(sav.gov.vn) - Chiều 10/6/2020, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội bỏ phiếu phiếu biểu quyết thông qua Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp với tỷ lệ tán thành rất cao.
Quang cảnh phiên họp
Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thêm 5 năm
Với 94,41% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Nghị quyết về kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thêm 5 năm, từ năm 2020 tới năm 2025 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) cho phù hợp với quy định của pháp luật và thể hiện rõ chính sách miễn, giảm thuế đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Thời gian qua, thực hiện chủ trương về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện tổng kết, đánh giá tổng thể chính sách thu liên quan đến đất đai, trong đó có thuế SDĐNN. Đồng thời, lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản, trong đó đã đề xuất đưa đất nông nghiệp vào đối tượng không chịu thuế tài sản để tiếp tục thực hiện kết quả đạt được của chính sách miễn thuế SDĐNN hiện hành. Tuy nhiên, trong quá trình gửi xin ý kiến về dự án Luật Thuế tài sản còn có nhiều ý kiến rất khác nhau. Do đó, các cơ quan của Chính phủ đang tiếp tục đánh giá tổng thể chính sách thuế đối với tài sản nói chung và đối với đất đai nói riêng, trong đó có chính sách thuế SDĐNN, trên cơ sở đó sẽ trình Quốc hội hoàn thiện chính sách thuế đối với đất đai, tài sản cho phù hợp trong thời gian tới. "Trước mắt để đảm bảo thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, nông dân và giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid 19 và thiên tai, biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay, UBTVQH đề xuất Quốc hội cho phép ban hành Nghị quyết để kéo dài việc thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong giai đoạn vừa qua đến hết năm 2025" - ông Nguyễn Đức Hải nói.
UBTVQH cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về trường hợp Quốc hội ban hành Nghị quyết kéo dài thời gian áp dụng văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, việc ban hành Nghị quyết kéo dài sẽ giảm rất nhiều thủ tục hành chính trong việc hướng dẫn thực hiện Nghị quyết so với phương án ban hành một Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 với nội dung tương đồng với chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp hiện hành.
Trước ý kiến đề nghị rà soát đối tượng miễn thuế SDĐNN: Nghiên cứu các đối tượng còn lại thuộc diện Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác trực tiếp sản xuất, sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, diện tích đất được nhà nước giao cho đơn vị vũ trang quản lý, sử dụng giảm 100% thay vì chỉ 50% như hiện nay, UBTVQH cho hay, đối tượng miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, theo quy định hiện hành sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả đất giao cho đơn vị lực lượng vũ trang đều được miễn thuế SDĐNN đối với toàn bộ diện tích đất được giao.
Trước thực tế quá trình SDĐNN cho thấy, có tình trạng đất nông nghiệp được giao cho hộ nông dân nhưng không đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, gây nên tình trạng hoang hóa, lãng phí đất, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, việc không đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa có nhiều nguyên nhân chủ yếu khác, như thiên tai (hạn hán, thiếu nước), dịch bệnh, sản phẩm không có đầu ra, hiệu quả sản xuất nông nghiệp không cao, thiếu hụt nguồn lao động và một phần cũng do chính sách về đất đai chưa thật hoàn thiện. Cùng với việc thực hiện chính sách miễn hoặc giảm thuế SDĐNN trong thời gian qua có thể cũng là một nguyên nhân nhưng xét về tổng thể không phải là nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc hoang hóa ruộng đất.
Theo ông Trần Đức Hải, việc kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN đến hết 2025 là nhằm tiếp tục phát huy kết quả đạt được của chính sách miễn thuế SDĐNN, đảm bảo phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đồng thời, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người nông dân, đặc biệt trong việc ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay. Trong dài hạn, để triển khai thực hiện tốt Kết luận số 36-KL/TW ngày 6/9/2018 của Bộ Chính trị, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đánh giá kỹ để báo cáo Quốc hội khi nghiên cứu đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai nói chung và chính sách thuế liên quan đến đất đai nói riêng tại thời điểm thích hợp.
