung hạn chế về sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong đầu năm 2020 bởi tác động của dịch Covid-19. Chính phủ cũng cần đánh giá sâu hơn thế mạnh, hiệu quả trong lãnh đạo chỉ đạo điều hành trong nông nghiệp, cũng với đó là các vấn đề sản phẩm có sản lượng chiếm tỉ trọng cao ở các vùng chưa nhiều, việc tăng giá đối với sản phẩm chăn nuôi hay định hướng tái đàn; xử lý môi trường trong nông nghiệp và xử lý rác thải nông thôn càng ngày càng phức tạp…
Đồng quan điểm, các đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam), Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, trong tất cả giai đoạn lịch sử KT-XH khó khăn thì nền nông nghiệp luôn thể hiện vai trò nền tảng và trụ cột, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, các đại biểu đề nghị trong thời gian tới cần có sự quan tâm và đầu tư để ngành nông nghiệp phát triển ở một tầm cao mới, đặc biệt chú trọng yếu tố về giá trị gia tăng.
ĐBQH tỉnh Quảng Trị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu
Làm rõ thêm một số nội dung về kinh tế xã hội tại phiên thảo luận tổ, ĐBQH tỉnh Quảng Trị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đại dịch Covid lần này đã làm đứt gãy chuỗi giá trị, ảnh hưởng đến du lịch, giảm nhu cầu, giảm xuất nhập khẩu. Tình hình tháng 4 xấu, tháng 5 có khởi sắc nhưng đến tháng 6/2020 tình hình còn rất khó khăn. Chính phủ đã cân nhắc mọi mặt và quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng ở mức 4,5% để báo cáo Quốc hội xem xét quyết định. “Tăng trưởng 4,5% vẫn là mức rất cao nhưng để đặt mục tiêu thấp thì ko còn động lực phấn đấu. Do đó đòi hỏi quyết tâm và sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị để thực hiện mục tiêu đề ra” – Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.
Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ xác định các giải pháp chính như tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp; giải ngân nhanh và hết vốn đầu tư công, chú trọng dự án trọng điểm quan trọng, nâng cao năng lực cạnh tranh; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tranh thủ tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA, kích cầu tiêu dùng thị trường nội địa; đồng thời tranh thủ sự dịch chuyển đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nghiên cứu và xây dựng chiến lược quyết sách về vấn đề này, đang hoàn thiện để báo cáo Chính phủ để có quyết sách thu hút đầu tư có chọn lọc trong đó xác định rõ tiêu chí để thực hiện.
Thảo luận về Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển KT- XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình Mục tiêu quốc gia), đa số các đại biểu đều tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc về Chương trình. Các ĐBQH cho rằng, việc Quốc hội ban hành Chương trình này là hoàn toàn cần thiết trong bối cảnh khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang gặp vô cùng nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển KT-XH, văn hóa, giáo dục…Tuy nhiên, tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu đều cho rằng, cần có sự tổng kết lại các chương trình đã thực hiện trước đó để tránh sự trùng lắp, chồng chéo, gây lãng phí và không đúng đối tượng được thụ hưởng.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre), Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, nhìn vào các mục tiêu chung của Chương trình Mục tiêu quốc gia thì còn sự trùng lắp với 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Lưu ý vấn đề này, đại biểu Hoàng Quang Hàm đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương cần chủ động phối hợp để tránh sự trùng lắp dẫn đến đầu tư dàn trải, không hiệu quả.
Các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La
Theo đại biểu Tráng Thị Xuân (Sơn La), hiện nay nhiều chương trình đều có sự lồng ghép và có nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, các địa phương mất rất nhiều thời gian để phân định đối tượng được thụ hưởng. Vì vậy, Chính phủ cần có báo cáo, rà soát kỹ để tránh sự hỗ trợ sai mục đích, đối tượng.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) kiến nghị, cần có sự tổng kết các chương trình trước đó đã thực hiện để từ đó biết rõ được những hạng mục, dự án nào đã đầu tư thực sự hiệu quả; những dự án nào cần tiếp tục triển khai và nên loại bỏ. Bên cạnh đó, cơ quan giám sát của Quốc hội cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai các gói hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, dự án đầu tư để tránh sự lãng phí, thất thoát nguồn vốn của Nhà nước.../.
Ngọc Bích