Thời gian qua, cùng với việc tiếp tục duy trì và đưa kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ đi vào chiều sâu, KTNN đã từng bước chú trọng hơn tới loại hình kiểm toán hoạt động (KTHĐ), trong đó tập trung đánh giá kết quả đầu ra để đưa ra những khuyến cáo, ngăn chặn kịp thời các sai sót để tránh thất thoát, lãng phí, nhất là đối với lĩnh vực đầu tư công.

Thời gian qua, KTNN đã tiến hành nhiều cuộc kiểm toán để đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công
Vai trò quan trọng của kiểm toán hoạt động đối với đầu tư công
Giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo sự lan tỏa trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nhưng trong thời gian qua, đầu tư công tại các địa phương lại đang diễn ra rất dàn trải, phân bổ vốn chậm và còn một số sai sót, dẫn đến tình trạng lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công và cần phải được quản lý chặt chẽ hơn nữa. Theo Vụ Tổng hợp (KTNN), với vai trò là cơ quan kiểm toán tài chính công, tài sản công nói chung, đầu tư công nói riêng, thời gian qua, KTNN đã tiến hành nhiều cuộc kiểm toán để đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Đáng chú ý, các cuộc KTHĐ được tổ chức chuyên sâu, hoặc lồng ghép trong các cuộc kiểm toán chuyên đề về vấn đề đầu tư công đã được thực hiện và mang lại những kết quả, tác động nhất định.
Từng có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán, TS. Tăng Thị Thiệm (Vụ Kế hoạch - Tổng hợp, Thanh tra Chính phủ) đánh giá, bằng việc kiểm toán để đánh giá, xác nhận tính đúng đắn và trung thực của các thông tin tài chính của Chính phủ, các đơn vị sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước về việc tuân thủ chế độ, tiêu chuẩn, định mức về vốn đầu tư công do Nhà nước quy định không chỉ nhằm mục đích xác nhận số liệu quyết toán, minh bạch tài chính mà còn góp phần răn đe sai phạm, tham nhũng, lãng phí trong chi tiêu công, ngăn ngừa rủi ro phát sinh trong hoạt động đầu tư công. “Số liệu chi tiêu công được KTNN kiểm tra và xác nhận là cơ sở tin cậy để Chính phủ hoạch định các chính sách; để Quốc hội quyết định, phê chuẩn các chỉ tiêu kinh tế và chính sách kinh tế, tài chính, dự án quan trọng quốc gia” - TS. Tăng Thị Thiệm cho biết.
Thông qua KTHĐ, hiệu quả đánh giá công tác quản lý đầu tư công ngày càng rõ rệt hơn. KTHĐ chú trọng mục tiêu đánh giá đầu ra của việc sử dụng nguồn lực công và có khuyến cáo kịp thời tới cơ quan chức năng. Cách tiếp cận kiểm toán truyền thống tập trung vào việc kiểm toán tính tuân thủ trong quyết toán ngân sách. Nhưng vào thời điểm đó, tất cả các dự án của Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước đã kết thúc, nên không thể làm thay đổi gì nữa - các chuyên gia nhấn mạnh.
Theo đó, KTHĐ đang dần khẳng định vai trò là công cụ đắc lực trong quản lý kinh tế cả về vi mô và vĩ mô thông qua việc tổ chức kiểm toán đối với các lĩnh vực, ngành, các loại hình đơn vị kinh tế mà ở đó phát sinh hoạt động đầu tư công. Đơn cử, KTHĐ giúp đánh giá một cách khách quan hiệu lực của bộ máy quản lý cùng với mức độ thực hiện các mục tiêu trong hoạt động của đơn vị trực tiếp thực hiện hoạt động đầu tư công; đánh giá tính tiết kiệm, hiệu quả trong quản lý và sử dụng các nguồn lực kinh tế của đơn vị... Đối với công tác quản lý kinh tế vĩ mô, KTHĐ góp phần đánh giá toàn diện, trên cơ sở đó thúc đẩy, nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng một cách tiết kiệm, hiệu quả, hiệu lực các nguồn lực của Nhà nước trong đầu tư công tại các ngành, địa phương cũng như trong toàn bộ nền kinh tế.
Tích lũy kinh nghiệm để tăng cường, nâng cao chất lượng kiểm toán
Theo xu thế chung của sự phát triển kinh tế - xã hội, KTHĐ đang được đẩy mạnh và dần chiếm phần lớn trong số lượng kiểm toán. Số lượng các cuộc KTHĐ đã chiếm gần 80% các cuộc kiểm toán ở Anh, 70% các cuộc kiểm toán ở Canada, trong đó đầu tư công cũng là lĩnh vực thu hút nhiều cuộc KTHĐ. Những chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về KTHĐ quốc tế góp phần hữu ích, thiết thực cho quá trình phát triển KTHĐ của KTNN Việt Nam.
