Thu ngân sách Nhà nước 11 tháng năm 2020 giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2019

09/12/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Theo Chánh Văn phòng Bộ Tài chính Trần Quân, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 11 tháng năm 2020 ước đạt 1.260,9 nghìn tỷ đồng, bằng 83% dự toán, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó thu ngân sách Trung ương (TW) đạt 77,4% dự toán, thu ngân sách địa phương (NSĐP) đạt 91,1% dự toán.

Thu nội địa, thu từ dầu thô và thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đều giảm

Tổng thu cân đối NSNN tháng 11/2020 ước đạt 108,94 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt 89,2 nghìn tỷ đồng, thu từ dầu thô ước đạt 1,9 nghìn tỷ đồng, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 17,8 nghìn tỷ đồng.

Lũy kế 11 tháng năm 2020 thu nội địa ước đạt 1.067 nghìn tỷ đồng, bằng 84% dự toán, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2019; thu từ dầu thô ước đạt 31,5 nghìn tỷ đồng, bằng 89,5% dự toán, giảm 38,9% so với cùng kỳ năm 2019; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 161,5 nghìn tỷ đồng, bằng 77,6% dự toán, giảm 19,6% so với cùng kỳ năm 2019, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 281,4 nghìn tỷ đồng, bằng 83,3% dự toán, giảm 11,8%; hoàn thuế giá trị gia tang theo chế độ gần 119,9 nghìn tỷ đồng.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, mặc dù thu ngân sách hụt giảm, nhưng nhờ chủ động trong điều hành nên cân đối NSTW, NSĐP vẫn được đảm bảo. Tính đến hết tháng 11/2020, Bộ Tài chính đã phát hành được 290 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, với kỳ hạn bình quân 13,81 năm, lãi suất bình quân 2,9%/năm, giảm so với lãi suất bình quân của năm 2019 (4,51%/năm).

Được biết, trong tháng 11/2020, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã tiến hành kiểm tra 569.001 hồ sơ khai thuê tại cơ quan thuế, qua điều tra chống buôn lậu và gian lận thương mại đã bắt giữ 12.197 vụ việc. Quan thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị xử lý tài chính 61.294.532 triệu đồng, trong đó thu hồi nộp NSNN 14.843.452 triệu đồng; giảm lỗ và xử lý tài chính khác 40.958.323 triệu đồng; xử lý phạt vi phạm hành chính 5.492.757 triệu đồng; số tiền các đơn vị được thanh tra, kiểm tra đã thực hiện thu nộp NSNN 10.785.764 triệu đồng.

Trong tháng 11/2020, cơ quan Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng số 882 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 275,081 tỷ đồng; số thu NSNN đạt 6,55 tỷ đồng, khởi tố 03 vụ việc.

Trong 11 tháng qua, các doanh nghiệp Nhà nước đã thoái được 979 tỷ đồng, thu về 2.031 tỷ đồng. Lũy kế tổng thoái vốn từ năm 2016 đến tháng 11/2020 đã thaous 25.749 tỷ đồng, thu về NSNN 173.103 tỷ đồng.
 
11 tháng năm 2020 chi NSNN tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2019

Tổng chi NSNN tháng 11/2020 ước đạt 124,1 nghìn tỷ đồng, đã đáp ứng các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn. Lũy kế 11 tháng năm 2020 đã chi 1.369,6 nghìn tỷ đồng, bằng 78,4% dự toán, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó chi cho đầu tư phát triển đạt 71,4% dự toán; chi trả nợ lãi đạt 80% dự toán; chi thường xuyên đạt 87,9% dự toán.
 

Tốc độ giải ngân vốn vay ODA cho các địa phương vẫn chậm so với kế hoạch, nguyên nhân do những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng

Đến nay NSNN đã chi khoảng 17,9 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; NSTW đã sử dụng hơn 4,54 nghìn tỷ đồng dự phòng để chi khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt và dịch tả lợn Châu Phi, trong đó hỗ trợ 9 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên khắc phục hậu quả lũ lụt và 11 tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả mưa đá, dông lốc, lũ quét, sạt lở đất với tổng số tiền 1,63 tỷ đồng. Bên cạnh đó đã thưc hiện xuất gần 32,95 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm.

Về thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, trong tháng 11/2020 đã trả nợ của Chính phủ khoảng 25.400 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 21.587 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 3.813 tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng, tổng trả nợ của Chính phủ khoảng 317.633 tỷ đồng, tương đương với 86,6% kế hoạch cả năm, trong đó trả nợ trong nước khoảng 250.305 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 67.328 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Chính phủ đã ký kết 12 Hiệp định vay vốn nước ngoài trị giá gần 1.220 triệu USD. Trong tháng 11/2020, Bộ Tài chính đã thực hiện ký Hiệp định tài trợ cho dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 04 tỉnh ven biển Bắc Trung bộ với AFD trị giá 135 triệu USD; Hiệp định tài trợ cho dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hạ Long với JICA (Nhật) trị giá 107,2 triệu USD. Riêng trong tháng 11/2020 thực hiện rút vốn vay nước ngoài của Chính phủ khoảng 124,7 triệu USD, trong đó cấp phát khoảng 44,9 triệu USD, cho vay lại khoảng 79,8 triệu USD. Lũy kế 11 tháng rút vốn nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài khoảng 1.840 triệu USD, tương đương khoảng 42.598 tỷ đồng, đạt khoảng 41,8% kế hoạch, trong đó cấp phát khoảng 1.097 triệu USD, vốn vay về cho vay lại khoảng 743 triệu USD.

11 tháng năm 2020, các Bộ, ngành mới chỉ giải ngân được 6.312 tỷ đồng, đạt 34,65% vốn kế hoạch giao đầu năm 2020 và 45,51% nếu tính trên số kế hoạch năm 2020 đã được điều chỉnh sau khi cắt giảm của các Bộ, ngành (là 4.346 tỷ đồng). Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi còn thấp là do: Không có khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành nên không có hồ sơ thanh toán, không thể giải ngân; dự án đã được bố trí kế hoạch vốn nhưng đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay nên không đủ cơ sở để giải ngân; từ một số vấn đề từ phía nhà tài trợ.

Để thúc đẩy kết quả giải ngân, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, Văn phòng Chính phủ để hoàn chỉnh Nghị định sửa đổi Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ, bảo đảm Nghị định sau khi được sửa đổi sẽ quy định đơn giản hóa quy trình, thủ tục thẩm định và ký hợp đồng cho vay lại.

Đến nay tốc độ giải ngân vốn vay ODA cho các địa phương vẫn chậm so với kế hoạch, theo đó giải ngân bình quân khối địa phương mới đạt 39,5% kế hoạch vốn, chưa đạt mốc 50%. Nguyên nhân do những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu, đàm phán hợp đồng, phân công trách nhiệm chủ đầu tư thiếu rõ ràng. Điển hình là thành phố Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 11/2020, mới giải ngân 1.611,9 tỷ đồng đạt hơn 31% kế hoạch; thành phố Đà Nẵng: Tính đến hết tháng 10/2020 mới giải ngân đạt 25% trong đó vốn cấp phát là 20%./.
 
Khánh Vy
 

Xem thêm »