Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc: Kiểm toán nguồn nước sông Mê Công vì sự phát triển bền vững

23/12/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Nhân sự kiện KTNN Việt Nam và KTNN Thái Lan, Myanmar ký kết Tuyên bố cam kết cùng thực hiện Cuộc kiểm toán hợp tác về nguồn nước lưu vực sông Mê Công tại Đông Nam Á giai đoạn 2020-2021, vào ngày 22/12/2020, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc đã trả lời phỏng vấn về nội dung này. Cổng Thông tin điện tử KTNN xin trân trọng giới thiệu.

Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc trả lời phỏng vấn

Xin Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết về những động lực  giúp ba cơ quan kiểm toán sớm thống nhất và đi đến ký kết Tuyên bố cam kết kèm theo Điều khoản tham chiếu cuộc kiểm toán này?

Trước hết, phải khẳng định rằng, nhiều thập kỷ qua, các cuộc kiểm toán hợp tác đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) với sự hỗ trợ từ Cơ quan Sáng kiến phát triển INTOSAI (IDI). Thông qua đó, các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) có thể trao đổi kinh nghiệm và các thông lệ kiểm toán tốt nhất để nâng cao năng lực hoạt động. Mô hình kiểm toán hợp tác là xu hướng đang phát triển tại các khu vực, trong đó có châu Á.
 
Nhằm thúc đẩy vai trò của các SAI trong việc thực hiện thành công Chương trình nghị sự đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững; Tuyên bố Hà Nội tại Đại hội Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 với chủ đề Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững, chú trọng 02 nội dung: Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững; kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững. Vì vậy, một trong những hoạt động quan trọng do Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường của ASOSAI phụ trách và đưa vào Kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2022 là cuộc kiểm toán hợp tác về môi trường của các SAI thành viên thuộc khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2020-2021.
 
KTNN Việt Nam với vai trò chủ tịch Chủ tịch của ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2020, nhận thức được việc biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, hạn hán... Việc gia tăng xây dựng thủy điện ở thượng nguồn và các tác động tiêu cực của môi trường ảnh hưởng tiêu cực đến dòng sông Mê Kông; tác động đến cuộc sống dân sinh của của hàng trăm triệu dân của 6 quốc gia có dòng sông Mê Kông chảy qua, đặc biệt là những quốc gia ở hạ lưu. KTNN Việt Nam đã đưa ra sáng kiến khởi xướng cuộc kiểm toán việc quản lý nước của lưu vực sông Mê Kông giữa các SAI thành viên ASOSAI thuộc khu vực Đông Nam Á, nhằm cảnh báo và kiến nghị các quốc gia phải có trách nhiệm đối với việc quản lý nước sông Mê Kông phục vụ cho việc phát triển bền vững của các quốc gia liên quan đến dòng sông Mê Kông.
 
Trên cơ sở tham vấn các Bên liên quan, các SAI đã đi đến thống nhất lựa chọn chủ đề của cuộc kiểm toán hợp tác “Kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”. Tháng 7/2020, Cuộc họp Ban điều hành ASOSAI lần thứ 55 tại Hà Nội đã chính thức thông qua dự án triển khai cuộc kiểm toán hợp tác với sự tham gia của ba Cơ quan kiểm toán Việt Nam, Myanmar và Thái Lan, có sự hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn của chuyên gia đến từ Quỹ Kiểm toán và Trách nhiệm giải trình Canada (CAAF), Ngân hàng Thế giới (WB), KTNN Indonesia, KTNN Malaysia.
 
Để thống nhất triển khai cuộc kiểm toán hợp tác trên, các Bên tham gia cùng xây dựng, ký kết Tuyên bố cam kết và Điều khoản tham chiếu. Đây là bản thỏa thuận chung để xác nhận sự hợp tác giữa KTNN Việt Nam với KTNN Myanmar, KTNN Thái Lan và mối quan hệ phối hợp giữa các Bên tham gia cuộc kiểm toán.
 
Xin Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết những nội dung chính của các Điều khoản tham chiếu?

Theo các Điều khoản tham chiếu, ba SAI Việt Nam, Thái Lan và Myamar thống nhất những nguyên tắc chung về mục tiêu, nội dung, tiêu chí, phạm vi, cơ chế phối hợp; Kế hoạch hành động thực hiện cuộc kiểm toán vì giá trị và lợi ích chung của các SAI tham gia theo luật pháp, chuẩn mực quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế.
 
Chủ đề của cuộc kiểm toán hợp tác được thống nhất lựa chọn là “Kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” trong giai đoạn 2020-2021.
 
Cuộc kiểm toán tập trung thực hiện 2 mục tiêu chính gồm: Xác định trách nhiệm của các quốc gia liên quan trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia tại lưu vực sông Mê Kông; Đánh giá việc các quốc gia liên quan thực hiện các cam kết, liên kết với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững quốc tế liên quan đến quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước ở lưu vực sông Mê Kông. Mỗi mục tiêu kiểm toán có nội dung và tiêu chí khác nhau.
 
