Chuyển đổi 3 dự án thành phần đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông sang đầu tư công: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công

10/06/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 09/6/2020, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Toàn cảnh phiên làm việc

3 dự án thành phần đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam chuyển đổi sang đầu tư công do vướng mắc về huy động vốn tín dụng

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét 3 dự án thành phần chuyển đổi sang đầu tư công do gặp khó khăn, vướng mắc về huy động vốn tín dụng, gồm: Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, trong bối cảnh hiện nay, việc huy động tín dụng cho Dự án đã phát sinh các yếu tố mới: Mục tiêu đấu thầu quốc tế để huy động vốn nước ngoài đã không thực hiện được; Pháp luật về PPP chưa hoàn thiện (chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro) nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và ngân hàng; Tác động nhiều mặt của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hạn mức cho vay dài hạn của các tổ chức tín dụng.

5 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Tổng mức đầu tư điều chỉnh là 100.816 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) khoảng 78.461 tỷ đồng (55.000 tỷ đồng đã bố trí theo Nghị quyết số 52/2017/QH14; cần bổ sung 23.461 tỷ đồng); vốn huy động ngoài ngân sách 22.355 tỷ đồng.
 
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Về sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là tuyến huyết mạch, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, việc hoàn thành và sớm đưa vào khai thác sẽ tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế. Việc chuyển đổi hình thức đầu tư sang đầu tư công sẽ giải quyết triệt để khó khăn về huy động vốn tín dụng, bảo đảm tiến độ hoàn thành theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội. Đồng thời giải quyết được “mục tiêu kép” là đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ mặt cầu cho tăng trưởng GDP và đem lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội, tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương và vùng kinh tế. “Nếu được chuyển đổi sang đầu tư công sẽ là điều kiện rất thuận lợi để khởi công ngay trong tháng 9/2020 do đã giải phóng được khoảng 73% mặt bằng. Trong khi nếu tiếp tục triển khai theo PPP, nếu lựa chọn được nhà đầu tư, đàm phán ký kết hợp đồng, huy động vốn tín dụng thì sớm nhất giữa năm 2021 mới bắt đầu triển khai thi công, không thể hoàn thành theo tiến độ Quốc hội yêu cầu. Về giải ngân, nếu chuyển đổi sang đầu tư công, có thể khởi công và đẩy nhanh giải ngân ngay từ tháng 9/2020’ – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phân tích, bên cạnh những tác động tích cực, việc chuyển đổi hình thức đầu tư cũng có những hạn chế nhất định như sử dụng nhiều hơn vốn đầu tư công; Ảnh hưởng đến doanh thu các dự án PPP trên Quốc lộ 1 và các tuyến song hành và tác động đến việc huy động nguồn lực xã hội. “Để khắc phục, Chính phủ thực hiện một số giải pháp như xây dựng phương án để thu hồi vốn Nhà nước; điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm một cách hợp lý, tạo nguồn vốn ưu tiên đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia; hoàn thiện cơ chế chính sách để tiếp tục thu hút nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng” – Bộ trưởng nói.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư từ hình thức thức PPP sang đầu tư công sử dụng 100% vốn đầu tư công đối với 03 dự án đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Đồng thời điều chỉnh tổng mức đầu tư và nguồn vốn. Đề nghị Quốc hội giao Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện toàn bộ các dự án thành phần bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật. Bảo đảm tiến độ hoàn thành các dự án thành phần đầu tư công sử dụng 100% vốn đầu tư công trong năm 2022, riêng dự án cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành trong năm 2023; hoàn thành các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP trong năm 2023. Điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020 đảm bảo bố trí đủ nhu cầu vốn để triển khai toàn bộ các dự án thành phần của Dự án; chịu trách nhiệm bố trí vốn của Kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch vốn hằng năm cho đến khi Dự án hoàn thành. Xây dựng phương án thu phí để thu hồi vốn Nhà nước tại các dự án thành phần đầu tư công sử dụng 100% vốn đầu tư công, quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với những nội dung vượt thẩm quyền.
 
