(sav.gov.vn) – Sáng 21/6/2020, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 111 Trần Duy Hưng, Hà Nội, Hội đồng Khoa học KTNN tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở năm 2019 “Kiểm tra hiện trường và kiểm định chất lượng công trình trong kiểm toán đầu tư xây dựng - Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả” do Ths. Nguyễn Anh Tuấn và Ths. Phạm Thùy Trang đồng chủ nhiệm. Ths. Lê Minh Nam - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
Ths. Lê Minh Nam - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán phát biểu kết luận
Báo cáo kết quả nghiên cứu trước Hội đồng, Ban chủ nhiệm đề tài cho biết: Chất lượng công trình là một yêu cầu hết sức quan trọng, được đặt lên hàng đầu trong công tác đầu tư xây dựng công trình, được các bộ, ngành và toàn thể xã hội quan tâm. Việc kiểm tra hiện trường và kiểm định chất lượng công trình là những phương pháp kiểm toán có hiệu quả để đánh giá tính tuân thủ và trách nhiệm của Chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công, đồng thời nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý chất lượng thi công công trình, công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Qua công tác kiểm tra hiện trường, kiểm định chất lượng công trình sẽ giảm thiểu được rủi ro cho Đoàn kiểm toán, tránh trường hợp qua kiểm toán đánh giá chất lượng phù hợp nhưng các đơn vị thanh kiểm tra khác hoặc báo chí, dư luận phản ánh có hạng mục công trình chưa phù hợp với thiết kế, chất lượng công trình còn chưa đảm bảo.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác kiểm tra, nhận định về chất lượng công trình trong kiểm toán dự án đầu tư, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp các báo cáo kiểm toán để tìm hiểu những tồn tại, hạn chế trong thực tế triển khai công tác kiểm toán chất lượng, từ đó đề xuất một số giải pháp khắc phục thông qua đề tài “Kiểm tra hiện trường và kiểm định chất lượng công trình trong kiểm toán đầu tư xây dựng – thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả”.
Đề tài được nghiên cứu với mục tiêu: Hệ thống hóa những quy định, tiêu chuẩn về thi công, nghiệm thu công trình; những quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Phân tích, đánh giá thực trạng công tác kế hoạch và tổ chức kiểm tra hiện trường, kiểm định chất lượng công trình trong các cuộc kiểm toán dự án đầu tư xây dựng công trình; Đề xuất những giải pháp, cách thức để nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra hiện trường, kiểm định chất lượng công trình.
Đối tượng nghiên cứu gồm: Các quy định, tiêu chuẩn về thi công, nghiệm thu công trình; các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Các quy định của Kiểm toán nhà nước về kiểm tra hiện trường và kiểm định chất lượng trong Kiểm toán dự án đầu tư; Các báo cáo kiểm toán dự án đầu tư có kết quả kiểm tra hiện trường, kiểm định chất lượng công trình; Các sai sót, hư hỏng thường gặp trong thi công và quản lý chất lượng của từng loại công trình xây dựng. Đề tài sử dụng phương pháp thống kê, phân tích, tổng hợp.
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn của đề tài. Với kết cấu gồm 2 chương, đề tài đã: Hệ thống hóa một số vấn đề lý luận về thực trạng công tác kiểm tra hiện trường, kiểm định chất lượng công trình trong kiểm toán đầu tư xây dựng công trình; Đề xuất giải pháp cải tiến công tác kiểm tra hiện trường, kiểm định chất lượng công trình. Các luận điểm và kết luận mà nhóm tác giả trình bày trong đề tài nghiên cứu có căn cứ và phù hợp với thực tiễn.
Tuy nhiên để đề tài có giá trị cao hơn, Hội đồng khoa học đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, bổ sung thêm phần mở đầu và những thông tin về mục tiêu, nội dung, phương pháp, phạm vi nghiên cứu để giúp người sử dụng định hướng rõ hơn về sản phẩm nghiên cứu; Ban chủ nhiệm nên bổ sung thêm những vấn đề có tính lý luận về đối tượng nghiên cứu, theo đó nêu bật được cơ sở để chỉ rõ khoảng trống nghiên cứu (tồn tại, hạn chế, thiếu sót…) khi đánh giá thực trạng thực hiện của KTNN cũng như đề ra các giải pháp.
Ngoài ra, Ban chủ nhiệm cần tách bạch rõ hai nội dung kiểm tra hiện trường và kiểm định chất lượng, phân tích cả sự cần thiết và tính ưu việt của từng đối tượng nghiên cứu để có cơ sở kiến nghị áp dụng. Về đánh giá thực trạng, cần làm rõ hơn những hạn chế, tồn tại để thấy rõ việc kiến nghị áp dụng phổ biến hai phương pháp là cần thiết. Nội dung kiến nghị nên bổ sung nội dung đánh giá, đề xuất sử dụng công nghệ thông tin và một số ứng dụng công nghệ mới (như trắc địa, định tuyến, sử dụng các thiết bị đặc chủng…) để phục vụ cho nhiệm vụ kiểm tra hiện trường và kiểm định chất lượng công trình sát thực với yêu cầu thu thập bằng chứng kiểm toán của Luật KTNN.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Lê Minh Nam cho rằng, đề tài là công trình nghiên cứu khoa học được đầu tư nghiên cứu khá toàn diện, logic và có tính thực tiễn cao. Để hoàn thiện đề tài, Ông Lê Minh Nam đề nghị Ban chủ nhiệm nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các thành viên trong Hội đồng; biên tập từ ngữ và dung lượng từng nội dung cho phù hợp.
Đề tài xếp loại Khá./.
Khánh Hòa