Cuộc kiểm toán hợp tác được thực hiện theo hình thức kiểm toán song song, áp dụng loại hình kiểm toán hoạt động và kiểm toán tuân thủ. Theo đó, cuộc kiểm toán sẽ được tiến hành đồng thời bởi ba SAI. Mỗi SAI tham gia có thể áp dụng một phương pháp kiểm toán khác nhau phù hợp với nhu cầu và mối quan tâm của từng quốc gia. Việc trao đổi thông tin, kết nối chặt chẽ là yếu tố quan trọng nhất của hình thức hợp tác này.
 
Dòng sông Mê Kông chảy qua rất nhiều quốc gia. Vậy, khi thực hiện cuộc kiểm toán này, các cơ quan kiểm toán sẽ phối hợp triển khai như thế nào?

Điều khoản tham chiếu mới được ký kết cũng đưa ra một số nguyên tắc chung để phối hợp. Theo đó, các SAI tham gia có trách nhiệm phối hợp với SAI chủ trì – KTNN Việt Nam và các chuyên gia tư vấn để thực hiện hiệu quả các hoạt động trong khuôn khổ cuộc kiểm toán; chủ động thực hiện công tác kiểm toán của SAI mình. Trong trường hợp công việc thực tế phát sinh hoạt động mới yêu cầu sự phối hợp của các SAI tham gia, các SAI sẽ tổ chức cuộc họp để kịp thời chia sẻ thông tin, kinh nghiệm vào thời gian thống nhất.
 
Trong quá trình triển khai cuộc kiểm toán, các SAI tham gia hoàn thiện Đề cương kiểm toán dự kiến thực hiện tại mỗi SAI, thông qua cung cấp các thông tin chính như sau: Thông tin chung về thực trạng nguồn nước sông Mê Kông tại lãnh thổ quốc gia; chủ đề, mục tiêu, nội dung, phương pháp, phạm vi, giới hạn, địa điểm, thời gian kiểm toán.
 
Khi hoàn thành cuộc kiểm toán, mỗi SAI tham gia sẽ xây dựng báo cáo kiểm toán độc lập của quốc gia. Các SAI sẽ trao đổi báo cáo kiểm toán phù hợp với các quy định pháp luật của mỗi quốc gia. Các báo cáo kiểm toán quốc gia sẽ là cơ sở để xây dựng một báo cáo kết quả kiểm toán tổng hợp cuối cùng.
 
KTNN Việt Nam với tư cách là SAI chủ trì cuộc kiểm toán sẽ chịu trách nhiệm dẫn dắt các SAI trong cuộc kiểm toán, tạo dựng cơ chế trao đổi thông tin và hợp tác chặt chẽ với SAI Malaysia - Chủ tịch Ủy ban chia sẻ kiến thức Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán Đông Nam Á (ASEANSAI), chủ trì và điều phối cuộc kiểm toán; thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia tư vấn hỗ trợ cho cuộc kiểm toán và kết nối giữa các SAI tham gia nhằm đảm bảo hiệu quả và chất lượng của cuộc kiểm toán; giám sát việc tuân thủ tiến độ công việc trong Kế hoạch hành động. KTNN Việt Nam chủ trì tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả kiểm toán sau khi kết thúc cuộc kiểm toán nhằm đánh giá, chia sẻ kết quả của cuộc kiểm toán hợp tác và mời các SAI quan tâm chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán môi trường/kiểm toán liên quan đến phát triển bền vững.
 
Thưa Tổng Kiểm toán nhà nước, sau khi kết thúc cuộc kiểm toán này, các nước thành viên ASEANSAI có thực hiện các cuộc kiểm toán chung tương tự hay không?

Trước khi thực hiện cuộc kiểm toán này, KTNN Việt Nam đã gửi văn bản đến 6 quốc gia thuộc lưu vực dòng sông Mê Kông và đề nghị tham gia vào cuộc kiểm toán. Tại cuộc họp trực tuyến Ban điều hành ASOSAI lần thứ 55, chúng tôi đã đưa vấn đề này ra thảo luận, 11 SAI trong Ban điều hành đã thống nhất sẽ có cuộc kiểm toán này. Theo Kế hoạch, sau khi ký kết tuyên bố cam kết kèm theo Điều khoản tham chiếu, cuộc kiểm toán sẽ triển khai vào quý I và quý II/2021.
 
Sau khi hoàn thành cuộc kiểm toán này trong năm nay, chúng tôi sẽ tập hợp các kiến nghị của các báo cáo kiểm toán thành một báo cáo kiểm toán chung; tổ chức chia sẻ kinh nghiệm cũng như làm công tác truyền thông; gửi kiến nghị tới lãnh đạo của các quốc gia để có trách nhiệm quản lý, bảo vệ dòng nước sông Mê Kông vì sự phát triển bền vững, góp phần thực hiện được các mục tiêu của Chương trình nghị sự đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững. Chúng tôi hy vọng cuộc kiểm toán này sẽ khởi đầu cho các cuộc kiểm toán sâu về trách nhiệm của các quốc gia liên quan đến các vấn đề về biến đổi khí hậu, môi trường vì sự phát triển bền vững trong thời gian tới./.
 
Ngọc Bích
 
 

Xem thêm »