(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV, chiều 22/10/2021, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Quốc hội nghe báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2020. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.
![](/noidung/tintuc/PublishingImages/2021/Thang%2010/22.10qh%20ngoc%20dung_20211023223737.jpg)
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung báo cáo trước Quốc hội
Hơn 151.000 tổ chức, cá nhân chưa tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đã trình bày báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020 trước Quốc hội.
Ông Đào Ngọc Dung cho biết, trong năm 2020, Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam và các cơ quan hữu quan đã chủ động, tích cực trong việc sửa đổi, ban hành 13 văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn để kịp thời đáp ứng công tác quản lý, điều hành, phục vụ các đối tượng thụ hưởng chế độ, tiếp cận chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội. Về cơ bản, các văn bản đã bảo đảm việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của các Luật.
Tính đến hết năm 2020, số người tham gia BHXH bắt buộc là 15.050.944 người, giảm 153.092 người (tỷ lệ 1%) so với năm 2019. Số người tham gia BHXH tự nguyện là 1.125.236 người, tăng hơn 2 lần so với năm 2019. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 13.337.492 người, giảm 1,0% so với năm 2019 và chiếm tỷ lệ khoảng 27,53% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Hiện nay, có hơn 151.000 tổ chức, cá nhân có trả thu nhập nhưng chưa tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động. Cơ quan BHXH đã rà soát hơn 196.000 doanh nghiệp và xác định được gần 388.000 lao động thuộc đối tượng tham gia nhưng chưa tham gia BHXH bắt buộc. Tính đến cuối năm 2020, tổng số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc là 12.113 tỷ đồng, tăng 2.013 tỷ đồng (tỷ lệ 19,9%) so với năm 2019, chiếm 4,4% số phải thu.
Trong năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH và ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện 8.619 cuộc thanh tra, kiểm tra chủ yếu là do ngành BHXH thực hiện (99,39%); đã phát hiện nhiều trường hợp sai phạm, chưa thực hiện đúng, đủ quy định pháp luật về BHXH, BHTN. Cụ thể, riêng thanh tra ngành BHXH Việt Nam phát hiện 11.185 người lao động thuộc đối tượng nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng 80 tỷ đồng; 24.086 người lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền 68 tỷ đồng; số tiền các đơn vị sử dụng lao động được thanh tra nợ trước khi có quyết định là 1.971 tỷ đồng và sau thanh tra đã nộp 1.443 tỷ đồng.
Theo ông Đào Ngọc Dung, lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin là lĩnh vực mà ngành BHXH Việt Nam luôn đi đầu trong những năm gần đây và tiếp tục duy trì thành quả đã đạt được. Đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công ở mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính của ngành (27/27 thủ tục hành chính). Việc ứng dụng VssID-BHXH số trên thiết bị di động đã đạt được những kết quả tích cực và hướng tới quản lý, công khai và kiểm soát tốt hơn quá trình tham gia bảo hiểm xã hội của các bên.
Về tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH, quỹ BHTN và quỹ Bảo hiểm Tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp năm 2020 đều đảm bảo đúng quy định, hiệu quả. Công tác chi trả các chế độ BHXH, BHTN được bảo đảm, kịp thời, hỗ trợ người dân, người lao động vượt qua khó khăn, nhất là trong tình hình dịch bệnh. Năm 2020, tổng số tiền chi trả các chế độ BHXH ước khoảng 240.765 tỷ đồng…
Cần có giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng không chấp hành pháp luật về BHXH
Trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh đánh giá: Việc phát triển người tham gia BHXH đạt 95,71% chỉ tiêu đề ra trong năm 2020 là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn trong bối cảnh dịch bệnh tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, số liệu thực tế cho thấy, việc phát triển lực lượng tham gia BHXH còn thấp, đặc biệt là việc phát triển BHXH bắt buộc và sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu năm 2021 mà Nghị quyết số 28/NQ-TW đề ra.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra
Kiến nghị với Chính phủ, Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách BHXH, có giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng không chấp hành hoặc chấp hành chưa đầy đủ pháp luật về BHXH, trong đó đặc biệt lưu ý việc thực hiện các kiến nghị của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ủy ban cho rằng, cần đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để kịp thời thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, khắc phục các tồn tại hạn chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để phát triển lĩnh vực an sinh xã hội.