Nâng cao nhận thức toàn diện của kiểm toán viên về KTHĐ là yêu cầu được Quỹ Kiểm toán và trách nhiệm giải trình Canada (CAAF) đặt ra. Theo đó, khi tiến hành kiểm toán, cơ quan kiểm toán cần phải chú ý các yêu cầu về tính 3E (tính hiệu quả, hiệu lực, kinh tế) và 2E (môi trường, công bằng); mối quan hệ của các bên; xây dựng mục tiêu, phạm vi và tiêu chí kiểm toán, thu thập và phân tích bằng chứng, tài liệu hóa công việc kiểm toán.
Trong quá trình kiểm toán, các kiểm toán viên cần biết cách thiết kế một chiến lược thu thập bằng chứng, đưa ra xét đoán chuyên môn về tính đầy đủ và phù hợp của bằng chứng, áp dụng ba kỹ thuật thu thập bằng chứng; áp dụng kỹ thuật chọn mẫu và phân tích tổng thể trong một cuộc kiểm toán; áp dụng các kỹ thuật phân tích định lượng và định tính phổ biến. Đặc biệt, CAAF cũng nhấn mạnh đến sự tham gia hiệu quả của đối tượng kiểm toán đến thành công của cuộc kiểm toán. Theo đó, các kiểm toán viên cần áp dụng các kỹ năng để cải thiện các mối quan hệ; các thực hành tốt để thúc đẩy sự tham gia hiệu quả của các đơn vị được kiểm toán trong mỗi giai đoạn kiểm toán.
Nêu cụ thể về kiểm toán quản lý đầu tư công từ thực tiễn kiểm toán, tại KTNN Liên bang Đức, theo kiến nghị của KTNN, cơ quan lập pháp đã quyết định ra điều luật bắt buộc cơ quan nhà nước phải tiến hành khảo sát tính kinh tế một cách thỏa đáng đối với tất cả các bên có tác động tài chính. Từ đó, các cơ quan có trách nhiệm phải tiến hành khảo sát kinh tế khi lập kế hoạch các dự án mới, kể cả khi điều chỉnh các dự án đang tiến hành; khi thực hiện dự án và khi kết thúc dự án. Việc khảo sát tính kinh tế phải bao gồm các nội dung: Phân tích hiện trạng, nhu cầu tác động; các mục tiêu, hình dung về thứ tự ưu tiên, tranh chấp mục tiêu có thể có; những tác động tài chính…
Là một trong những cơ quan kiểm toán thực hiện các cuộc KTHĐ từ tương đối sớm, từ kinh nghiệm được rút ra, KTNN Indonesia lưu ý, khi tiến hành KTHĐ tại khu vực công, cần chú trọng xây dựng tiêu chí kiểm toán chính xác. Bởi, các tiêu chí kiểm toán đáng tin cậy và có thể đo lường được là “chìa khóa” để dẫn đến sự thành công cho các cuộc KTHĐ nói chung và trong lĩnh vực đầu tư công nói riêng. Tiếp đó, các kiến nghị kiểm toán phải mang tính xây dựng và khả thi, khuyến khích các đơn vị được kiểm toán thực hiện.
Trên thực tế, các chia sẻ, kinh nghiệm về KTHĐ nói chung, KTHĐ trong lĩnh vực đầu tư công nói riêng của các tổ chức quốc tế, cơ quan kiểm toán các nước đều rất hữu ích đối với KTNN Việt Nam, nhất là trong bối cảnh KTNN Việt Nam đẩy mạnh thực hiện KTHĐ và các nội dung kiểm toán mới theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trong điều kiện nguồn lực để thực hiện các cuộc KTHĐ chuyên biệt còn hạn chế, nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, trước hết, KTNN cần tiếp tục đẩy mạnh KTHĐ lồng ghép trong các cuộc kiểm toán chuyên đề. Kiểm toán viên cần phối hợp chặt chẽ với đối tượng kiểm toán để xác định được mục tiêu đánh giá, các chuẩn đo lường để đánh giá mức độ đạt mục tiêu đề ra. Mặt khác, cần bố trí nhân sự, thời gian hợp lý để tập trung đi sâu phân tích, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội trong sử dụng nguồn vốn đầu tư công, từ đó đưa ra những thông tin tin cậy, kịp thời và có chất lượng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu về công tác quản lý, điều hành chi đầu tư của Nhà nước./.
Nguyễn Lộc
(Báo Kiểm toán số 14/2022)