Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

01/11/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 30/10/2021, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khoá XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình tại phiên họp

Tháo gỡ những ''nút thắt'' để tái cơ cấu lại nền kinh tế

Tại phiên thảo luận, đã có 24 ý kiến đại biểu phát biểu và 03 ý kiến đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu tán thành với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đồng thời nhất trí với sự cần thiết ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 nhằm: Khắc phục những hạn chế, yếu kém của giai đoạn trước; đưa các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021-2025 đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

Các đại biểu cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng. Quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được tăng lên rõ rệt, từ đó tạo tiền đề thuận lợi cho những đổi mới và đột phá trong tăng trưởng kinh tế ở giai đoạn tiếp theo.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về những nội dung cụ thể như: Quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; danh mục các chương trình, đề án trong Kế hoạch; nguồn lực và phương thức huy động, tổ chức thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để ứng phó, khôi phục kinh tế trước diễn biến tiêu cực do tác động của dịch COVID-19; về việc hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân sách Nhà nước, đầu tư công và tổ chức sự nghiệp công lập; phát triển các loại hình thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực; phát triển lực lượng doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế, khai thác hiệu quả hội nhập quốc tế; tăng cường kết nối khu vực tư nhân với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước; cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn trong thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cấp chuỗi giá trị các ngành dựa vào ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, tăng cường thích ứng với biến đối khí hậu…

Nhận định vai trò “nhạc trưởng” của Chính phủ sẽ là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn Tây Ninh) mong rằng, các ngành, địa phương sẽ không sao chép các Chỉ thị, Nghị quyết một cách rập khuôn, máy móc, không đưa vào kế hoạch, chương trình hành động những việc mà chính mình chưa biết phải làm như thế nào.

Đại biểu cũng đề nghị cách tiếp cận là tập trung xác định những nút thắt của nền kinh tế, của ngành, địa phương mình, từ đó đưa ra những biện pháp cụ thể, khả thi để khơi thông và tạo nguồn lực cho các ngành, địa phương và nền kinh tế phát triển mạnh và bền vững. “Nếu cơ cấu lại nền kinh tế mà không giải tỏa được những nút thắt thì như xây dựng đường cao tốc mà không giải tỏa được những điểm nghẽn”, đại biểu Trần Hữu Hậu nói.

Khẳng định nông nghiệp là “trụ đỡ” của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn Lạng Sơn) băn khoăn, mặc dù là nước nông nghiệp, sản xuất gạo gần như lớn nhất thế giới nhưng Việt Nam cũng là nước nhập khẩu các nguyên liệu phục vụ cho sản xuất rất lớn. “Tôi cho rằng kế hoạch cần đưa mục tiêu ngành Nông nghiệp phải có giải pháp tự chủ về nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, cùng với việc ứng dụng khoa học công nghệ để hỗ trợ người nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành, từ đó tăng khả năng cạnh tranh” - đại biểu Chu Thị Hồng Thái nói. 

Cùng quan tâm đến tái cơ cấu nền nông nghiệp, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho rằng cần cơ cấu lại hệ thống mô hình hợp tác xã và xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Đại biểu Đinh Ngọc Quý (Đoàn Gia Lai) đề nghị quan tâm hơn nữa đến thị trường lao động, chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng nghề của người lao động để không chỉ đồng hành, mà phải chủ động hơn với các thị trường thì kế hoạch cơ cấu mới đạt được hiệu quả thực chất. Đặt ra vấn đề quản trị thị trường lao động trong việc thích ứng với các tác động trong tương lai, đại biểu cho rằng, phương pháp tiếp cận phải có sự điều chỉnh, có hệ thống cơ sở dữ liệu tốt hơn. “Không chỉ trên những chỉ số, mục tiêu khái quát, mà còn phải thay đổi về chất thực sự để khắc phục được những hạn chế hiện nay của thị trường lao động” - đại biểu nêu.
 
