(sav.gov.vn) - Chiều 26/8/2020, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Hội đồng khoa học KTNN đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Xây dựng và hoàn thiện mục tiêu, nội dung, tiêu chí và phương pháp kiểm toán hoạt động trong quản lý, sử dụng tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý trong kiểm toán ngân sách” do ThS. Trần Minh Khương (KTNN khu vực XIII) và ThS. Trần Văn Hòe (KTNN khu vực XII) đồng chủ nhiệm. GS.TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
Ban đề tài báo cáo trước Hội đồng nghiệm thu
Báo cáo trước Hội đồng, Ban đề tài cho biết, Hiến pháp, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật KTNN đều quy định KTNN có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công. KTNN thực hiện chức năng này thông qua 3 loại hình kiểm toán, trong đó có kiểm toán hoạt động (KTHĐ).
Theo ông Trần Minh Khương, hiện nay, các quy định về KTHĐ được Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành như: Chuẩn mực kiểm toán số 300 - Các nguyên tắc của KTHĐ; Chuẩn mực KTNN số 3000 - Hướng dẫn KTHĐ, các quy trình kiểm toán có liên quan… đều chưa thể hiện rõ các mục tiêu, nội dung, tiêu chí và phương pháp KTHĐ việc quản lý, sử dụng tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý trong kiểm toán ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, thời gian qua chưa có KTNN khu vực nào thực hiện cuộc KTHĐ việc quản lý, sử dụng tài sản công một cách đầy đủ với các mục tiêu, nội dung, tiêu chí và phương pháp kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài sản công trong cuộc kiểm toán ngân sách địa phương. Do đó, KTNN cần phải xây dựng và hoàn thiện mục tiêu, nội dung, tiêu chí và phương pháp KTHĐ việc quản lý, sử dụng tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý trong kiểm toán ngân sách địa phương.
Thực hiện Quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước, Ban đề tài đã nghiên cứu và hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Xây dựng và hoàn thiện mục tiêu, nội dung, tiêu chí và phương pháp kiểm toán hoạt động trong quản lý, sử dụng tài sản do nhà nước đầu tư, quản lý trong kiểm toán ngân sách” với mục tiêu góp phần làm rõ thêm khái niệm tài sản công do Nhà nước đầu tư, quản lý; làm rõ nội hàm khái niệm KTHĐ đối với kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài sản công do Nhà nước đầu tư, quản lý. Từ đó xác định rõ về mục tiêu, nội dung kiểm toán cũng như xây dựng khung tiêu chí KTHĐ và phương pháp KTHĐ quản lý, sử dụng tài sản công do Nhà nước đầu tư, quản lý trong cuộc kiểm toán ngân sách.
Thông qua việc nghiên cứu làm rõ nội dung kiểm toán cụ thể, cũng như tiêu chí, phương pháp kiểm toán phù hợp với phạm vi quản lý, đặc điểm quản lý, sử dụng tài sản công của từng cấp ngân sách, từng ngành, từng đơn vị được kiểm toán, để các Đoàn, các Tổ kiểm toán và các Kiểm toán viên áp dụng trong quá trình kiểm toán ngân sách.
Đề tài được kết cấu gồm 03 phần: Chương 1- Những vấn đề cơ bản về KTHĐ việc quản lý, sử dụng tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý trong kiểm toán ngân sách địa phương; Chương 2 - Thực trạng KTHĐ việc quản lý, sử dụng tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý trong kiểm toán ngân sách địa phương; Chương 3 - Xây dựng và hoàn thiện mục tiêu, nội dung, tiêu chí và phương pháp KTHĐ việc quản lý, sử dụng tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý trong kiểm toán ngân sách địa phương.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá kết quả nghiên cứu của đề tài có giá trị về mặt khoa học, mang tính thực tiễn phù hợp với hoạt động kiểm toán ngân sách. Đề tài đã khái quát được những vấn đề cơ bản về KTHĐ việc quản lý, sử dụng tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý trong kiểm toán ngân sách địa phương; Thực trạng công tác KTHĐ việc quản lý, sử dụng tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý trong kiểm toán ngân sách địa phương; Xây dựng hoàn thiện mục tiêu, nội dung, tiêu chí và phương pháp KTHĐ việc quản lý, sử dụng tài sản đồng thời đưa ra được những đề xuất kiến nghị với Chính phủ và với Tổng Kiểm toán nhà nước.
Các thành viên Hội đồng cho rằng, với việc nghiên cứu lý luận, hoạt động thực tiễn của KTNN, Ban đề tài đã giải quyết được vấn đề đặt ra, cũng như đưa ra được hướng dẫn về mục tiêu, nội dung, phương pháp kiểm toán, tiêu chí kiểm toán khi thực hiện KTHĐ việc quản lý sử dụng tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Để hoàn thiện đề tài, Hội đồng nghiệm thu cũng đề nghị với Ban đề tài nghiên cứu, xác định rõ đối tượng nghiên cứu của Đề tài là mục tiêu, nội dung, tiêu chí, phương pháp KTHĐ việc quản lý, sử dụng tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý trong ngân sách địa phương. Phạm vi nghiên cứu của Đề tài cần xác định rõ thời gian khảo sát thực trạng công tác KTHĐ để thấy rõ hơn về sự cần thiết phải đưa ra các giải pháp của Chương 3-Xây dựng và hoàn thiện mục tiêu, nội dung, tiêu chí và phương pháp KTHĐ việc quản lý, sử dụng tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý trong kiểm toán ngân sách địa phương. Ban đề tài cần làm rõ thêm cơ sở lý luận về tiêu chí, phương pháp tiếp cận và tổ chức hoạt động KTHĐ; bổ sung thêm thực trạng việc xác định mục tiêu, nội dung, tiêu chí và phương pháp KTHĐ trên cả khía cạnh kế hoạch kiểm toán tổng quát cũng như kế hoạch chi tiết liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công trong kiểm toán ngân sách địa phương.
Bên cạnh đó, Ban đề tài cũng cần xác định các phương hướng cơ bản làm cơ sở xây dựng và hoàn thiện mục tiêu, nội dung, tiêu chí KTHĐ; xem xét, bổ sung việc xác định giá trị chuyển đổi tài sản công, hình thức chuyển đổi tài sản công; xây dựng tiêu chí kiểm toán gắn với đánh giá về tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả theo cách phân nhóm tài sản hoặc hoạt động quản lý, sử dụng tài sản thay vì đề xuất tiêu chí về nguyên tắc, yêu cầu…
Phát biểu kết luận, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài tiếp thu tối đa các ý kiến của Hội đồng nghiệm thu, hoàn thiện đề tài trong thời gian 01 tháng kể từ ngày nghiệm thu.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu thống nhất xếp loại Khá./.
M. Thúy