Quốc hội xem xét, đánh giá kế hoạch triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh

25/05/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tiếp tục Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 24/5/2022, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ nhằm tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Tổ Thảo luận (Tổ 12) gồm các đại biểu Quốc hội(ĐBQH) thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Kiên Giang.

Dự án đường Hồ Chí Minh được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 kể từ năm 2004. Để phù hợp với nguồn lực và thực tế triển khai, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thành các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến từ Pác Pó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với 02 làn xe. Qua 18 năm thực hiện 02 Nghị quyết của Quốc hội, đến hết năm 2020, đã hoàn thành đưa vào khai thác khoảng 2.362 km/2.744km, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh. Bên cạnh những kết quả đạt được, tiến độ, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện vẫn còn một số bất cập. Đến cuối năm 2021, dự án vẫn đang triển khai đầu tư 211 km; còn lại 171 km cần tiếp tục cân đối bố trí vốn để triển khai, nối thông toàn tuyến.
 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp

Tại buổi thảo luận, các đại biểu bày tỏ tán thành với nhiều nội dung trong Tờ trình, đánh giá Tờ trình đã tổng kết cơ bản và toàn diện quá trình triển khai Nghị quyết 66/2013/QH13 của Quốc hội, đánh giá được những kết quả đạt được, những mặt hạn chế, tồn tại, phân tích rõ nguyên nhân và đưa ra được một số mục tiêu, giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để tháo gỡ những vướng mắc trong thời gian qua.

Các đại biểu khẳng định đây là dự án rất quan trọng. Công tác quy hoạch đường Hồ Chí Minh đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo từ quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, quy hoạch hệ thống đường ngang kết nối đường Hồ Chí Minh với các đầu mối vận tải. Các quy hoạch được phê duyệt đều đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển giao thông - vận tải và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương…

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nhấn mạnh: Đây là một trong những dự án trọng điểm quốc gia, mang ý nghĩa chính trị, lịch sử, an ninh-quốc phòng, kết nối Bắc-Nam, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đặc biệt, đường Hồ Chí Minh là con đường mang tên Bác, nên còn có ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh bảo vệ, xây dựng đất nước.

Tuy nhiên, các đại biểu đều bày tỏ băn khoăn khi việc triển khai dự án đường Hồ Chí Minh có tiến độ chậm, không đạt được yêu cầu đặt ra, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, tính toán kỹ lưỡng số liệu, đảm bảo thống nhất, tính chính xác trong việc cân đối bố trí nguồn vốn và chịu trách nhiệm về các số liệu báo cáo Quốc hội; Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải cần làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, có các giải pháp cụ thể để thực hiện trong giai đoạn tới; cần làm rõ hơn về thay đổi chiều dài tuyến chính…

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị làm rõ cơ sở xác định tổng nhu cầu vốn đầu tư để nối thông toàn tuyến, trong khi Nghị quyết của Quốc hội không quy định tổng mức đầu tư của toàn bộ Dự án; thứ bậc ưu tiên bố trí vốn cho các dự án thành phần trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; đề xuất cụ thể về bố trí vốn cho đoạn Cổ Tiết-Chợ Bến; việc tuân thủ các nguyên tắc theo quy định của Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội.

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ việc tích hợp Dự án đường Hồ Chí Minh vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ đã bảo đảm đầy đủ, toàn diện, hợp lý theo đúng tinh thần Nghị quyết? Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu đầu tư nâng cấp tuyến đường trong giai đoạn tiếp theo, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch; cân nhắc thời hạn hoàn thành các dự án cao tốc phù hợp với Quy hoạch và nguồn lực hiện nay, bảo đảm tính khả thi.

Một số đại biểu đề nghị Bộ Giao thông vận tải làm rõ, tuyến đường 32, 21 thay thế đoạn Cổ Tiết – Chợ Bến có đảm bảo đi qua được tất cả các điểm khống chế chủ yếu theo Nghị quyết 66/2013/QH13 của Quốc hội hay không? Việc tận dụng hai tuyến đường này để nối với đường Hồ Chí Minh có được xác định là hoàn thành tuyến đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết của Quốc hội hay không?

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng đánh giá cao tính chủ động, tích cực của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong việc tiến hành theo dõi, giám sát nội dung liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Khẳng định đường Hồ Chí Minh là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia, Chủ tịch Quốc hội cho biết, việc cơ bản hoàn thành dự án đã góp phần phát triển đất nước, đặc biệt là đối với các khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ. Quốc hội đã quyết định mục tiêu thông tuyến từ Bắc tới Nam với quy mô 2 làn xe, tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn 02 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, nhưng vẫn còn một số đoạn tuyến chưa được hoàn thành để nối thông toàn tuyến. Cụ thể là 3 đoạn tiến chưa hoàn thành gồm đoạn Chợ Chu - Ngã Ba Trung Sơn; đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tập trung bố trí vốn để hoàn thành những đoạn đường còn lại này, đây là nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện, đồng thời cần tiến hành tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng để rút kinh nghiệm, đề xuất đầu tư giai đoạn sau; bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng những đoạn đường xuống cấp để đảm bảo thông suốt tuyến đường.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội qua thông báo kết luận, Chính phủ đã rà soát trong tổng số vốn đầu tư công trung hạn 5 năm phân bổ cho ngành Giao thông vận tải để bố trí cho hai đoạn tuyến Chợ Chu - Ngã Ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân ở các vùng tuyến đường đi qua. Với đoạn Cổ Tiết – Chợ Bến, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ về tính khả thi của việc hoàn thiện tuyến đường, thực hiện nối thông toàn tuyến, báo cáo rõ về phương án sử dụng tuyến đường thay thế./.

Thanh Trang
 

Xem thêm »