KTNN chuyên ngành VI  tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021

16/12/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Chiều 15/12/2020, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VI (KTNN CNVI) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Kiểm toán trưởng Nguyễn Anh Tuấn trình bày báo cáo tổng kết công tác năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2021

Trình bày báo cáo tổng kết công tác năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2021 của KTNN CNVI, Kiểm toán trưởng Nguyễn Anh Tuấn cho biết, bám sát định hướng, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước, KTNN chuyên ngành VI đã nỗ lực quyết tâm hoàn thành toàn diện Kế hoạch công tác năm 2020 với chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra.

Năm 2020, KTNN CNVI được giao nhiệm vụ thực hiện 10 cuộc kiểm toán. Đơn vị đã triển khai các giải pháp đồng bộ, đổi mới để nâng cao chất lượng trong cả ba giai đoạn chuẩn bị kiểm toán, thực hiên kiểm toán và lập, xét duyệt, phát hành báo cáo kiểm toán.

Đến nay, đơn vị đã kết thúc và xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán (BCKT) của 10/10 cuộc kiểm toán, phát hành 7/10 BCKT. Các cuộc kiểm toán đều đã thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra. Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán năm 2020, KTNN chuyên ngành VI đã kiến nghị xử lý tài chính gần 1.500 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu NSNN gần 1.000 tỷ đồng; Ngoài ra, đơn vị cũng đã có 11 kiến nghị gửi tới các cơ quan có thẩm quyền về các phát hiện quan trọng. Nhiều phát hiện kiểm toán mới về tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, trình tự thủ tục tăng giảm vốn điều lệ, giao kế hoạch sản xuất kinh doanh, đánh giá và xếp loại doanh nghiệp, đầu tư, mua sắm... của được kiểm toán được chỉ ra qua kiểm toán.
 
Về theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán và trả lời khiếu nại, kiến nghị của các đơn vị được kiểm toán, đơn vị đã xây dựng, trình Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt và tổ chức triển khai Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2020 với nhiều giải pháp, hình thức phù hợp, vừa cải cách hành chính, vừa đảm bảo tính hiệu quả, hiệu lực của việc kiểm tra. Kết quả kiểm tra cho thấy đến thời điểm báo cáo, các đơn vị đã thực hiện xử lý tài chính 4.326 tỷ đồng (đạt 94,17 %) số kiến nghị xử lý tài chính của 11 cuộc kiểm toán năm 2019 (4.594 tỷ đồng), trong đó kiến nghị nộp NSNN thực hiện được 98,44%.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Ngoài công tác kiểm toán, KTNN CNVI cũng đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ công tác khác như công tác xây dựng và phổ biến pháp luật, xây dựng và củng cố tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin... Hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và ý thức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức được nâng lên; kỷ luật, kỷ cương được giữ gìn, chấp hành nghiêm túc.

Lãnh đạo KTNN CNVI cho biết, phương hướng nhiệm vụ năm 2021 của đơn vị là triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, tạo tiền đề cho thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030), trọng tâm là:

Phấn đầu hoàn thành toàn diện có chất lượng, đúng tiến độ 09 cuộc kiểm toán thuộc Kế hoạch kiểm toán năm 2021 được Tổng Kiểm toán nhà nước giao tại Quyết định số 1689/QĐ- KTNN ngày 25/11/2020.

Xây dựng kế hoạch và tổ chức theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2020 và các năm trước.

Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả các kế hoạch công tác năm 2021 của KTNN như: Xây dựng và phổ biến pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng công chức; kiểm soát chất lượng; thanh tra; nghiên cứu khoa học; ứng dụng công nghệ thông tin; quan hệ quốc tế.

Kiện toàn tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn các phòng thuộc KTNN chuyên ngành VI sau khi được Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành quyết định phê duyệt; tiếp tục điều động, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức và tăng cường hoạt động tự đào tạo, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn trong nội bộ để nâng cao năng lực, hiệu lực thực hiện nhiệm vụ.
 
Các đại biểu tham dự Hội nghị

05 giải pháp đã được đưa ra để hoàn thành các nhiệm vụ đưa ra: Triển khai đồng bộ các giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động kiểm toán; Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu lực của các kết luận và kiến nghị kiểm toán; Hoàn thiện tổ chức các phòng trực thuộc và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng công chức, Kiểm toán viên (KTV); Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ, giám sát chặt chẽ việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử của KTV nhà nước, có hình thức xử lý nghiêm minh đối với các đối tượng vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp KTV, kiên quyết đấu tranh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, những biểu hiện sai trái, tiêu cứ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán. Phối hợp với Ban Quản lý dự án CNTT, Trung tâm Tin học để đào tạo, duy trì, triển khai triệt để các ứng dụng phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán, quản lý hồ sơ tài liệu và các phần mềm ứng dụng khác.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành biểu dương những thành tích đã đạt được trong năm 2020 của KTNN CNVI; đánh giá cao tinh thần đoàn kết, nhất trí; thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp với đội ngũ ngày càng trưởng thành với chuyên môn, nghiệp vụ, cũng như kỷ cương, kỷ luật công vụ ngày càng được nâng cao. ‘‘Kết quả xử lý tài chính của đơn vị rất cao, nhất là trong điều kiện các cuộc kiểm toán năm 2020 giảm cả quy mô và giá trị kiểm toán do tình hình dịch Covid-19. Việc đẩy mạnh thực hiện phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán, tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong năm 2020 là những điểm sáng rất đáng ghi nhận“ – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.

Để triển khai thành công nhiệm vụ năm 2021, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành yêu cầu đơn vị cần tiếp tục quán triệt việc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung Luật KTNN, cũng như các văn bản pháp luật có liên quan để nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán; Tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán; Chú trọng công tác bảo mật trong hoạt động kiểm toán; Quán triệt và bám sát chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 mới được ban hành trong triển khai nhiệm vụ./.

Ngọc Bích

Xem thêm »