Có giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, đặc biệt là lao động ở khu vực phi chính thức, nhóm tham gia BHXH tự nguyện; hạn chế hưởng BHXH một lần.
Bộ LĐTB&XH cần khẩn trương trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý tiền nợ BHXH, BHTN và BHYT tồn đọng kéo dài; ban hành văn bản hướng dẫn việc tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu cung cầu lao động, liên thông dữ liệu BHXH, BHTN giữa các cơ quan liên quan.
Với BHXH Việt Nam, Uỷ ban đề nghị đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH; giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHTN chính xác, kịp thời, thuận tiện nhất cho người thụ hưởng. Tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng BHXH; đẩy nhanh tiến độ thu hồi các khoản thanh toán chế độ không đúng quy định. Bảo đảm gắn hiệu quả sử dụng chi phí quản lý với kết quả phát triển đối tượng, tiếp tục thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Việc làm
Thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội và quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020, một số đại biểu băn khoăn khi tỷ lệ người lao động tham gia đóng BHXH nhưng hưởng một lần đang có chiều hướng gia tăng. Các đại biểu cho rằng cần có giải pháp khắc phục bởi nếu không sẽ tác động tiêu cực đến việc đảm bảo an sinh xã hội bền vững.
Quang cảnh phiên họp ngày 22/10/2012
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, một trong những nhu cầu quan trọng nhất hiện nay là phải khẩn trương xây dựng để trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Việc làm. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Trung ương cũng đã có Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương và Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội với rất nhiều nội dung đổi mới so với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành. "Nghị quyết 28 đã ban hành từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa sửa được luật là chậm, do đó phải khẩn trương hơn" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu sửa sớm được Luật BHXH sẽ quản lý tốt hơn số lượng người hưởng BHXH một lần. Luật hiện nay quy định 20 năm đóng bảo hiểm mới được hưởng chế độ hưu trí nhưng điều kiện rút BHXH một lần lại rất dễ. Nghị quyết 28 có nêu vấn đề rút ngắn thời hạn đóng, trong đó hướng lộ trình có thể xuống 15 năm, tiến tới 10 năm.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc rút BHXH một lần là nhu cầu chính đáng do thực tế khách quan của người lao động. Nhưng nếu người lao động tham gia đóng BHXH thấy chỉ cần đóng 10 năm hoặc 15 năm sẽ được hưởng chế độ lương hưu khi về già, còn khi rút một lần chỉ được hưởng phần đóng của người lao động là chính thì sẽ hạn chế được tình trạng hưởng BHXH một lần.
Bình quân hàng năm số người rút khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội khoảng 5%, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH. Việc rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu và thay đổi điều kiện tham sẽ góp phần giữ chân người tham gia bảo hiểm và phát triển người tham gia bảo hiểm. Đây là một trong những lý do cho thấy cần phải sửa sớm Luật Bảo hiểm xã hội.
Mặt khác, theo quy định, các quỹ ngắn hạn như Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đều phải có kết dư, bảo đảm an toàn.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, khi kết dư nhiều thì cũng cần rà soát lại mức đóng và phạm vi chi trả của các Quỹ này cho phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước và người dân; cân nhắc rà soát mức đóng mức chi tương xứng, phạm vi chi đầy đủ. Bên cạnh đó, năm 2021 chịu tác động rất nặng nề của đại dịch Covid-19 nên cũng cần rà soát, đánh giá tác động và khả năng thu chi của các Quỹ ngắn hạn trong giai đoạn 2021-2022./.
M. Thúy