Tổng số thu ngân sách Nhà nước năm 2021 đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, vượt 219,9 nghìn tỷ đồng so dự toán

07/01/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tổng số thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021 đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, vượt 219,9 nghìn tỷ đồng so dự toán (16,4%) và tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020. Số thu NSNN tăng chủ yếu từ dầu thô, hoạt động xuất nhập khẩu, tiền sử dụng đất, thuế, phí nội địa, sản xuất – kinh doanh.

Thu NSNN năm 2021 đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, vượt 219,9 nghìn tỷ đồng so dự toán (16,4%), tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020

Đáng chú ý, tỷ lệ động viên vào NSNN cả năm 2021 ước đạt 18,6% GDP, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 15,5% GDP; thu ngân sách Trung ương (NSTW) ước đạt 106,7% dự toán; thu ngân sách địa phương (NSĐP) ước đạt 128,2% dự toán...

Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên đã vượt mốc 668 tỷ USD, xuất siêu 4 tỷ USD, giúp thu ngân sách trên 379,6 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, góp phần quan trọng vào cân đối ngân sách.

Có được kết quả trên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc là do Bộ đã quyết liệt chỉ đạo các công tác: Quản lý thu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực có điều kiện, quyết liệt xử lý thu hồi nợ đọng thuế. “Nhờ đà tăng trưởng của nền kinh tế của những tháng cuối năm 2020, một số ngành, lĩnh vực được hưởng lợi từ chính sách nới lỏng về tài khóa, tiền tệ đã tạo thêm nguồn thu cho NSNN, giúp NSNN đạt mức cao hơn 16.4% so với dự toán” – Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Trong nhiệm vụ chi NSNN, Bộ Tài chính đã chủ động, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, nên chi NSNN năm 2021 đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Chi NSNN năm 2021 ước đạt 1.879 nghìn tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán. NSNN đã chi 74 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19; xuất cấp 141,97 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở 33 địa phương.

Năm 2021, Bộ Tài chính đã chủ động trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước; tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng NSTW và NSĐP; thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 đạt 8.803 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2021; trình Quốc hội cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2021 và 2022… Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 12.100 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi NSTW năm 2020 và 1.237 tỷ đồng kinh phí phòng chống dịch của Bộ Y tế năm 2020 chuyển sang năm 2021 để mua vắc-xin phòng Covid-19; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung 14.620 tỷ đồng dự phòng NSTW từ nguồn cắt giảm, tiết kiện chi NSTW năm 2021 để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Về tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát, theo Bộ Tài chính, năm 2021 thực hiện giải ngân chỉ đạt 74,7% dự toán được Quyết hội quyết định, đạt 77,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn năm 2020.

Về nợ công, đến 31/12/2021, dư nợ công khoảng 43,7% GDP, nợ Chính phủ khoảng 39,5% GDP, dư nợ vay nước ngoài quốc gia khoảng 39% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của chính phủ dưới 23% tổng thu NSNN, trong phạm vi giới hạn an toàn cho phép. Việc trả nợ các khoản vay của Chính phủ được thực hiện chặt chẽ và đảm bảo đúng hạn, bao gồm cả nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ và nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn.
 

Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân


Về thị trường chứng khoán (TTCK), năm 2021 TTCK Việt Nam phục hồi và tăng trưởng, đã khẳng định vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, đóng góp ngày càng lớn vào tổng đầu tư xã hội. Chỉ số VN-Index đến cuối năm 2021 đạt 1.498,28 điểm, tăng 35,7% so với cuối năm 2020; quy mô vốn hóa cổ phiếu trên thị trường đạt khoảng 7.729 nghìn tỷ đồng, trên 92% GDP ước thực hiện năm 2021, tăng 46% so với cuối năm 2020; giá trị bình quân giao dịch đạt trên 26 nghìn tỷ đồng/phiên.

Về thị trường bảo hiểm, năm 2021 vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2021 ước đạt 214,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,59% so với năm 2020. Tổng giá trị tài sản bảo hiểm đạt 710 nghìn tỷ đồng, tăng 23,86%. Đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 577,1 nghìn tỷ đồng, tăng 22,24%. Chi trả quyền lợi bảo hiểm đạt 49,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,68% so năm 2020.

Bộ Tài chính xác định mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2022 là: Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước để phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19, tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội; tiếp tục cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công, bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW, phát huy sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa gắn liền với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, triệt để tiết kiệm chi NSNN./.

Khánh Vy

Xem thêm »