Chuyển đổi sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng, đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội

Trình bày báo cáo thẩm tra việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở Tờ trình số 211/TTr-CP ngày 14/5/2020, Tờ trình số 256/TTr-CP ngày 25/5/2020 và Tờ trình số 282/TTr-CP ngày 05/6/2020 của Chính phủ và tài liệu kèm theo, Báo cáo của Hội đồng thẩm định nhà nước số 3052/BC-HĐTĐNN ngày 11/5/2020, Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 45, các thành viên Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế có ý kiến:
 
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án

Về thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, theo Tờ trình số 282/TTr-CP, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (Nghị quyết 52). Căn cứ Điều 34 Luật Đầu tư công, cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án thì có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đó. Vì vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án là đúng quy định.

Về hồ sơ trình Quốc hội: Hồ sơ Dự án cơ bản đáp ứng danh mục tài liệu theo quy định tại Điều 20 Luật Đầu tư công về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định. Đề nghị Chính phủ bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.

Về sự cần thiết và nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, theo Tờ trình số 282/TTr CP, Chính phủ kiến nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án và đề xuất chuyển đổi 03 dự án thành phần tại Nghị quyết 52 sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công và bổ sung thêm vốn Nhà nước vì các lý do sau: Theo kết quả sơ tuyển, 7/8 dự án thành phần có từ 02 nhà đầu tư trở lên đã qua vòng sơ tuyển; 01 dự án thành phần (Vĩnh Hảo - Phan Thiết) không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng các nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển chủ yếu là các nhà thầu có năng lực thi công tốt nhưng không có thế mạnh về tài chính. Do đó, mặc dù đã qua vòng sơ tuyển nhưng có thể sẽ khó lựa chọn được nhà đầu tư khi tổ chức đấu thầu do nhà đầu tư khó có thể huy động được nguồn vốn tín dụng. Trường hợp đấu thầu không thành công mới báo cáo Quốc hội xin chuyển đổi hình thức đầu tư thì có thể đến năm 2022 mới triển khai thi công.

Việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ dự án PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng, đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ và thống nhất chuyển đổi 03 dự án thành phần từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công và tiếp tục thực hiện đầu tư theo phương thức PPP đối với 05 dự án thành phần còn lại để nhất quán trong thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, bảo đảm tính hiệu quả, thành công cho Dự án, đồng thời tạo điều kiện tối đa cơ hội đầu tư, kinh doanh cho khu vực tư nhân, dành ngân sách Nhà nước bố trí cho các nhu cầu thiết yếu, cấp bách khác. Việc lựa chọn các dự án thành phần nêu trên cũng phù hợp khi dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết đến nay không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, do đó, cần thiết phải chuyển đổi. Đối với việc lựa chọn dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây, mặc dù đã có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, tuy nhiên do 02 dự án thành phần này có tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia ít, cần huy động số vốn lớn, nhất là vốn tín dụng, vì vậy việc lựa chọn được nhà đầu tư có thể gặp khó khăn. Việc chuyển đổi 02 dự án thành phần này sang hình thức đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ bảo đảm khả năng thành công cho các dự án thành phần này; đây cũng là 02 dự án kết nối các trung tâm kinh tế lớn của đất nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, giải quyết được tình trạng quá tải trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn Dầu Giây - Phan Thiết (Quốc lộ 1 có 2 làn xe).

Bên cạnh đó, một số ý kiến khác đề nghị chỉ nên chuyển đổi dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết là dự án không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, đối với các dự án còn lại cần tiếp tục thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng Nghị quyết 52. Tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật PPP nhằm tạo cơ chế huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhưng nay lại đề xuất chuyển đổi một số dự án PPP là mâu thuẫn với mục tiêu xây dựng dự án Luật PPP, nhất là việc đề xuất nội dung này tại cùng Kỳ họp xem xét thông qua dự án Luật PPP. Mặt khác, việc lựa chọn dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây để chuyển đổi là chưa hợp lý vì 02 dự án này có tiềm năng, khả thi nhất để thực hiện theo hình thức PPP  và đến nay đã được một số nhà đầu tư có tiềm lực quan tâm. Có ý kiến lo ngại về việc điều chỉnh phương thức đầu tư đối với 02 dự án thành phần này sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện được chủ trương huy động các nguồn lực của xã hội để tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới.

