(sav.gov.vn) – Mới đây, trong Công văn 3720/BTC-ĐT về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) lũy kế 03 tháng, ước thực hiện 4 tháng kế hoạch năm 2022, Bộ Tài chính cho biết, về giải ngân tổng kế hoạch vốn năm 2022, ước thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN từ đầu năm đến 30/4/2022 là 95.981,27 tỷ đồng, đạt 16,92 % kế hoạch.
Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng Hàng không quốc tế Long Thành giải ngân đạt 64,41% kế hoạch
Trong đó, về giải ngân vốn trong nước ước thanh toán đến 30/4/2022 là 94.849,66 tỷ đồng, đạt 17,81% kế hoạch; về giải ngân vốn nước ngoài ước thanh toán đến 30/4/2022 là 1.131,61 tỷ đồng, đạt 3,25% kế hoạch.
Về giải ngân vốn kế hoạch năm 2022, ước thanh toán từ đầu năm đến 30/4/2022 là 95.724,49 tỷ đồng, đạt 17,09% kế hoạch (đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), tỷ lệ này giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (18,65%); trong đó vốn trong nước đạt 19,57% (cùng kỳ năm 2021 tỷ lệ này là 20,74%), vốn nước ngoài đạt 3,25% (cùng kỳ năm 2021 là 2,02%).
Công văn của Bộ Tài chính nêu rõ, có 07 Bộ và 08 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ngân hàng Chính sách Xã hội (91,12%), Ngân hàng phát triển (59,64%, Ủy ban Trung ương Mặt trân Tổ quốc Việt Nam (48,86%), Ngân hàng Nhà nước VN (35,76%), Bình Thuận (33,9%), Phú Thọ (33,4%). Có 43/51 Bộ và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 17%, trong đó có 17 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Về tình hình thực hiện các dự án trọng điểm: Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng Hàng không quốc tế Long Thành giải ngân đạt 64,41% kế hoạch đã giao; Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 giải ngân đạt 17,6% kế hoạch 2022 được giao; Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 giải ngân đạt 17,6% kế hoạch 2022 được giao giải ngân đạt 23% kế hoạch được giao.
Đánh giá về nguyên nhân chậm giải ngân kế hoạch vốn 2022, Bộ Tài chính chỉ ra một số nguyên nhân: Các chủ đầu tư một số Bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; Các dự án khởi công mới đang thực hiện đấu thầu, đang lập thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán nên chưa giải ngân kế hạch vốn được giao; Một số dự án khó khăn trong giải phóng mặt bằng; Giá vật liệu xây dựng thời gian qua tăng cao, nguồn cung cấp vật liệu cho các công trình lớn còn hạn chế; Một số dự án sử dụng vốn nước ngoài, quá trình thực hiện phải thuân thủ theo quy trình của nhà tài trợ, qua nhiều bước...
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính kiến nghị:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, để xuất phương án điều chuyển kế hoạch vốn năm 2022 của các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đến ngày 31/3/2022 chưa phân bổ hết cho các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương khác đã có dự án và có nhu cầu bổ sung vốn theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 08/4/2022 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022; Phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương tổng hợp bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 đối với các dự án ODA đã có đủ điều kiện, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 307/CĐ-TTg ngày 8/4/2022 về đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp tại Công điện 126/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 8/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; Công văn số 1684/VPCP-KTTH ngày 17/3/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 08/4/2022 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022 và Công điện số 307/CĐ-TTg ngày 8/4/2022 về đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài./.
Ngọc Bích