Các nhà tài trợ cam kết tiếp tục hợp tác nâng cao năng lực hoạt động của Kiểm toán nhà nước Việt Nam

26/03/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Sáng 25/3/2022, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam tổ chức Hội nghị Đối tác phát triển của KTNN Việt Nam năm 2022 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Trần Sỹ Thanh và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Caroline Turk đồng chủ trì Hội nghị.

Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Trần Sỹ Thanh và Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Caroline Turk đồng chủ trì Hội nghị

Tham dự trực tiếp tại Trụ sở của KTNN có: Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà; Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Minh Hằng; Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam Andrew Jeffries; Các nhân sự cấp cao thuộc các bộ phân của WB; Đại diện các tổ chức liên minh minh châu Âu (EU), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan hợp tác phát triển kỹ thuật Pháp (EF), Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA),  Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wale (ICAEW), Hội Kế toán Việt Nan (VAA) và đại diện lãnh đạo các đơn vị của KTNN có trụ sở đóng tại Hà Nội.
 
Dự trực tuyến gồm có: Quyền Giám đốc phụ trách Ban Quản trị khu vực Châu Á của WB Serdar Yilmaz; Phó Chủ tịch Quỹ kiểm toán và trách nhiệm giải trình Canada (CAAF) Caroline Jorgensen; Đại diện Đại sứ quán Ai-len, tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA)
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Trần Sỹ Thanh gửi lời cảm ơn đến các cơ quan trong nước và các đối tác phát triển đã giúp đỡ và hợp tác với KTNN Việt Nam trong thời gian qua, góp phần giúp KTNN thực hiện thành công Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2010-2020 và vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021.
 
Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam, Hội nghị lần này tổ chức với mục đích để KTNN giới thiệu với các đối tác phát triển và các cơ quan hữu quan về những nội dung chính trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, cũng như định hướng những hoạt động theo thứ tự ưu tiên mà KTNN sẽ triển khai nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam cho biết, KTNN Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong triển khai Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2010-2020. Qua đó, chất lượng, hiệu quả và hiệu lực của hoạt động kiểm toán ngày càng được Nhà nước, xã hội và công chúng quan tâm và đánh giá cao. KTNN đã tham gia thực chất hơn trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại Việt Nam. KTNN Việt Nam cũng đã tham gia thực chất vào các hoạt động chung của cộng đồng kiểm toán công khu vực và quốc tế với tư cách là một Cơ quan Kiểm toán (SAI) thành viên tích cực và trách nhiệm. “Kết quả tích cực giai đoạn vừa qua đã tạo tiền đề quan trọng và cơ sở vững chắc để KTNN triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2021-2030. KTNN Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự ưu tiên hợp tác, phối hợp của các đối tác phát triển trong phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng kiểm toán” - Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam nhấn mạnh.
 
Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm
 
Phát biểu tại Hội nghị, bà Caroline Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết, WB đánh giá cao vai trò của KTNN Việt Nam trong hoạt động kiểm toán tài chính và xác minh kết quả các dự án do WB tài trợ trong thời gian qua, góp phần quan trọng vào việc quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực do WB tài trợ; đồng thời mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục được hợp tác với KTNN Việt Nam trong nhiều chương trình, dự án mới của WB. Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam chúc mừng và ghi nhận những thành công của KTNN Việt Nam trên vai trò chủ tịch ASSOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 và trong việc triển khai cuộc kiểm toán hợp tác “Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công, gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” tại Đông Nam Á giai đoạn 2020-2021. “Chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ KTNN Việt Nam trong giai đoạn mới để KTNN Việt Nam hoạt động hiệu quả hơn; chuyển đổi và tiếp cận với các lĩnh vực mới” - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam khẳng định.
 
Đại diện cho KTNN Việt Nam, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế Nguyễn Bá Dũng giới thiệu tóm tắt Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và các hoạt động ưu tiên trong giai đoạn 2021-2030. Theo đó, KTNN Việt Nam trên cơ sở xác định 03 trụ cột phát triển về: Khuôn khổ pháp lý, nguồn nhân lực và công nghệ đã đề ra Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 với 07 nội dung phát triển, gồm: Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN; Phát triển hệ thống tổ chức bộ máy; Phát triển nguồn nhân lực; Nâng cao chất lượng kiểm toán; Hội nhập và hợp tác quốc tế; Phát triển cơ sở vật chất, thông tin tuyên truyền và nghiên cứu khoa học; Phát triển CNTT và công nghệ cao.
 
Tham luận và trao đổi tại Hội nghị, đại diện của WB, EU, CAAF, ACCA đánh giá cao sự hợp tác của KTNN Việt Nam trong thời quan qua; khẳng định KTNN Việt Nam đã và đang trở thành thành viên tích cực và trách nhiệm của cộng đồng kiểm toán công khu vực và thế giới, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển chung của ngành nghề kiểm toán thế giới. Vai trò của KTNN Việt Nam, ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh Việt Nam xây dựng nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; xây dựng nền tài chính quốc gia minh bạch, an toàn, bền vững và đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đặc biệt trong điều kiện đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn. Các đối tác cũng đánh giá cao các nội dung trụ cột phát triển được KTNN Việt Nam xác định rõ trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; cho rằng đây là tiền đề quan trọng các các Bên nghiên cứu, thảo luận để tìm ra cách thức hợp tác hiệu quả trong giai đoạn tới.
 
Các đối tác phát triển cam kết, trong giai đoạn tiếp theo sẽ tập trung hợp tác trong hai trụ cột được KTNN ưu tiên là phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng kiểm toán.
 
Về phát triển nguồn nhân lực, các Bên thảo luận hợp tác theo hình thức tổ chức các khóa đào tạo, khảo sát, nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của các SAI có thế mạnh trong các lĩnh vực kiểm toán mới như: Kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường, biến đổi khí hậu, kiểm toán quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản; kiểm toán các lĩnh vực mới nổi, như: Kiểm toán việc ứng phó với đại dịch, kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững, kiểm toán đánh giá chính sách tiền tệ đảm bảo nền tài chính quốc gia minh bạch và bền vững.
 
Về nâng cao chất lượng kiểm toán, các đối tác đồng thuận với với định hướng chuyển đổi từ kiểm toán truyền thống sang kiểm toán từ xa trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lớn với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo của KTNN Việt Nam. Các Bên cho rằng, có thể hợp tác dưới hình thức: Thuê chuyên gia trong và ngoài nước tư vấn thiết kế tổng thể hệ thống cấu trúc công nghệ thông tin; Tư vấn xây dựng cũng như hỗ trợ các phần mềm ứng dụng trong hoạt động kiểm toán; Xây dựng các hướng dẫn kiểm toán trên các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực mới như: Kiểm toán hoạt động, kiểm toán CNTT, kiểm toán môi trường, kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững, kiêm toán quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản, kiểm toán việc ứng phó với dịch bệnh…
 
Các khách mời và đại diện của KTNN tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm
 
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam khẳng định, KTNN cam kết sẽ dành ưu tiên cao nhất trong quá trình hợp tác với các đối tác phát triển để thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2021-2030 phù hợp với chính sách và ưu tiên hoạt động của các tổ chức tại Việt Nam. Hình thức hợp tác có thể gồm cả hỗ trợ kỹ thuật, mời chuyên gia tư vấn, tổ chức các khóa đào tạo nghiên cứu khảo sát kinh nghiệm của các SAI có thế mạnh và hỗ trợ tài chính để KTNN có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận và vận dụng các kinh nghiệm, kiến thức và công cụ kiểm toán công quốc tế phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam./.
 
Ngọc Bích
 
 
 

Xem thêm »