Tọa đàm có sự tham dự của hơn 100 đại biểu đại diện lãnh đạo, Kiểm toán viên của các đơn vị thành viên của KTNN.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên khẳng định, bảo vệ môi trường hiện nay không chỉ là vấn đề riêng của một quốc gia mà là vấn đề cấp bách của toàn cầu và là yếu tố sống còn của nhân loại. Đối với Việt Nam, trong những năm qua, môi trường đã và đang là vấn đề được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặc biệt quan tâm. Với quan điểm nhất quán “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, nhiều chính sách, quy định đã được ban hành nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường, hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững. Điều đó thể hiện ở rất nhiều văn bản như cương lĩnh chính trị, Nghị quyết đại hội đảng các cấp… trong đó nhấn mạnh quan điểm phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội đất nước.
Tuy nhiên, là một quốc gia đang phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế nằm trong top đầu khu vực châu Á, môi trường tại Việt Nam không thể tránh khỏi những sức ép từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, gia tăng dân số với lượng chất thải vượt quá khả năng xử lý của cơ sở hạ tầng cũng như sức chịu tải của môi trường. “Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức về môi trường như ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn; ô nhiễm đất, nguồn nước tại các khu vực sản xuất công nghiệp; vấn đề biến đổi khí hậu và sự suy thoái về tài nguyên, đa dạng sinh học” – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
Một loạt các sự cố môi trường vừa qua như Dự án thép Fomosa, Dự án phân bón DAP Lào Cai…đã mang lại những tổn hại hết sức to lớn về môi trường và kinh tế, cho thấy những vấn đề nghiêm trọng, bức xúc và những lỗ hổng trong công tác quản lý môi trường. Đây là những bài toán hết sức nan giải trong công cuộc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững tại Việt Nam.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, tại nhiều quốc gia trên thế giới, kiểm toán môi trường do Cơ quan Kiểm toán Tối cao thực hiện từ lâu đã trở thành một công cụ hữu hiệu để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường. Trên khía cạnh từ công tác quản lý môi trường, việc xây dựng, triển khai các dự án, công trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường được thực hiện. Trong những năm qua, KTNN Việt Nam rất quan tâm thực hiện kiểm toán môi trường. Đặc biệt, năm 2018, KTNN tổ chức thành công Đại hội các cơ quan kiểm toán tối cao Châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” , với việc thông qua Tuyên bố Hà Nội - một trong những tuyên bố đầu tiên, bài bản nhất trong các đại hội của ASOSAI về vấn đề kiểm toán môi trường.
Toàn cảnh Tọa đàm
Tuy nhiên, công tác kiểm toán trong lĩnh vực môi trường những năm qua thực tế vẫn thiên về việc đánh giá tính hiệu lực, tuân thủ các cơ chế, chính sách pháp luật hiện hành trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường; chưa đưa ra được những cảnh báo về ô nhiễm môi trường và đánh giá tác động tiêu cực của vấn đề này đối với phát triển kinh tế, xã hội và đặc biệt là sức khỏe, đời sống của người dân. Các chủ đề kiểm toán mới chỉ tập trung về công tác quản lý, xử lý chất thải, chưa mở rộng sang các vấn đề đã được các cơ quan kiểm toán trên thế giới thực hiện như ô nhiễm không khí, đất, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, phát triển bền vững… “Do đó việc tổ chức Tọa đàm nhằm trao đổi kinh nghiệm và các phát hiện kiểm toán trong kiểm toán môi trường; phân tích, làm rõ thực trạng, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn trong quá trình tổ chức kiểm toán môi trường, cùng chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán về lĩnh vực này, đề ra giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán về môi trường; giúp cho đơn vị trực thuộc KTNN có cách nhìn cụ thể, rõ ràng hơn về lĩnh vực kiểm toán môi trường còn mới mẻ, hỗ trợ hiệu quả cho quá trình triển khai thực hiện kiểm toán môi trường trong thời gian tới” – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết.
Tại buổi Tọa đàm, các diễn giả đến từ KNNN chuyên ngành III, Vụ Tổng hợp; KTNN khu vực I; KTNN khu vực IV và KTNN khu vực VI trao đổi về các chủ đề: Kinh nghiệm kiểm toán và các phát hiện kiểm toán trong kiểm toán môi trường do KTNN chuyên ngành III thực hiện; Kết quả kiểm toán môi trường và bài học kinh nghiệm về công tác lập kế hoạch; Một số kết quả; phương pháp và kinh nghiệm kiểm toán trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường; Công tác kiểm toán môi trường do KTNN khu vực VI đã và đang thực hiện và các kinh nghiệm kiểm toán khác nhằm phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng kiểm toán môi trường; Kinh nghiệm kiểm toán môi trường quốc tế.
Các tham luận tập đánh giá thực trạng công tác quản lý môi trường Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế về kiểm toán môi trường và đề xuất đối với Việt Nam; nhận định những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện kiểm toán môi trường trong thời gian qua; trao đổi, chia sẻ, phát hiện kiểm toán nổi bật; đề xuất các giải pháp, mục tiêu, nội dung, phương pháp kiểm toán đối với kiểm toán môi trường một cách phù hợp nhất, nhằm tháo gỡ những bất cập, nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán môi trường.
Bế mạc Tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân tiên đánh giá cao các tham luận, các ý kiến thảo luận tại Tọa đàm. Chủ tọa buổi Tọa đàm cho rằng, các ý kiến đã đề cập tương đối toàn diện các vấn đề về kiểm toán môi trường, từ những kinh nghiệm trong việc lựa chọn chủ đề kiểm toán đến công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai và lập báo cáo kiểm toán; những thông lệ quốc tế, kinh nghiệm triển khai kiểm toán môi trường của các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới. Đặc biệt, các bài tham luận và ý kiến trao đổi, thảo luận đã chỉ rõ những kết quả, mặt làm được cũng như những khó khăn, bất cập thực tế trong quá trình triển khai thực hiện kiểm toán môi trường trong thời gian vừa qua. Qua đó, đã đề xuất được nhiều nhóm giải pháp về đào tạo, nâng cao năng lực trình độ kiểm toán viên; nghiên cứu mở rộng phạm vi, đa dạng hóa chủ đề kiểm toán; nghiên cứu, triển khai các phương pháp kiểm toán mới, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật vào hoạt động kiểm toán; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế về kiểm toán môi trường để áp dụng phù hợp thực tiễn tại Việt Nam.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, những ý kiến chia sẻ, thảo luận tại Tọa đàm sẽ được Ban tổ chức tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo KTNN và gửi các đơn vị trong toàn Ngành. Kết quả của Tọa đàm sẽ được các đơn vị, cá nhân nghiên cứu, vận dụng và là căn cứ để KTNN tiếp tục hoàn thiện phương pháp kiểm toán môi trường, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng tổ chức triển khai, thực hiện kiểm toán, góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững chung của cả nước./.
Ngọc Bích