(sav.gov.vn) - Sáng 15/7/2021, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Hội đồng khoa học của KTNN đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Hoàn thiện hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán trưởng, nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán tại KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực” do Ths. Hà Minh Dũng (KTNN chuyên ngành Ib) và Ths. Nguyễn Thanh Huệ (Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán) đồng chủ nhiệm.

Ban Chủ nhiệm đề tài báo cáo trước Hội đồng
TS. Vũ Văn Họa – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
Theo Ban Chủ nhiệm đề tài, kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT) được Tổ chức quốc tế các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) thừa nhận như một quy định bắt buộc - là trách nhiệm được quy định rõ trong chuẩn mực kiểm toán. Các cơ quan KTNN của các quốc gia trên thế giới đều coi KSCLKT là hoạt động có tính bắt buộc đi đôi với hoạt động kiểm toán, cần phải được quan tâm nhằm đảm bảo chất lượng kiểm toán đáp ứng yêu cầu của các đơn vị sử dụng thông tin.
Với vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống các công cụ kiểm tra, kiểm soát tài chính, tài sản công, việc nâng cao địa vị pháp lý và chất lượng hoạt động của KTNN đã và đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm. Xác định được vị trí quan trọng của chất lượng kiểm toán, trong những năm qua, KTNN Việt Nam luôn coi trọng việc thiết lập, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động KSCLKT. Năm 2014, KTNN ban hành Quy chế KSCLKT lần đầu tiên. Hiện, KTNN đang áp dụng Hệ thống chuẩn mực KTNN ban hành theo Quyết định 02/2016/QĐ-KTNN ngày 15/7/2016 và các Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán đối với từng lĩnh vực được ban hành năm 2018, 2019. Hoạt động kiểm toán cũng đang dần được dịch chuyển từ loại hình kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ sang kiểm toán hoạt động. Do đó, hoạt động KSCLKT cũng cần phải được đánh giá và tiếp cận ở góc độ mới để phù hợp với phương pháp kiểm toán và loại hình kiểm toán đang áp dụng của KTNN.
Để đảm bảo chất lượng kiểm toán, KTNN cần chú trọng và nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm soát chất lượng ở tất cả các cấp, trong đó tại cấp đơn vị chủ trì kiểm toán được coi là quan trọng nhất, quyết định chất lượng kiểm toán và trách thuộc về người đứng đầu KTNN chuyên ngành và khu vực. Vì vậy, việc lựa chọn vấn đề nghiên cứu “Hoàn thiện hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán trưởng, nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán tại KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực” là thực sự cấp thiết có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.
Mục tiêu của đề tài nhằm nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn một cách toàn diện đối với việc tổ chức hoạt động KSCLKT của Kiểm toán trưởng, nhằm hoàn thiện hoạt động KSCLKT của Kiểm toán trưởng tại KTNN.
Bên cạnh đó, đề tài hệ thống hóa các vấn đề lý luận về tổ chức hoạt động KSCLKT của Kiểm toán trưởng tại KTNN; Đánh giá thực trạng một cách toàn diện việc tổ chức hoạt động KSCLKT của Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực thông qua các Báo cáo KSCLKT của Vụ Chế độ & KSCLKT và của các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán; Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động KSCLKT của Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực. Từ đó, trở thành kênh tham khảo quan trọng về cả lý luận và thực tiễn để chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện Quy chế KSCLKT của KTNN.
Đề tài được kết cấu thành 03 Chương: Chương 1-Cơ sở lý luận của hoạt động KSCLKT của Kiểm toán trưởng tại KTNN; Chương 2-Thực trạng hoạt động KSCLKT của Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực; Chương 3-Một số giải pháp nhằm hoàn thiện hoạt động KSCLKT của Kiểm toán trưởng tại KTNN.
Hội đồng nghiệm thu nhận xét về đề tài
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá: Đề tài có ý nghĩa trong thực tiễn, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 của KTNN và Chiến lược phát triển KTNN đến 2030 đã được UBTVQH phê duyệt. Đề tài sau khi hoàn thiện có giá trị vận dụng trong triển khai KSCLKT của Kiểm toán trưởng. Kết quả nghiên cứu có thể kết hợp sử dụng bồi dưỡng chuyên môn KSCLKT, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm và tham khảo khi xây dựng tài liệu đào tạo về KSCLKT.
Để hoàn thiện đề tài, các thành viên Hội đồng đã đưa ra một số ý kiến đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, tiếp thu. Theo đó, Ban đề tài có thể tham khảo một số quan điểm đánh giá về tồn tại, hạn chế tại những hội thảo, toạ đàm về KSCLKT của KTNN để ghép nối với kết quả nghiên cứu nhằm biên tập bổ sung cho phong phú, đầy đủ hơn. Đồng thời, cần rà soát để đảm bảo tính logic, đồng bộ từ lý luận, thực trạng tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, cho đến những kiến nghị, đề xuất giải pháp…
Đối với các tồn tại ở Chương 2, Hội đồng cho rằng, Ban Chủ nhiệm đề tài cần nêu và có dẫn chứng cụ thể để đưa ra giải pháp hoàn thiện khắc phục các tồn tại hạn chế. Đối với các giải pháp ở Chương 3, cần nghiên cứu và mạnh dạn đề xuất thêm những giải pháp mới thoát ly khỏi những định hướng đã có của KTNN để khắc phục các hạn chế đã nêu trong Chương 2.
Bên cạnh đó, Ban Chủ nhiệm đề tài cần rà soát, biên tập lại một số nội dung để mạch lạc, rõ ý hơn, tránh trùng lặp.
Phát biểu kết luận, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa – Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của các thành viên Hội đồng, chỉnh sửa hoàn thiện đề tài, gửi về Văn phòng khoa học theo đúng thời gian quy định.
Đề tài xếp loại Khá./.
Minh Thúy