(sav.gov.vn) - Ngày 10/3/2022, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) phối hợp Bộ Công Thương, Tổng cục Thuế và Ủy ban nhân dân 6 tỉnh tổ chức Hội nghị Triển khai kiểm toán Chuyên đề đánh giá hiệu quả chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo theo Quyết định số 2068/QĐ-TTG ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh và Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì Hội nghị.
![](/noidung/tintuc/PublishingImages/2022/Thang%203/cac%20diem%20cau%20du%20hn%20truc%20tuyen_20220311140242.jpg)
Các điểm cầu trực tuyến dự Hội nghị
Dự Hội nghị, về phía Bộ Công Thương có đại diện lãnh đạo Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và Cục điều tiết điện lực. Về phía các địa phương được kiểm toán có các ông: Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắc Lắk; Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An; Nguyễn Văn Phong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Trần Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; Võ Đức Trong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cùng đại diện các Sở TN&MT, Sở Công Thương, Cục Thuế tỉnh…
Về phía KTNN có ông Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II; Bà Lê Thị Hồng Hạnh - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II, Trưởng Đoàn kiểm toán và một số thành viên Đoàn kiểm toán Chuyên đề.
Việc triển khai cuộc kiểm toán Chuyên đề đánh giá hiệu quả chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo theo Quyết định số 2068/QĐ-TTG ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện theo Quyết định số 277/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Tổng Kiểm toán nhà nước.
Đại diện đơn vị được kiểm toán phát biểu tại Hội nghị
Theo Quyết định được Bà Lê Thị Hồng Hạnh, Trưởng Đoàn kiểm toán báo cáo tại Hội nghị, cuộc kiểm toán được thực hiện tại Bộ Công Thương; Tổng cục Thuế-Bộ Tài chính và các đơn vị có liên quan. Về địa phương, thực hiện kiểm toán tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Bình Thuận, Đắc Lắk, Bình Định; Tây Ninh; Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu. Phạm vi kiểm toán, trong giai đoạn từ 2015-2021 và các thời kỳ trước, sau có liên quan. Cuộc kiểm toán được thực hiện trong 60 ngày kể từ ngày công bố Quyết định kiểm toán.
Theo bà Lê Thị Hồng Hạnh, Cuộc kiểm toán nhằm mục tiêu đánh giá tính đồng bộ, kịp thời của việc ban hành các chính sách, việc chấp hành quy định pháp luật và tính hiệu quả trong thực hiện các chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai và bảo vệ môi trường trong thực hiện dự án năng lượng tái tạo; phát hiện những tồn tại, hạn chế, bất cập để kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, đề xuất giải pháp khắc phục và xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Nội dung kiểm toán là việc tham mưu, ban hành cơ chế, chinh sách; việc thực hiện các chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai và bảo vệ môi trường trong thực hiện dự án năng lượng tái tạo.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị được kiểm toán thống nhất cao với các nội dung của Quyết định kiểm toán cũng như Kế hoạch kiểm toán đã được gửi đến các đơn vị cũng như được đại diện KTNN báo cáo tại Hội nghị. Ngoài ra, các đơn vị cũng có những ý kiến trao đổi về công tác phối hợp, cử đầu mối phụ trách công tác phối hợp với Tổ kiểm toán, Đoàn kiểm toán; công tác chuẩn bị hồ sơ, tài liệu phục vụ hoạt động kiểm toán…
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Hội nghị
Về phía lãnh đạo Bộ Công Thương, Tổng Cục Thuế và các địa phương đều chia sẻ sự sẵn sàng và cam kết phối hợp chặt chẽ với KTNN trong thực hiện cuộc kiểm toán này. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định: Đây là cơ hội để Bộ Công Thương và các đơn vị khác có liên quan tổng hợp, đánh giá lại việc triển khai thực hiện chính sách trên thực tế. Qua kiểm toán sẽ đánh giá được tổng thể việc thực hiện các chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai và bảo vệ môi trường như thế nào? Hiệu quả của các chính sách có tương xứng với nguồn lực được phân bổ hay không... “Bộ phân công Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo làm đầu mối phối hợp với Đoàn kiểm toán, các đơn vị khác sẽ có bộ phận chuyên môn để cung cấp thông tin cho Đoàn kiểm toán nhằm thực hiện cuộc kiểm toán bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra. Qua đó, đánh giá được tính hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về việc thực hiện chinh sách, đồng thời phát hiện những tồn tại, bất cập trong quản lý, trong cơ chế chính sách cần khắc phục” – Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đánh giá cao sự phối hợp của Bộ Công Thương và các đơn vị trong quá trình KTNN thực hiện khảo sát, phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch kiểm toán.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Với tinh thần phối hợp chặt chẽ giữa KTNN và các đơn vị được kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đề nghị: Đoàn kiểm toán thực hiện nghiêm túc các nội dung kiểm toán theo nội dung, phạm vi, phương pháp kiểm toán được nêu trong kế hoạch kiểm toán đã được thống nhất và công bố giữa KTNN và các đơn vị được kiểm toán. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước bày tỏ mong muốn KTNN và các đơn vị được kiểm toán cùng nhau thực hiện tốt vì mục tiêu chung là chất lượng và tiến độ của Cuộc kiểm toán; qua đó đánh giá về tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của chính sách, từ đó tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ những vấn đề vướng mắc về thể chế chính sách, chỉ ra được những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần kiến tạo sự phát triển của đất nước.
Ngày 25/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 2068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược nêu rõ mục tiêu từng bước nâng cao tỷ lệ tiếp cận nguồn năng lượng sạch và điện năng của người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đến năm 2020, hầu hết số hộ dân có điện. Đến năm 2030, hầu hết các hộ dân được tiếp cận các dịch vụ năng lượng hiện đại, bền vững, tin cậy với giá bán điện và giá năng lượng hợp lý. Phát triển, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo góp phần thực hiện các mục tiêu môi trường bền vững và phát triển nền kinh tế xanh: Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng so với phương án phát triển bình thường khoảng 5% vào năm 2020; khoảng 25% vào năm 2030 và khoảng 45% vào năm 2050. |
Phương Ngọc