Quốc hội tiếp tục thảo luận việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

03/06/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 02/6/2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Quang cảnh phiên họp

Đa số các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, nhưng nhờ có các quyết sách kịp thời của Quốc hội, Chính phủ nên tình hình kinh tế năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 đã đạt nhiều kết quả tích cực, thể hiện rõ xu hướng phục hồi, tăng trưởng.
 
Góp ý về việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, các đại biểu đồng tình và đánh giá cao những nỗ lực, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành; đồng thời đề nghị cần luật hóa quy định về xử lý nợ xấu.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa nêu ý kiến, cần Luật hóa quy định về xử lý nợ xấu, nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đáp ứng yêu cầu khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước...

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Việt Hà - Đoàn đại biểu tỉnh Tuyên Quang nhất trí kéo dài thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV theo đề xuất của Chính phủ. 
 
 Đại biểu Nguyễn Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại hội trường

Đồng thời, để công tác xử lý nợ xấu trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện và triển khai các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực thi tác nghiệp giữa các cơ quan, khắc phục các hạn chế trong triển khai Nghị quyết thời gian qua. Cùng với đó, đại biểu đề nghị Quốc hội sớm luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, bởi những kết quả Nghị quyết mang lại đã chứng minh tính đúng đắn, cần thiết của việc ban hành quy định pháp luật cho công tác xử lý nợ xấu. 

Đại biểu cho rằng, hiện nay, việc triển khai Nghị quyết còn một số nội dung vướng mắc trong thực hiện, cần rà soát để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện như: quy định về thu giữ tài sản bảo đảm, về thủ tục rút gọn thứ tự ưu tiên thanh toán... Đại biểu đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá các nội dung của Nghị quyết số 42/2017/QH14 cũng như các quy định của Luật các tổ chức tín dụng vào các quy định pháp luật khác có liên quan để sớm luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tạo hành lang pháp lý vững chắc, ổn định và hoàn thiện hơn trong công tác xử lý nợ xấu.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đồng tình với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết đến ngày 31/12/2023.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ cần có giải pháp tích cực, hiệu quả hơn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Nghị quyết; khẩn trương nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu, giải trình, cùng với ý kiến góp ý trực tiếp của đại biểu Quốc hội vào dự thảo Nghị quyết Kỳ họp sẽ hoàn chỉnh các nội dung kèm theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và trình Quốc hội xem xét, thông qua vào ngày 16/6/2022 theo Chương trình Kỳ họp./.

Hà Linh

 

Xem thêm »