Quang cảnh phiên họp


Quan tâm các lĩnh vực có lợi thế, dư địa phát triển

Nhận định chi phí giá cả tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu có thể tác động đến lạm phát trong thời gian tới, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) lo ngại vấn đề này sẽ tác động thay đổi các chi phí, dự toán đầu tư.

“Chính phủ cần có kịch bản ứng phó, không để kinh tế vĩ mô bất ổn, đề nghị sớm xem xét can thiệp bình ổn giá xăng dầu, vì hiện nay, xăng dầu tăng nhanh, chúng ta còn dư địa, công cụ như các loại thuế, phí cần phải được sử dụng khi giá xăng dầu tăng lên” - đại biểu nói.

Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, công tác giải ngân vốn đầu tư công vẫn là “điểm nghẽn”, đồng thời, việc phân bổ vốn đầu tư cần được thực hiện theo đúng mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế. Trong đó, ưu tiên phân bổ vốn cho hạ tầng, liên kết vùng, liên kết ngành, hạ tầng kinh tế số, chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo...

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) cho biết, trong toàn bộ 130 chương trình, đề án, có hơn 50 đề án phải trình trong năm nay, khoảng 80 đề án chương trình còn lại được thực hiện theo giai đoạn thì liệu có kịp thực hiện, thẩm thấu để nền kinh tế được trợ lực, hấp thu, chuyển biến khi “đùn đẩy chính sách” vẫn là căn bệnh trầm kha? Đáng chú ý, mục tiêu kinh tế số chiếm tỷ trọng trên 20% tổng sản phẩm trong nước (GDP) quốc gia vào năm 2025 và 30% vào năm 2030 thì việc xây dựng đề án chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2025, định hướng 2030 cần được nhanh chóng ban hành để kịp thực hiện.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Các vấn đề liên quan đến liên kết phát triển kinh tế vùng, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế biển… đều sẽ được quy định rõ tại Kế hoạch này, nhằm thúc đẩy kinh tế nước ra phát triển thực chất hơn, bắt nhịp cơ hội hội nhập, tận dụng cơ hội mới sau đại dịch, nâng cao sự tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ không chỉ tập trung cơ cấu lại các ngành, các thành phần, không gian kinh tế, mà còn phải quan tâm đến các lĩnh vực quan trọng có tiềm năng, lợi thế, dư địa phát triển.

Về đột phá trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ tập trung vào 3 mũi nhọn trọng tâm, trọng điểm lớn là thể chế, chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Giải trình về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tất cả các Bộ, các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu phải thấy được trách nhiệm của mình, quyết tâm thực hiện với một tư duy, tầm nhìn mới vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, không đi theo từng phân khúc, chia cắt mới có thể mang lại hiệu quả chung cho cả nền kinh tế.

Chính phủ sẽ tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu thêm về công tác quy hoạch, đẩy nhanh công tác quy hoạch, thể chế, liên kết vùng, các mô hình kinh tế mới, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công, ngành năng lượng tái tạo, nông nghiệp, du lịch, văn hóa, y tế, giáo dục, thị trường lao động, mô hình hợp tác xã để nâng cao năng lực cạnh tranh... “Trên cơ sở các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp, Chính phủ sẽ tiếp thu tối đa, nghiên cứu và đánh giá kỹ, phân tích sâu hơn những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, vướng mắc để xây dựng những mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn tới sát thực tế hơn và có những giải pháp cụ thể, phù hợp và hiệu quả hơn. Đồng thời, quan tâm nhiều hơn đến các lĩnh vực mà nước ta có tiềm năng, lợi thế, cơ hội mới sau đại dịch làm sao trở thành nhữngnhững lĩnh vực này trở thành ngành mũi nhọn mang tính lan tỏa, dẫn dắt, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các đại biểu đánh giá cao kết quả kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, đồng thời cân nhắc thêm một số nội dung trong dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đặt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, gắn phòng, chống dịch bệnh với phát triển kinh tế. “Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, thẩm tra nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến thảo luận để hoàn chỉnh kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 trình Quốc hội xem xét, thông qua”, Phó Chủ tịch Quốc hội kết luận./.

Hà Linh
 

Xem thêm »