(sav.gov.vn) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế vĩ mô tháng 10 và 10 tháng năm 2020 được phục hồi và có nhiều khởi sắc, mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn hoàn hành, mưa lũ đã ảnh hưởng và thiệt hại đến phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt đối các địa phương miền Trung.
Đẩy nhanh vốn đầu tư công phát triển kinh tế
Theo đó, sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 3,6% so với tháng 9/2020 và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2019, cao hơn các tháng gần đây. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 10 có mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020, chỉ tăng 0,09% so với tháng 9/2020. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10 tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2019, nhập khẩu tăng 10,1%. Tính chung 10 tháng năm 2020, xuất siêu ước đạt mức kỷ lục 18,72 tỷ USD.
Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm các loại lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế; nhiều tổ chức tín dụng đã hạ lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay; thị trường chứng khoán có dấu hiệu phục hồi;
Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước 10 tháng năm 2020 đạt trên 321,5 nghìn tỷ đồng, đạt 68,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, vượt cùng kỳ năm 2019 (đạt 54,69%). Giải ngân vốn đầu tư công từ NSNN 10 tháng năm 2020 cao hơn 13,61% cùng kỳ năm 2019 (cao hơn 107,6 nghìn tỷ đồng).
Mặc dù nền kinh tế đã có sự phục hồi, nhưng không đồng đều, có sự khác biệt lớn giữa các ngành, lĩnh vực. Tình hình đăng ký doanh nghiệp vẫn cho thấy sự ảnh hưởng trực diện và lâu dài của dịch Covid-19. Tính chung 10 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 2,9% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư đăng ký của nhà đầu tư nước ngoài 10 tháng vẫn ở mức thấp, giảm 19,4% so cùng kỳ năm 2019…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, trong 2 tháng cuối năm 2020, Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và dự kiến có thể kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến du lịch, thương mại, xuất khẩu. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài, thương mại và du lịch quốc tế phục hồi rất chậm, nên Việt Nam cần đặc biệt quan tâm thúc đẩy thị trường trong nước.
Từ nay đến cuối năm 2020, Việt Nam cần tập trung nguồn lực, thực hiện tốt công tác chuẩn bị, ứng phó thiên tai, khắc phục hậu quả và ổn định cuộc sống người dân; duy trì chính sách tài khóa, tiền tệ hợp lý để giữ vững đà tăng trưởng, đẩy nhanh quá trình phục hồi nền kinh tế; thực hiện các giải pháp hỗ trợ tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh.
Bên cạnh đó triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, bảo đảm người dân, doanh nghiệp tiếp cận được các chính sách tại Nghị quyết số 154/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA, vốn của các dự án trọng điểm, quy mô lớn. Quyết liệt thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số; đẩy nhanh việc thực hiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam để nâng cao năng lực cạnh tranh; thúc đẩy phát triển và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; phát triển dữ liệu số gắn với trí tuệ nhân tạo.../.
Khánh Vy