Kiểm toán nhà nước khai giảng lớp bồi dưỡng kiến thức về kiểm toán nợ công

03/03/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng ngày 01/3/2022, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 111 Trần Duy Hưng, Hà Nội, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán tổ chức khai giảng Lớp bồi dưỡng kỹ kiến thức về kiểm toán nợ công cho 45 học viên theo Quyết định số 91/QĐ-KTNN ngày 25/1/2022 của Tổng Kiểm toán nhà nước.

Lớp học do TS. Lê Hữu Hiểu, Trưởng khoa Cơ sở, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán trực tiếp giảng dạy.

Mục tiêu của lớp học nhằm trang bị cho học viên nắm được kiến thức tổng quan về nợ công; kỹ năng về kiểm toán nợ công.

Được biết, Tài liệu bồi dưỡng kỹ kiến thức về kiểm toán nợ công dành cho đối tượng là Kiểm toán viên tại các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực và các đơn vị tham mưu; các đối tượng khác cần bồi dưỡng, bổ trợ kỹ năng và kiến thức chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán nợ công theo quyết định của KTNN.

Lớp học diễn ra theo hình thức trực tuyến từ ngày 01/3 đến hết ngày 03/3/2022 với thời lượng đào tạo là 24 tiết, trong đó có 16 tiết lý thuyết và 8 tiết thực hành.

Cụ thể, giới thiệu kiến thức về nợ công: Nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương; quản lý nợ công; hệ thống báo cáo nợ công; một số nội dung chính trong chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; phân tích, đánh giá nợ công; tình hình quản lý nợ công ở Việt nam hiện nay; quản lý huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ của Chính phủ; tình hình tổ chức kiểm toán nợ công của KTNN.

Liên quan đến kiểm toán quản lý nợ công, các học viên được hướng dẫn các nội dung về lập kế hoạch kiểm toán và thực hiện kiểm toán. Trong đó, hướng dẫn kiểm toán tổng hợp tại Bộ Tài chính và kiểm toán chi tiết. Nội dung chủ yếu kiểm toán, đánh giá việc xây dựng hệ thống văn bản pháp quy nhằm cụ thể hóa Luật quản lý nợ công; việc thực hiện các quy định về quản lý nợ công nhằm phát hiện tồn tại, vướng mắc bất cập của hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật quản lý nợ công; kiểm toán xác định số liệu nợ công... 

Qua đó đánh giá việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện về tính đồng bộ, đầy đủ, hợp lí, khả thi của các quy định; phát hiện tồn tại, vướng mắc bất cập của hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành luật quản lý nợ công; xác định các chỉ tiêu giám sát nợ công như: Nợ công so với GDP; nợ Chính phủ so với GDP; nợ được Chính phủ bảo lãnh so với GDP; nợ chính quyền địa phương so với GDP; nghĩa vụ nợ Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước; nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước....

Trong thời gian diễn ra khóa học, giảng viên yêu cầu các học viên tham gia đầy đủ, đảm bảo tuân thủ nội quy của Ban tổ chức. Qua các buổi học, các học viên sẽ có cơ hội trao đổi chia sẻ những kiến thức bổ ích giúp nâng cao hiệu quả trong công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.

Đinh Trang

Xem thêm »