Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Kiểm toán nhà nước xứng tầm nhiệm vụ

22/10/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của KTNN được hiến định trong Hiến pháp năm 2013, cũng như những quy định tại Luật KTNN (năm 2015) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN (năm 2019), KTNN đã và đang không ngừng hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy cho tương xứng với tầm vóc và vị thế của một thiết chế hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật.

KTNN đã và đang không ngừng hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy xứng tầm nhiệm vụ

Xây dựng tổ chức bộ máy chuyên nghiệp, hiệu quả

Trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, KTNN đề ra mục tiêu phát triển tổ chức bộ máy chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả đúng theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, đồng thời phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế. Theo đó, KTNN xác định duy trì ổn định các đơn vị KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực, thực hiện nâng cấp Ban Tài chính thành Vụ Tài chính, nâng cấp Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán thành Học viện Kiểm toán khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Song song với đó, KTNN sẽ thực hiện đổi tên, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Tin học thành Trung tâm Công nghệ thông tin và dữ liệu, cũng như nâng cao mức tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trong Ngành trên mọi lĩnh vực.

Ở giai đoạn trước, theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, tổ chức bộ máy của KTNN gồm 40 đơn vị cấp Vụ và tương đương. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế của cả hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 39-NQ/TW, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đã giảm 7 đơn vị trực thuộc (so với Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020). Nhìn vào thực trạng tổ chức bộ máy của KTNN hiện nay có thể thấy, “mặc dù không thành lập đầy đủ các đơn vị như mục tiêu của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 nhưng KTNN vẫn đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao với chất lượng và hiệu quả cao” - Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh đánh giá.

Có thể thấy, thời gian qua, hệ thống tổ chức bộ máy của KTNN đã được phát triển khá toàn diện cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng, từng bước tiến tới đồng bộ. Việc củng cố tổ chức bộ máy trong từng giai đoạn mang lại hiệu quả, đặc biệt là việc phát triển hệ thống các đơn vị KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực đã giúp Ngành thực hiện toàn diện, hiệu quả công tác kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Kết quả hoạt động được đo lường và chứng minh qua uy tín, vị thế của KTNN ngày càng được khẳng định và không ngừng nâng cao.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, nhìn chung, hệ thống tổ chức của KTNN hiện nay cùng với việc phân công, phân cấp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN cho từng đơn vị trực thuộc đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Đến nay, hệ thống tổ chức của KTNN được thực hiện theo mô hình tập trung thống nhất với chức năng, nhiệm vụ được phân công rõ ràng, khoa học. Trong 32 đơn vị cấp Vụ và tương đương của KTNN hiện nay có 7 đơn vị tham mưu; 8 đơn vị KTNN chuyên ngành; 13 đơn vị KTNN khu vực; 3 đơn vị sự nghiệp công lập; Văn phòng Đảng - Đoàn thể. Ngoài ra, KTNN còn tổ chức Ban Quản lý dự án chuyên ngành để thực hiện các nhiệm vụ trong ngắn hạn.
 
Nhận diện rõ những vấn đề cần giải quyết

Trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, lãnh đạo KTNN đã chỉ rõ những vấn đề bất cập cần giải quyết. Trong đó, vấn đề nổi lên là sau nhiều năm hoạt động, mô hình Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán đã bộc lộ một số hạn chế, cần phải nâng cấp lên thành Học viện Kiểm toán để đáp ứng được nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của KTNN và của xã hội. Do đó, KTNN cần xây dựng, trình cấp có thẩm quyền quyết định nâng cấp đơn vị này lên thành Học viện - Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh quyết định.

Một số vấn đề nữa mà KTNN cần giải quyết từ nay đến năm 2030 là xây dựng, trình cấp có thẩm quyền thành lập Vụ Tài chính trên cơ sở nâng cấp Ban Tài chính trực thuộc Văn phòng KTNN; xây dựng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Trung tâm Tin học và đổi tên thành Trung tâm Công nghệ thông tin và dữ liệu. Đồng thời củng cố, tăng cường năng lực của các đơn vị trực thuộc, nâng cao mức độ tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp. Cùng với đó là đẩy mạnh hoàn thiện tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ kiểm toán hoạt động; rà soát bộ máy để hạn chế chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán. Trước những vấn đề đặt ra này, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã nêu rõ 3 hoạt động trọng tâm của KTNN để thực hiện từ nay đến năm 2030.

Một là, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc KTNN. Theo đó, KTNN sẽ thực hiện rà soát chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các đơn vị để tăng cường, củng cố năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động, hạn chế sự chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

Hai là, sắp xếp, củng cố năng lực cho các đơn vị tham mưu. Cụ thể là rà soát, sắp xếp, củng cố năng lực cho các đơn vị tham mưu để nâng cao chất lượng công tác. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để nâng cấp Ban Tài chính hiện nay thành Vụ Tài chính.

Ba là, phát triển các đơn vị sự nghiệp công lập - cụ thể gồm Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Trung tâm Tin học, Báo Kiểm toán - theo hướng nâng cao mức độ tự chủ, đáp ứng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Phân chia mốc thời gian để thực hiện, giải quyết các vấn đề đặt ra, trong giai đoạn 2021-2024, KTNN sẽ tập trung xây dựng Kế hoạch hướng tới nâng cấp Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán thành Học viện Kiểm toán, trong đó xác định lộ trình cụ thể, phân công, phân nhiệm rõ ràng, đảm bảo đến năm 2025 cơ bản đáp ứng các tiêu chí, điều kiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở thực hiện nâng cấp, xây dựng mô hình đơn vị sự nghiệp công lập có lộ trình tự chủ phù hợp.

Đối với Trung tâm Tin học, KTNN sẽ xây dựng Trung tâm Công nghệ thông tin và dữ liệu trên cơ sở cơ cấu lại và bổ sung nhiệm vụ cho Trung tâm Tin học, hoàn thành trước năm 2025 để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ thông tin của KTNN trong quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam. Đối với Báo Kiểm toán, KTNN định hướng phát triển Báo theo hướng hiện đại, chất lượng, hiệu quả, xứng tầm là cơ quan ngôn luận của KTNN; tăng cường ứng dụng các kỹ thuật lõi trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lấy phương thức Tòa soạn hội tụ, đa phương tiện làm trung tâm để tăng tốc độ sản xuất, nâng cao chất lượng thông tin. Đồng thời, 2 đơn vị sự nghiệp công lập này của KTNN cũng được định hướng nâng dần mức độ tự chủ theo lộ trình phù hợp.

Phúc Khang
(Báo Kiểm toán số 42/2021)
 
 

Xem thêm »