Theo Ban Chủ nhiệm đề tài, công tác quản lý, điều hành NSĐP thời gian qua luôn được cải tiến và đạt nhiều kết quả tích cực góp phần lành mạnh tài chính quốc gia. Các nguồn thu về cơ bản được huy động đầy đủ, kịp thời đáp ứng nhu cầu chi tiêu của chính quyền địa phương và đóng góp chung vào ngân sách Nhà nước. Các nhiệm vụ chi được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và thực hiện kịp thời. Cân đối NSĐP cơ bản được đảm bảo. Chính quyền địa phương các cấp chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành ngân sách, hỗ trợ tích cực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, thực tiễn quản lý, điều hành NSĐP cũng bộc lộ nhiều hạn chế: Tính chủ động trong quản lý, điều hành chưa cao; nguồn thu chưa được xác định đầy đủ, chính xác; kế hoạch thu, chi chưa bền vững; phân bổ ngân sách chưa hợp lý; công tác quản lý, điều hành đôi khi còn lỏng lẻo, chưa kịp thời khiến hiệu quả, hiệu lực chi ngân sách chưa cao...
Kiểm toán ngân sách Nhà nước, trong đó có kiểm toán NSĐP là nhiệm vụ chủ yếu của KTNN. Thông qua hoạt động kiểm toán NSĐP, KTNN cung cấp thông tin cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nơi kiểm toán và các cơ quan khác để phục vụ công tác quản lý, điều hành NSĐP. Những năm qua KTNN đã thực hiện kiểm toán NSĐP với quy mô bao phủ tương đối rộng, hằng năm kiểm toán được khoảng 45-50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với ngân sách huyện và xã thì quy mô và mức độ ít hơn; qua kiểm toán đã phát hiện nhiều bất cập trong quản lý, điều hành ngân sách của các cấp chính quyền địa phương, từ đó KTNN kiến nghị hoàn thiện về chính sách. Vì vậy, Ban chủ nhiệm đề tài đã lựa chọn nghiên cứu đề tài cấp Bộ “Quản lý, điều hành NSĐP- thực trạng và giải pháp hoàn thiện thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN” để góp phần nâng cao chất lượng quản lý, điều hành NSĐP, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán nhà nước, gắn kết hoạt động KTNN với quản lý, điều hành NSĐP.
Ban chủ nhiệm đề tài
Đề tài được nghiên cứu với mục tiêu: Hệ thống hóa kiến thức lý luận về quản lý, điều hành NSĐP và vai trò của KTNN đối với quản lý, điều hành NSĐP; phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động kiểm toán đánh giá công tác quản lý, điều hành ngân sách địa phương của KTNN; đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện hoạt động kiểm toán đánh giá công tác quản lý, điều hành NSĐP của KTNN.
Đề tài tập trung nghiên cứu hoạt động kiểm toán liên quan đến công tác quản lý, điều hành NSĐP kể từ năm 2017 đến nay (thời điểm Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 có hiệu lực thi hành); nghiên cứu tổng thể công tác quản lý, điều hành NSĐP; lấy ví dụ về công tác quản lý, điều hành ngân sách của Hà Nội, Thanh Hóa để thực hiện phân tích, đánh giá sâu một số nội dung cụ thể.
Ban Chủ nhiệm đề tài cho biết, thực tiễn hoạt động KTNN thời gian qua cho thấy việc kiểm toán ngân sách cấp huyện, cấp xã tương đối ít và mang tính riêng rẽ, cá biệt, vì vậy đề tài tập trung vào quản lý, điều hành ngân sách cấp tỉnh.
Ngoài phần mở đầu, mục lục, kết luận, tài liệu tham khảo, nội dung chính của đề tài thể hiện ở 3 chương: Lý luận chung về quản lý, điều hành NSĐP; Thực trạng công tác đánh giá việc quản lý, điều hành NSĐP của KTNN; Giải pháp hoàn thiện công tác đánh giá việc quản lý, điều hành NSĐP của KTNN.
Nhận xét về đề tài, các thành viên Hội đồng nghiệm thu cho rằng, việc lựa chọn và nghiên cứu đề tài có ý nghĩa quan trọng về lý luận và cụ thể hoá sâu hơn phương pháp đánh giá, làm cơ sở nâng cao hiệu quả và kiến nghị kiểm toán khi kiểm toán NSĐP. Đề tài được trình bày rõ ràng, mạch lạc, logic và khoa học, phù hợp với từng nội dung được đề cập.
Để đề tài hoàn thiện, các ý kiến cho rằng, tại Chương 1, Ban Chủ nhiệm có thể nghiên cứu, bám theo chức năng kiến nghị của KTNN theo Luật KTNN để làm nổi bật hơn vai trò của KTNN trong quản lý, điều hành NSĐP, KTNN không chỉ là đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực và hợp lý của báo cáo quyết toán NSĐP. Tại Chương 2, nên bám sát theo Chương 1 về lý luận, bổ sung đánh giá thực trạng về: Tổ chức bộ máy quản lý, điều hành NSĐP; đánh giá việc xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quản lý điều hành đã bao quát toàn bộ nội dung thu, chi, cân đối NSĐP và bao trùm các khâu của chu trình quản lý NSĐP. Các tác giả cũng cần diễn giải rõ hơn phần các giải pháp về điều kiện thực hiện liên quan đến kết quả nghiên cứu...
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội đồng, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa đánh giá cao nỗ lực của Ban Chủ nhiệm đề tài trong quá trình nghiên cứu đề tài có ý nghĩa, nhưng khá khó, đồng thời yêu cầu cần tiếp thu các ý kiến của các thành viên Hội đồng để hoàn thiện đề tài. Ban Chủ nhiệm đề tài cũng cần nghiên cứu thêm kế hoạch kiểm toán, báo cáo kiểm toán NSĐP 3 năm gần đây của các địa phương trong phạm vi nghiên cứu của đề tài để đánh giá và đưa ra các giải pháp các rõ nét hơn trong công tác điều hành NSĐP.
Đề tài được xếp loại khá./.
Ngọc Bích