Về kiến nghị của Chính phủ, đối với kiến nghị giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án thành phần trong trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc sau 6 tháng nhà đầu tư không huy động được nguồn vốn tín dụng để triển khai dự án. Ủy ban Kinh tế cho rằng Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là dự án quan trọng quốc gia, vì vậy khi điều chỉnh nội dung của Nghị quyết này cần trình Quốc hội xem xét, quyết định, hơn nữa việc thay đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công còn phải cân đối bổ sung vốn đầu tư công thuộc thẩm quyền của Quốc hội; đây cũng là quy định tại Điều 34 Luật Đầu tư công. Do đó, kiến nghị nêu trên là chưa phù hợp.

Đối với kiến nghị cho phép cấp quyết định đầu tư dự án trước đây (Bộ Giao thông vận tải) tiếp tục thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư để thực hiện điều chỉnh dự án và các trách nhiệm khác của người quyết định đầu tư. Ủy ban Kinh tế nhận thấy, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết 52 và trong quá trình triển khai thời gian qua thì 11 dự án thành phần của Dự án được thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư là dự án độc lập theo quy định của Luật Đầu tư công. Trong trường hợp cả 03 dự án thành phần được chuyển sang hình thức đầu tư công sẽ thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia thì phải thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công. Theo đó, thẩm quyền quyết định đầu tư dự án thuộc Thủ tướng Chính phủ, quy định tại Điều 40 Luật Đầu tư công.

Trên cơ sở báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế trân trọng báo cáo và đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến về những nội dung này trong quá trình thảo luận tại tổ và hội trường của Kỳ họp thứ 9.
 
Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án

Cũng trong buổi sáng ngày 9/6/2020, Quốc hội thảo luận ở Tổ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Thảo luận tại Tổ đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đồng tình với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, việc chuyển hình thức đầu tư sang dùng vốn ngân sách sẽ tạo động lực, sức sống cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo sâu sát, tránh tình trạng thông thầu, tiêu cực trong đấu thầu, để nhà thầu không đủ năng lực tham gia, đồng thời tạo cơ chế để nhà đầu tư trong nước liên kết được với nhau đầu tư. Trường hợp chỉ định thầu thì việc này chỉ thực hiện nếu phương án đó là tối ưu, mang tính hợp lý cao, song cũng cần phải kiểm tra, giám sát, tránh để tình trạng chạy chọt tham gia dự án. Đồng thời, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị, cần thúc đẩy ra đời Luật PPP để các nhà đầu tư bỏ vốn tham gia, nhất là tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, năm 2017, Quốc hội đã có Nghị quyết về 11 dự án thành phần, trong đó có 3 dự án đầu tư công, 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP. Như vậy, với phương án trình của Chính phủ thì sẽ có 6 dự án dùng vốn NSNN. Ủng hộ quan điểm chuyển thêm 3 dự án sang đầu tư công để đẩy nhanh đầu tư cơ sở hạ tầng vốn đang là điểm nghẽn lớn, nhưng đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị, ngay từ đầu phải giám sát triển khai với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, thông tin phải minh bạch hơn. Đôi lúc chỉ định thầu tốt hơn đấu thầu khi đấu thầu không được nhưng phải tăng cường giám sát.
 
Các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án. Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã cho ý kiến về: 03 dự án thành phần được chuyển sang hình thức đầu tư công cần phải thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công; về các dự án thành phần được chuyển đổi; về vốn đầu tư công bổ sung cho việc điều chỉnh; về thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư; về trình tự, thủ tục, hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư; về kiểm soát tiến độ thực hiện dự án… Đề nghị Chính phủ có các giải pháp bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng cho các nhà đầu tư đối với các dự án thành phần được phép chuyển đổi./.
 
Như Ý

Xem thêm »