Nghiệm thu Đề tài khoa học cấp Bộ: “Đổi mới tổ chức kiểm toán tài chính, tài sản công của các Bộ, cơ quan Trung ương của KTNN”

10/07/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Ngày 9/7/2020, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Hội đồng khoa học KTNN đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Đổi mới tổ chức kiểm toán tài chính, tài sản công của các Bộ, cơ quan Trung ương của KTNN”, do TS. Nguyễn Hữu Phúc và Ths. Nguyễn Thị Hải Yến làm đồng chủ nhiệm. TS. Vũ Văn Họa - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Báo cáo kết quả nghiên cứu, Ban chủ nhiệm đề tài cho biết: Qua hơn 25 năm hình thành và phát triển, kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các Bộ, cơ quan Trung ương luôn được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Kiểm toán nhà nước (KTNN). Kết quả kiểm toán quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trong thời gian qua đã có nhiều đóng góp tích cực trong hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công tại các Bộ, cơ quan Trung ương, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.
Tuy nhiên, hoạt động kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trong những năm qua còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại nhất định, đặc biệt trong tổ chức công tác kiểm toán tài chính, tài sản công các Bộ, cơ quan Trung ương. Các tồn tại, hạn chế này cần phải khắc phục trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán của KTNN nói chung và công tác kiểm toán tài chính công, tài sản công của các Bộ, cơ quan Trung ương nói riêng.
 
Việc nghiên cứu đề tài: “Đổi mới tổ chức kiểm toán tài chính,  tài sản công của các Bộ, cơ quan Trung ương của Kiểm toán nhà nước” là hết sức cần thiết và có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn.

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, nội dung chính của đề tài được kết cấu gồm 3 chương: Chương I. Những vấn đề lý luận chung về tổ chức kiểm toán tài chính, tài sản công của các Bộ, cơ quan Trung ương; Chương II. Thực trạng tổ chức kiểm toán tài chính, tài sản công của các Bộ, cơ quan Trung ương; Chương III. Phương hướng và giải pháp đổi mới tổ chức kiểm toán tài chính, tài sản công của các Bộ, cơ quan Trung ương.
 
Đề tài nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất các giải pháp đổi mới tổ chức kiểm toán tài chính, tài sản công của các Bộ, cơ quan Trung ương nhằm góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động quản và thực hiện kiểm toán của KTNN.

Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong đề tài gồm: Phương pháp tiếp cận (tiếp cận phương pháp luận duy vật biện chứng; tiếp cận hệ thống, tiếp cận lịch sử trong nghiên cứu khung lý luận; đánh giá thực tiễn và đề xuất các phương hướng đổi mới tổ chức kiểm toán); phương pháp phân tích; phương pháp so sánh, phương pháp mô hình hóa…
 
Theo đánh giá của Hội đồng khoa học, kết quả nghiên cứu của đề tài đã đạt được những thành công chủ yếu sau:

Về mặt lý luận, đề tài làm rõ một số vấn đề lý luận chung về tài chính công, tài sản công của các Bộ, cơ quan Trung ương (khái niệm Bộ, cơ quan Trung ương trong tổ chức bộ máy Nhà nước, nội dung tài chính công, tài sản công của các Bộ, cơ quan Trung ương) và tổ chức kiểm toán tài chính, tài sản công của các Bộ, cơ quan Trung ương (khái niệm, nội dung và những yếu tố cơ bản tác động).

Đề tài đã phân tích, đánh giá thực trạng tổ chức kiểm toán tài chính, tài sản công của các Bộ, cơ quan Trung ương của KTNN; phân tích những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân cơ bản của những tồn tại, hạn chế trong tổ chức kiểm toán tài chính, tài sản công của các Bộ, cơ quan Trung ương.
Đề tài đã chỉ ra phương hướng và mục tiêu đổi mới tổ chức kiểm toán tài chính công, tài sản công của các Bộ, cơ quan Trung ương. Trên cơ sở đó, đề ra 4 nhóm giải pháp để đổi mới tổ chức kiểm toán và điều kiện để thực hiện các giải pháp.

Đề tài có giá trị về lý luận để phục vụ cho việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp đổi mới tổ chức kiểm toán tài chính, tài sản công của các Bộ, cơ quan Trung ương.
 

Tuy nhiên ngoài những thành công, kết quả đạt được, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài cần nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện một số vấn đề như: Nghiên cứu bổ sung thêm về kinh nghiệm quốc tế của các Cơ quan Kiểm toán Tối cao trong việc tổ chức kiểm toán nói chung và kiểm toán tại cơ quan quản lý (Bộ, cơ quan Trung ương) nói riêng, nhất là việc xác định mục tiêu, nội dung, phạm vi và phương pháp kiểm toán làm căn cứ và cơ sở đề xuất đổi mới về tổ chức kiểm toán của đề tài; Phân tích rõ và đầy đủ hơn về những yếu tố cơ bản tác động đến tổ chức kiểm toán tài chính, tài sản công của các Bộ, cơ quan Trung ương; Nghiên cứu bổ sung thêm các hạn chế từ chính các quy định, quy trình của KTNN dưới góc nhìn khoa học thì sẽ logic và hoàn thiện hơn; Bổ sung danh mục từ viết vắt và rà soát lỗi chính tả; Không sử dụng cụm từ “trọng tâm kiểm toán” cho phù hợp với hệ thống Chuẩn mực KTNN và các văn bản hướng dẫn…
 
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Vũ Văn Họa nhấn mạnh: Đổi mới tổ chức kiểm toán tài chính, tài sản công của các Bộ, cơ quan Trung ương là vấn đề lớn và cấp thiết, có tính chiến lược, đòi hỏi những nhà nghiên cứu phải có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn sâu trong lĩnh vực kiểm toán ngân sách Bộ, Ngành. Do đó, Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao thành quả của Ban chủ nhiệm đề tài trong quá trình tổ chức nghiên cứu. Tuy nhiên, để đề tài có giá trị ứng dụng cao trong thực tiễn, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của các thành viên trong Hội đồng, hoàn thiện đề tài trong vòng 01 tháng, nộp lại cho Văn phòng Hội đồng Khoa học.

Đề tài đã được Hội đồng nhất trí nghiệm thu và xếp loại Khá./.
 
Hà Linh

Xem thêm »