Theo cơ quan thường trực Quốc hội, quản lý đất đai được quy định trong Luật Đất đai 2013, theo đó xác định một số loại đất nông nghiệp không được sử dụng trong thời gian nhất định là những hành vi vi phạm pháp luật và phải thu hồi đất.
Do đó, để tránh tình trạng giữ đất để được miễn thuế nhưng không canh tác, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý đất đai. Quy định này sẽ không được nêu chi tiết trong Nghị quyết miễn giảm thuế đất nông nghiệp tới 2025.
Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp với 92,96% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành
Trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: Nhiều ý kiến tán thành việc bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao” tại Điều 12 dự thảo luật; một số ý kiến đề nghị giữ quy định Điều 12 như Luật hiện hành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Theo đó, bổ sung “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao” là tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử (tại khoản 4 và khoản 5 Điều 12 dự thảo Luật). Vấn đề này đã được cân nhắc kỹ trên cơ sở thực tiễn hoạt động tố tụng, nhằm đáp ứng yêu cầu công tác điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp. Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý các nội dung liên quan tại khoản 2 Điều 9, khoản 3 Điều 10, khoản 7 Điều 12 và khoản 6 Điều 44 của dự thảo Luật.
Về trưng cầu giám định trong trường hợp cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan, tổ chức giám định (Điều 25), UBTVQH nhận thấy, giám định tư pháp là hoạt động chuyên môn, khoa học, do đó, quá trình tiến hành giám định phải do chính cơ quan, tổ chức chuyên môn trong lĩnh vực giám định tư pháp thực hiện. Nếu giao cho cơ quan trưng cầu giám định (cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng) chủ trì, phối hợp việc thực hiện giám định tư pháp sẽ không bảo đảm tính độc lập, khách quan và không phù hợp với tính chất của hoạt động này. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về giao trách nhiệm cho một trong các cơ quan, tổ chức thực hiện giám định tư pháp làm đầu mối tổ chức việc giám định như dự thảo Luật.
Về thời hạn giám định (Điều 26a), UBTVQH cho rằng, đối với trường hợp giám định theo vụ việc thì ở từng lĩnh vực giám định như: Đầu tư, tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông, khoa học và công nghệ... do quy chuẩn chuyên môn và quy trình thực hiện hoàn toàn khác nhau nên thời hạn giám định cũng không thể giống nhau. Để bảo đảm tính khả thi, Luật Giám định tư pháp chỉ quy định thời hạn tối đa, còn thời hạn ở từng lĩnh vực chuyên môn được giao cho Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý lĩnh vực quy định cụ thể. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ quy định thời hạn giám định tư pháp như dự thảo Luật.
Về Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, do còn ý kiến khác nhau, UBTVQH đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội xin ý kiến đại biểu Quốc hội theo 2 phương án: Phương án 1, bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao” là tổ chức Giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử. Phương án 2, giữ quy định Điều 12 Luật Giám định tư pháp hiện hành.
Kết quả, có 359 đại biểu Quốc hội cho ý kiến, trong đó, có 248 ý kiến tán thành Phương án 1 (chiếm 69,08% trên số đại biểu Quốc hội cho ý kiến và 51,35% tổng số đại biểu Quốc hội); có 110 ý kiến tán thành Phương án 2 (chiếm 30,64% trên số đại biểu Quốc hội cho ý kiến và 22,77% tổng số đại biểu Quốc hội).
UBTVQH đồng ý với Chính phủ bổ sung “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” là tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự. Đây là vấn đề đã được cân nhắc kỹ trên cơ sở thực tiễn hoạt động tố tụng, nhằm đáp ứng yêu cầu công tác điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội, bổ sung “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao” là tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử.
Sau khi nghe báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật này. Theo kết quả biểu quyết, 449/457 đại biểu biểu quyết tán thành, chiếm 92,96% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021./.
M. Thúy